'Bóng' Bản Việt ở VietCredit

Đội ngũ nhân lực chất lượng, nguồn vốn dồi dào từ VietCapital Bank là động lực quan trọng, giải thích tốc độ tăng trưởng thần tốc của VietCredit những năm gần đây.

Năm 2022, Công ty Tài chính CP Tín Việt (VietCredit) đạt thu nhập lãi 1.686 tỷ đồng, lãi sau thuế 64 tỷ đồng, là mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

Sự xuất hiện của Bản Việt

VietCredit được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong "cơn say" đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Doanh nghiệp này tiền thân là Công ty Tài chính CP Xi măng (CFC), đúng như tên gọi, có Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) là cổ đông lớn nhất với 40%, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) sở hữu 10,5%, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nắm 11%.

Tới năm 2010, CFC tăng vốn gấp đôi lên 604 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông nhà nước giữ nguyên, ngoài ra còn xuất hiện cổ đông lớn tư nhân là CTCP Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC - 16,86%).

Trong suốt nhiều năm sau đó, CFC hoạt động không mấy nổi bật, gần như chỉ "sống" nhờ dòng tiền từ các cổ đông lớn Nhà nước. Ví dụ, vào cuối năm 2014, cổ đông lớn ủy thác cho CFC gần 1.000 tỷ đồng, chiếm phần lớn nợ phải trả của doanh nghiệp này.

Năm 2014, nhóm Bản Việt bắt đầu xuất hiện tại CFC, khi Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) trở thành cổ đông lớn, nắm giữ 10,99% cổ phần CFC. Lúc này, 88,85% cổ phần CFC do VietCapital Bank và 4 cổ đông lớn nắm giữ, là Vicem (39,67%), VNSteel (10,41%), Vietcombank (10,91%) và ITC (16,86%).

Năm 2015, VNSteel và ITC thoái hết vốn, CFC có thêm một cổ đông lớn, nắm giữ 4,96% là CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Bản Việt (VCAM).

Các năm sau đó, các cổ đông lớn còn lại cũng lần lượt thoái vốn. CFC tới năm 2018 chỉ còn ghi nhận Vicem là cổ đông lớn duy nhất với tỉ lệ tròn 15%, và duy trì cho đến nay.

Đáng chú ý, về mặt giấy tờ, VietCapital Bank và VCAM cũng đã triệt thoái vốn, song sự hiện diện của nhóm Bản Việt tại CFC không những không giảm sút, mà thậm chí còn dày lên đáng kể, tỉ lệ thuận với sự ra đi của các ông lớn nhà nước.

Ngày 23/4/2018, ĐHĐCĐ thường niên CFC đã thông qua thay đổi tên, logo, website, tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của công ty. Theo đó, Công ty Tài chính CP Xi măng chính thức đổi tên thành Công ty Tài chính CP Tín Việt (VietCredit) như hiện nay.

Chủ tịch HĐQT VietCredit hiện là ông Nguyễn Đức Phương. Ông Phương sinh năm 1979, là nhân sự có gần 20 năm công tác trong hệ sinh thái Bản Việt, từng là Giám đốc tư vấn doanh nghiệp của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) rồi Giám đốc chi nhánh Hà Nội của VietCapital Bank, trước khi đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT của VietCredit từ tháng 4/2017.

Ông Nguyễn Đức Phương hiện sở hữu khoảng 3 triệu cổ phiếu cổ phiếu TIN của VietCredit, tuy nhiên cần lưu ý là một lượng lớn trong số này đã được thế chấp tại chính VietCapital Bank.

Trong Ban điều hành của VietCredit, Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Hồ Minh Tâm cũng có 4 năm đảm trách vai trò Phó TGĐ VietCapital Bank, trước khi được bầu và bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT kiêm TGĐ VietCredit vào đầu năm 2017.

