Bốn tồn tại cần khắc phục để 'tăng tốc' đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2019

Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, bình ổn giá, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm và cải thiện môi trường đầu tư là những nội dung cần tập trung để mục tiêu tăng trưởng năm 2019 đạt mức 7%.

Chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 2/12, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, tại Phiên họp Chính phủ sáng ngày 2/12 đã có nhiều nội dung quan trong được thảo luận.

Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 2/12 do Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì

Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 2/12 do Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì

Theo đó, tình hình KTXH tháng 11 và 11 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá. Đàn gia cầm tăng 12%, dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương dần được kiểm soát (có gần 4.600 xã không phát sinh dịch 30 ngày qua). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,3%, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tiếp tục hạ 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5% xuống 6,0%/năm).

Thị trường thương mại sôi động, phát triển ổn định, nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng 11,8%.

“Riêng tháng 11/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6%, đây là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, thu hút khách quốc tế tiếp tục tăng mạnh, đạt gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước do giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao. CPI bình quân 11 tháng năm 2019 vẫn chỉ tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng khá. Xuất siêu 9,1 tỷ USD. Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Thu hút đầu tư tiếp tục xu hướng tích cực, đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ đà phát triển khá, vốn FDI thực hiện đạt 17,6 tỷ USD. “Như vậy, cả nước có 126.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 36.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,7% so với cùng kỳ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế tồn tại cần giải quyết ngay từ nay đến cuối năm cũng như đầu năm 2020.

Thứ nhất, CPI tháng 11/2019 tăng 3,78% so với tháng 12/2018 và tăng 3,52% so với cùng kỳ.

Thứ hai, ngành nông nghiệp lưu ý ảnh hưởng kép của dịch bệnh và giá nông sản giảm. Không để xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm trong dịp Tết.

Thứ ba, giải ngân vốn đầu tư công chưa có nhiều chuyển biến. Xuất khẩu có xu hướng giảm hơn so với cùng kỳ.

Thứ tư, Người phát ngôn Chính phủ cho biết: “Thủ tướng chỉ đạo cụ thể các vấn đề nổi trội hiện nay như ổn định giá thịt lợn, vấn đề tàu thuyền khai thác trên biển, đẩy nhanh các dự án trọng điểm ngành điện, GTVT, kiểm soát chặt chẽ hình ảnh “đường lưỡi bò” yêu cầu các cơ quan phải kiểm soát chặt chẽ….”.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Nghị quyết 01/2020 với những chỉ tiêu cụ thể cho bộ ngành thực hiện. “Đây là chỉ tiêu quan trọng, các ngành chọn rất ít chỉ tiêu để đưa vào Nghị quyết 01 như Bộ Công Thương là đảm bảo bao nhiêu chỉ tiêu KW điện, Bộ GTVT là bao nhiêu km đường…còn các mục tiêu thường xuyên không đưa vào Nghị quyết lần này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho biết đảm bảo ngày 1/1/2020 sẽ ban hành Nghị quyết 01 năm 2020.

Anh Duy

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/bon-ton-tai-can-khac-phuc-de-tang-toc-dat-muc-tieu-tang-truong-nam-2019-162577.html