Bóng cười - hiểm họa khôn lường với giới trẻ (Kỳ 2: Cần đưa vào danh mục xử lý hình sự)

Hiện nay, tình trạng mua bán, sử dụng bóng cười công khai trong giới trẻ là thực tế và ngày càng tăng lên mức báo động. Dù lực lượng chức năng thường xuyên ra quân ngăn chặn, xử lý không ít các trường hợp kinh doanh, sử dụng loại hàng hóa độc hại này, nhưng hình thức xử phạt chưa có tính răn đe mạnh đối với các đối tượng vi phạm.

Hiện nay, tình trạng mua bán, sử dụng bóng cười công khai trong giới trẻ là thực tế và ngày càng tăng lên mức báo động. Dù lực lượng chức năng thường xuyên ra quân ngăn chặn, xử lý không ít các trường hợp kinh doanh, sử dụng loại hàng hóa độc hại này, nhưng hình thức xử phạt chưa có tính răn đe mạnh đối với các đối tượng vi phạm.

99 bình khí N2O và 5.000 quả bóng cười được lực lượng chức năng thu giữ tại P. Hòa Minh (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng).

99 bình khí N2O và 5.000 quả bóng cười được lực lượng chức năng thu giữ tại P. Hòa Minh (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Để hiểu rõ hơn tác hại của bóng cười, chúng tôi đã liên hệ với bác sĩ Lâm Tứ Trung- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP Đà Nẵng, bác sĩ Trung cho biết, khí trong bóng cười thực chất là Dinitơ Monoxit (N2O). Đây là loại khí được sử dụng trong y tế, đặc biệt là trong nha khoa. Loại khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một số điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng thoải mái, khoái cảm cho người sử dụng. Nếu sử dụng lâu dài thì sẽ gây tác động làm mất cân bằng hệ thần kinh ở não, gây hạn chế khả năng nhận thức của người. Theo bác sĩ Lâm Tứ Trung, người thường xuyên sử dụng bóng cười sẽ dẫn đến nghiện và dần dần sẽ tiếp tục tìm đến các loại ma túy khác như cần sa, ma túy tổng hợp. Thực tế trong thời gian qua ở thành phố Đà Nẵng, tình trạng người sử dụng bóng cười có kèm theo các chất ma túy tổng hợp diễn ra rất nhiều.

Tác hại của việc sử dụng bóng cười đã quá rõ ràng, chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, việc kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các trường hợp mua bán bóng cười, tàng trữ bình khí cười được lực lượng CATP Đà Nẵng liên tục xử lý mạnh tay. Đơn cử, lúc 16 giờ ngày 8-7-2019, một tụ điểm chứa bình khí N2O và số lượng bóng cười lớn nhất từ trước đến nay được Đội phòng chống tội phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Phòng Cảnh sát Kinh tế CATP Đà Nẵng) kiểm tra, bắt giữ tại một ki-ốt trên đường Nguyễn Thái Bình (P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng). Tại thời điểm trên, lực lượng chức năng bắt giữ 3 thanh niên, tạm giữ tổng cộng 99 bình khí N2O và 5.000 quả bóng cười không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Qua lời khai ban đầu, lực lượng công an xác định 3 đối tượng liên quan trên nhận vận chuyển số tang vật cho một người tên Nguyễn Tuấn Anh (trú số 99- Nguyễn Phước Nguyên, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) từ kho hàng của nhà xe Kim Chi trên đường Thanh Tịnh (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) về ki ốt trên để cất giữ. Tiếp tục kiểm tra nhanh kho hàng của nhà xe Kim Chi, lực lượng Công an phát hiện thêm 51 bình khí N2O không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Tiến hành xác minh, cơ quan điều tra xác định, các đối tượng chính trong vụ này là Nguyễn Tuấn Anh và Trương Nguyễn Minh Việt (1991, trú P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Các đối tượng này đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình; số tiền 200 triệu đồng thu giữ tại hiện trường được khai nhận là số lợi bất hợp pháp từ việc kinh doanh số hàng cấm trên.

Theo Trung úy Nguyễn Minh Đức- cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế CATP Đà Nẵng cho biết, bóng cười du nhập và Đà Nẵng vào khoảng 3, 4 năm trở lại đây và trở nên khá phổ biến ở các tụ điểm ăn chơi như quán bar, pub. Hiểu rõ được thành phần cũng như tác hại của bóng cười nên thời gian qua, lực lượng CATP liên tục ra quân, ngăn chặn không ít các trường hợp buôn bán và sử dụng bóng cười. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, tịch thu tang vật, bởi ở thời điểm hiện tại, khí N2O có trong bóng cười không thuộc danh mục tiền chất gây nghiện.

Việc xử phạt hành vi mua bán, sử dụng bóng cười vẫn còn nhẹ tay.

Hiện nay, N2O là hóa chất thuộc danh mục hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công thương. Trong đó, quy định xử phạt hành chính về việc mua bán, tàng trữ loại khí cười N2O được quy định tại Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-BCT ngày 15-9-2017 của chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể tại Điểm 4a, Điều 7 về hành vi vi phạm theo giấy phép kinh doanh cho biết: sẽ phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh mà không có Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh theo quy định; tại điểm 13c, điều 21 quy định: phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt quy định đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh có điều kiện.

Do việc kinh doanh bóng cười mang lại lợi nhuận rất cao nên không ít cá nhân, cơ sở kinh doanh có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép bóng cười luôn thay đổi phương thức hoạt động để đối phó với sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Trong khi đó, hiện chưa có điều luật cụ thể nào quy định cấm sử dụng bóng cười mà chỉ xử lý hành chính ở mức độ nhẹ nên chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

Thiết nghĩ, những tác hại của loại khí N2O trong bóng cười đối với sức khỏe con người là điều đã được chứng minh thực tế, và đã đến lúc cần đưa bóng cười vào danh mục cấm và có biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn cung cấp, cũng như xử lý mạnh tay những đối tượng vi phạm hoặc tái diễn vi phạm đối với hành vi mua bán, sử dụng trái phép bóng cười.

NGỌC QUỐC

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_213683_bong-cuoi-hiem-hoa-khon-luong-voi-gioi-tre-ky-2-can-dua-vao-danh-muc-xu-ly-hinh-su-.aspx