Tương tự, phần lớn lãnh đạo trong HĐQT VietCredit cũng có liên hệ tới nhóm Bản Việt, như Thành viên HĐQT Nguyễn Chí Hiếu còn là Giám đốc thương mại CTCP Timo Việt Nam; Thành viên HĐQT Nguyễn Lân Trung Anh là Thành viên HĐQT VCSC; Thành viên HĐQT Nguyễn Đức Huỳnh là Trưởng đại diện CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS).

Thành viên HĐQT duy nhất đại diện cho Vicem là ông Nguyễn Quang Tuân. Tuy nhiên, vị này đã được ĐHĐCĐ bất thường (EGM 2022) của VietCredit miễn nhiệm vào tháng 10 năm ngoái theo nguyện vọng cá nhân.

Tại EGM 2022, có tới 87,45% cổ phần tham dự. Trừ đi gần 15% của Vicem đang nắm giữ, phần nào có thể thấy mức độ chi phối của nhóm cổ đông tư nhân đang hiện diện tại VietCredit. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên (AGM 2022) của VietCredit vào cuối tháng 4/2022, tỉ lệ tham dự thậm chí còn lên tới 94,7%.

Sau khi về tay nhóm Bản Việt, VietCredit đã hoàn toàn lột xác và trải qua trọn một nhiệm kỳ HĐQT tăng trưởng thần tốc. Giai đoạn 2017-2022, tổng tài sản của công ty tài chính này tăng gấp gần 6 lần, từ 1.137 tỷ đồng cuối năm 2017 lên 6.535 tỷ đồng cuối năm 2022, dư nợ cho vay tương ứng tăng từ 710 tỷ đồng lên 4.138 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh thậm chí còn tích cực hơn, với thu nhập lãi thuần tăng 16 lần lên 1.686 tỷ đồng, và lãi sau thuế tăng liên tục qua các năm, đạt mức đỉnh lịch sử 64 tỷ đồng năm 2022, gấp 16 lần năm 2017.

600 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi tại VietCredit

Với đặc thù của một công ty tài chính, VietCredit không được phép huy động vốn từ cá nhân. Như đã đề cập, đơn vị này suốt nhiều năm sống nhờ dòng vốn dưới dạng ủy thác từ các cổ đông lớn Nhà nước. Sau khi các doanh nghiệp nhà nước triệt thoái vốn, dòng vốn này cũng dần mất đi, VietCredit xoay trục mạnh mẽ qua phát hành giấy tờ có giá, đẩy số dư huy động vốn qua kênh này từ số 0 tròn trĩnh giai đoạn trước năm 2018, lên gần 3.700 tỷ đồng tới cuối năm vừa qua, chiếm tới 2/3 tổng nợ phải trả.

Đáng chú ý, theo dữ liệu của Người Đưa Tin, VietCapital Bank đã liên tục mua khối lượng lớn chứng chỉ tiền gửi do VietCredit phát hành, với giá trị năm sau cao hơn năm trước, vào cuối năm 2020 là 330 tỷ đồng, cuối năm 2021 là 548 tỷ đồng và cuối năm 2022 là 600 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ của VietCredit.

Sau vụ việc SCB - Vạn Thịnh Phát, thị trường liên ngân hàng trong nước không còn dễ dàng như trước, khi nhiều ngân hàng cho vay yêu cầu ngân hàng đi vay phải có tài sản đảm bảo, thậm chí là bất động sản. Trong bối cảnh đó, việc VietCapital Bank dành khoản tiền không nhỏ, lên tới 1/6 vốn điều lệ để mua chứng chỉ tiền gửi của VietCredit không khỏi thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư, đặc biệt khi mà công ty tài chính này lại mang đậm dấu ấn của chính nhóm chủ VietCapital Bank.

Tất nhiên, đây không phải thương vụ lớn hiếm hoi giữa VietCapital Bank và một thành viên trong hệ sinh thái Bản Việt, chi tiết sẽ được đề cập trong kỳ tới với tựa đề: "Cách dòng vốn VietCapital Bank nuôi dưỡng hệ sinh thái Bản Việt".

Hoa Liên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bong-ban-viet-o-vietcredit-a603002.html