Bóng cười không phải để 'cười' - Kỳ 2: Bác sĩ cảnh báo tác hại 'chết người'

Không ít các thông tin về những cái chết từ bóng cười, thế nhưng không phải ai cũng biết, nhất là giới trẻ - đối tượng sử dụng bóng cười nhiều nhất.

Mù mờ về tác hại

Đi sinh nhật bạn, chị T.M.P (phường Phương Mai) lên chỗ hẹn từ rất sớm. Đúng dịp cuối tuần, nên vừa lang thang đi bộ, đến giờ thì thủng thẳng đi đến khu vực hẹn trước. Không ngại ngần chia sẻ, P nói: “Trong những dịp tụ tập, dịp vui, bọn em thường rủ nhau lên các quán cà phê trên Tạ Hiện, Nguyễn Hữu Huân… để ngồi cà phê, hoặc chơi bar. Việc chơi shisa và bóng cười cũng là cái mà gần như cuộc vui nào cũng có”.

Cảm giác khi chơi bóng cười, chị miêu tả: Nó cũng chỉ lâng lâng tí thôi, em chơi đến 4, 5 quả cũng chưa thấy thấm tháp gì?! Và với P, so với việc cắn “kẹo” thì bóng cười là quá nhẹ. Có chơi thì chơi, chứ thực sự để mà “phê” thì chưa đủ “đô”, P cho biết.

Không khác P, T.T (quận Bắc Từ Liêm) thì bóng cười chỉ để chơi… cho biết, đỡ “lạc hậu với thời cuộc”, chứ bóng cười không “tuổi gì mà khiến dân chơi phê đến độ quên lối về”, T thủng thẳng.

Và khi được hỏi có biết tác hại của bóng cười hay không, cả P và T đều chỉ cười cho qua, hoặc “Cứ quan trọng hóa vấn đề lên, chứ cũng làm gì quá ghê gớm đâu chị. Nếu không thì đã cấm như cấm ma túy. Em chẳng nghĩ là nó tác động được đến hệ thần kinh như báo chí nói!” T tỉnh bơ nói.

Và khi được hỏi đến tai nạn nghiêm trọng khi sử dụng bóng cười trong đêm nhạc hội ở Công viên nước hồ Tây năm 2018, cả T và P đều chỉ… cười trừ. T còn sành điệu: “Đen thì phải chịu thôi chị.”

Chơi bóng cười ngay trên vỉa hè đường phố. Ảnh: Ngọc Dung

Chơi bóng cười ngay trên vỉa hè đường phố. Ảnh: Ngọc Dung

Có thể gây ra tử vong của bóng cười

Bóng cười là khí gây cười, tên hóa học là Đinitơ monoxit hay nitrous oxide, là hợp chất hóa học với công thức N2O. Khi bơm vào bóng bay, gọi là bóng cười (funkyball). Bóng cười được một nhà hóa học người Anh tên là Joseph Priestley tìm ra năm 1772. Không màu có vị ngọt nhẹ. Chính nhà khoa học này lần đầu tiên hít phải nó đã cười sặc sụa trong phòng thí nghiệm.

Trong y học khí cười được dùng làm thuốc gây tê gây mê. Bóng cười được sử dụng cho mục đích giải trí lần đầu tiên ở giới thượng lưu Anh vào năm 1799.

Khi dùng bóng cười vào cơ thể có 3 tác dụng chính giảm đau, giải lo âu, gây phấn kích cao độ. Thậm chí khi dùng bóng cười, người dùng còn có những ảo giác những cảnh vật xung quanh trở nên rực rỡ, huyền ảo. Những âm thanh bình thường bỗng trở nên huyền diệu du dương (âm thanh biến dạng) người dùng bóng cười nghe âm thanh bình thường thành những âm thanh giống như đang sử dụng “ bộ phơ ”căn chỉnh và biến hóa âm thanh trong âm nhạc.

Về mặt sinh học, khi bóng cười vào cơ thể kích thích tăng chất dẫn truyền thần kinh– khi nồng độ chất dẫn truyền thần kinh tăng cao trong máu gây nên cảm giác hưng phấn sảng khoái cao độ và bật lên tiếng cười.

Các nhà khoa học trên thế giới đã cảnh báo, bóng cười có thể khiến người chơi tử vong nếu sử dụng trong không gian hẹp hoặc dùng bao nilon. Tờ The Independent dẫn số liệu báo cáo từ một nghiên cứu của ĐH St George’s, Anh, cho rằng khí cười là nguyên nhân của 17 trường hợp tử vong trong các năm từ 2006 đến 2012. Có 5 trường hợp tử vong do ngạt thở, thiếu ôxy vì hít khí cười trong năm 2010 và một ca vào năm 2011.

Tháng 4-2018, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai đã điều trị cho một bệnh nhân nam hơn 20 tuổi ở Hà Nội bị tổn thương tủy sống, rối loạn vận động, ngộ độc khí N2O do lạm dụng hít bóng cười trong một thời gian dài.

Bệnh nhân này cho biết thường xuyên hít bóng cười. Thời gian đầu dùng ít, chỉ 1-2 quả một lần và có cảm giác "phê". Dần dần số lượng dùng ngày một tăng, đến thời điểm trước khi nhập viện, bệnh nhân có thể hít lên tới 20 quả một lần chơi. Việc sử dụng bóng cười diễn ra thường xuyên.

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, cho biết thường sau khi hít khí trong bóng cười, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng. Khi vào cơ thể, nó gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch. Chỉ riêng cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu ôxy, và nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp. Nguy cơ tử vong do biến chứng về tim mạch, rối loạn nhịp tim cũng là tác hại của loại khí này.

(còn nữa)

Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bong-cuoi-khong-phai-de-cuoi-ky-2-bac-si-canh-bao-tac-hai-chet-nguoi-149394.html