Bóng chuyền Việt cần chuyên nghiệp hóa

Thành công của Hóa chất Đức Giang Hà Nội mới thành lập được 4 năm nhưng đã vào đến trận chung kết quốc gia chính là bài học kinh nghiệm cho nhiều đội bóng chuyền vẫn đang phải sống nhờ ngân sách địa phương.

Vĩnh Long là địa phương sản sinh ra nhiều thế hệ cầu thủ nổi tiếng nhưng vì kinh phí hoạt động hạn hẹp nên cả 2 đội bóng nam, nữ tỉnh này cứ phải luôn đau đáu chuyện tồn tại ở sân chơi đỉnh cao. Nhiều cầu thủ có tài năng phải tha hương lập nghiệp cũng như tìm kiếm cơ hội để thỏa ước mơ ở những tầm cao mới. Chính vì thế, chẳng ai ngạc nhiên với việc đội nam XSKT Vĩnh Long bị rớt hạng nhưng gương mặt gạo cội Từ Thanh Thuận lại tỏa sáng trong thành phần Sanest Khánh Hòa vừa đăng quang ngôi vô địch Việt Nam 2020, hay bộ đôi Nguyễn Văn Dữ - Nguyễn Văn Học 3 năm liền vào đến trận chung kết quốc gia trong màu áo TP HCM. Ở đội nữ, việc chủ công Nguyễn Thị Bích Tuyền chấp nhận không đi du học Mỹ (với học bổng toàn phần 200.000 USD cách đây ít năm) và được trả lương 50 triệu đồng/tháng chính là điều kiện tiên quyết để đội bóng này nhận được kinh phí hỗ trợ hằng năm từ đối tác Truyền hình Vĩnh Long nhằm duy trì hoạt động.

Xổ số kiến thiết Vĩnh Long làm lại từ sân chơi hạng A. Ảnh: THƯƠNG DUNG

Xổ số kiến thiết Vĩnh Long làm lại từ sân chơi hạng A. Ảnh: THƯƠNG DUNG

Câu chuyện của Vĩnh Long cũng xảy ra ở nhiều địa phương có phong trào mạnh mà cũng vì câu hỏi "tìm đâu kinh phí hoạt động" nên việc lên xuống hạng đã trở thành "chuyện thường ngày" như: Thanh Hóa, Thái Bình, TP HCM, Hà Nội, Vĩnh Phúc (nữ), Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Dương (nam)… Không thuộc xu hướng này, việc các đội bóng lực lượng vũ trang thay nhau rớt hạng và một số phải giải thể lại nằm trong kế hoạch chung sắp xếp lại "nhân tài, vật lực" cho đội bóng đại diện ngành. Trừ nữ Thông tin LV PostBank có hệ thống đào tạo bài bản, được đầu tư trọng điểm và luôn giữ được vị trí số 1, cùng các đội nữ nằm trong 3 hạng đầu quốc gia trong vòng 10 năm qua đều được đầu tư theo mô hình xã hội hóa như VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công Thương, Vietsovpetro mà mới nhất là Kinh Bắc Bắc Ninh, Hóa chất Đức Giang Hà Nội (nam có Sanest Khánh Hòa, Tràng An Ninh Bình, Maseco TP HCM).

Tất nhiên, không phải cứ gắn tên với nhà tài trợ là thành đội bóng chuyên nghiệp nếu không có kế hoạch hợp tác lâu dài, cùng hướng đến việc phát triển bóng chuyền tại địa phương. Câu chuyện "bỏ của chạy lấy người" của nhà tài trợ ở Cao su Phú Riềng, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Petechim Thái Bình, Tiến Nông Thanh Hóa… vẫn luôn nóng hổi tính thời sự trên hành trình chuyên nghiệp hóa của sân chơi bóng chuyền.

Đông Linh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/the-thao/bong-chuyen-viet-can-chuyen-nghiep-hoa-20201221213535046.htm