'Bong bóng xuyên biển Tasman' giải cứu du lịch hậu phong tỏa

Australia và New Zealand đang cân nhắc hợp tác để tạo ra hành lang du lịch song phương. Phương án này có thể là câu trả lời cho bài toán phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Australia và New Zealand là hai quốc gia được đánh giá cao trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Song hai nước này cũng thực hiện nhiều biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới, theo CNN.

Kể từ tháng 3, quyết định đóng cửa hoàn toàn biên giới của Australia và New Zealand gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch mũi nhọn. Sau nhiều tuần chống dịch, hai nước đang cân nhắc các phương án để tái khởi động nền kinh tế, trong đó có xây dựng hành lang du lịch song phương.

“Nếu có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới mà chúng ta có thể kết nối lại đầu tiên, đó chắc chắn là New Zealand”, Thủ tướng Australia Scott Morrison từng chia sẻ vào tháng trước.

 Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Ảnh: Getty Images.

Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Ảnh: Getty Images.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu về vấn đề này hôm 27/4: “Đây là điều chúng ta đều mong muốn. Song việc quan trọng là cả hai quốc gia phải đảm bảo đã làm tốt công tác chống dịch để tự tin mở cửa biên giới”.

Cả hai nước vẫn đang áp đặt lệnh hạn chế du lịch nội địa và yêu cầu du khách nhập cảnh từ nước ngoài phải cách ly trong vòng 14 ngày. Các chuyên gia trong ngành dự đoán Australia và New Zealand sẽ triển khai “bong bóng du lịch” từ tháng 8.

Mối quan hệ đặc biệt

Có rất nhiều lý do giải thích cho việc Australia và New Zealand quyết định “bắt tay” để cứu nguy ngành du lịch.

Mặc dù bị vùng biển Tasman rộng khoảng 2.000 km ngăn cách về mặt địa lý, hai quốc gia này vẫn sở hữu mối quan hệ song phương thân thiết nhất thế giới. Trên thực tế, người sở hữu hộ chiếu Australia có thể sống và làm việc tại New Zealand mà không cần visa, và ngược lại.

Australia và New Zealand cũng đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch của nhau.

Bản đồ Australia, vùng biển Tasman và New Zealand. Ảnh: Wikipedia.

Người Australia chiếm gần 40% lượng khách quốc tế và 24% tổng chi tiêu của khách du lịch tại New Zealand. Đây là một sự đóng góp đáng kể vì du lịch là ngành xuất khẩu lớn nhất tại nước này.

Ở chiều ngược lại, người New Zealand chiếm khoảng 15% lượng khách quốc tế và 6% tổng chi tiêu của khách du lịch tại Australia. Dù du lịch chỉ là ngành xuất khẩu đứng thứ 4 tại nước này nhưng du khách New Zealand vẫn mang về nhiều tỷ USD mỗi năm cho Australia.

Trong thời gian chống dịch Covid-19, cả hai quốc gia này đều thực hiện các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Khi ngành du lịch hai nước chịu thiệt hại nghiêm trọng, nhiều đại diện trong ngành đều hoan nghênh sáng kiến “bong bóng du lịch”.

Giám đốc điều hành Simon Westaway của Hội đồng Du lịch Australia cho rằng phương án xây dựng hành lang du lịch song phương là cách duy nhất để dẫn dắt ngành du lịch Australia trong tương lai.

Khách du lịch chụp ảnh tại Australia. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, người đại diện cho ngành du lịch New Zealand, ông Chris Roberts nhận định: “Sự giúp đỡ của người Australia có thể hồi sinh nhiều doanh nghiệp trong ngành và mang đến việc làm cho hàng nghìn lao động”.

Cũng theo ông này, tổng chi tiêu của du khách quốc tế tại New Zealand đã giảm ít nhất 2 tỷ USD/tháng. Song ông Roberts không mong chờ nước này sẽ đón nhiều khách từ Australia như thời điểm trước khi có dịch: “Tôi nghĩ nhiều người sẽ chọn du lịch trong nước”.

Mở rộng bong bóng du lịch

“Cả hai quốc gia đều ghi nhận những thành tựu trong việc ứng phó với virus corona. Nhờ đó, Australia và New Zealand được kỳ vọng sẽ triển khai các bước tiếp theo để tái thiết nền kinh tế, bao gồm kế hoạch du lịch xuyên biển Tasman”, thủ tướng New Zealand chia sẻ.

Theo đó, “bong bóng xuyên biển Tasman” cho phép hoạt động đi lại giữa công dân hai nước trong bối cảnh Australia và New Zealand vẫn đang đóng cửa biên giới.

Dù vậy, cả ông Roberts và Westaway đều tin rằng “bong bóng du lịch” chỉ phát huy hiệu quả nếu quy định cách ly 14 ngày đối với du khách quốc tế được dỡ bỏ.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Ảnh: CNN.

Theo chuyên gia Roberts, khi thử nghiệm thành công, New Zealand có thể phát huy mô hình “bong bóng du lịch” tương tự ở nhiều lãnh thổ khác như Đài Loan và Hong Kong.

Dự án này cũng đang được thảo luận để mở rộng tới nhiều đảo quốc ở Thái Bình Dương. Dù chịu ít ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng khu vực này, bao gồm nhiều đảo như Fiji hay Guam, phụ thuộc phần lớn vào ngành du lịch và cần viện trợ về mặt kinh tế.

Ông Roberts nhận định “bong bóng du lịch” sẽ đem về nhiều lợi ích cho khu vực Thái Bình Dương: “Đây là điều tốt nhất chúng tôi có thể làm để giúp đỡ họ về mặt kinh tế. Điều quan trọng là chúng tôi làm điều đó một cách an toàn”.

Hành lang du lịch có thể là mô hình đáng được nhiều quốc gia trên thế giới học tập. Song Australia và New Zealand cũng phải cẩn thận để không tạo ra làn sóng Covid-19 thứ hai. Các chuyên gia trong ngành như Roberts và Westaway đều lạc quan về phương án này.

“Australia và New Zealand đã được đánh giá cao khi kiểm soát dịch bệnh thành công. Giờ đây, chúng tôi tiếp tục đưa ra sáng kiến để nối lại du lịch giữa các quốc gia. Tôi chắc chắn phần còn lại của thế giới đều muốn tham khảo”, ông Roberts khẳng định.

Hàng trăm con cừu xâm chiếm thành phố bị phong tỏa vì Covid-19 Video gây kinh ngạc cho thấy hàng trăm con cừu đổ bộ vào thành phố Samsun của Thổ Nhĩ Kỳ tối 3/5 trong lúc thành phố này bị phong tỏa vì đại dịch Covid-19.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bong-bong-xuyen-bien-tasman-giai-cuu-du-lich-hau-phong-toa-post1081036.html