Bóng đá châu Âu trở lại không như mong muốn

Đơn vị tổ chức các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu đang nỗ lực đưa những trận bóng đá trở lại trong thời gian sớm nhất có thể.

Sau Bundesliga, Premier, Serie A và La Liga cũng đồng loạt tái khởi động trong tháng 6. Tuy nhiên đó chưa hẳn là tín hiệu vui bởi những trận cầu đỉnh cao sẽ không còn diễn ra với không khí cuồng nhiệt như trước.

Từng bước phục hồi

Tự tin vì sớm khống chế dịch bệnh trong tầm kiểm soát, Bundesliga trở thành giải đấu tiên phong trở lại. Các trận đấu thuộc giải vô địch quốc gia (VĐQG) Đức đã diễn ra từ giữa tháng 5, thời điểm mà những người làm bóng đá tại Anh, Tây Ban Nha hay Italia vẫn đang đắn đo vì tình hình COVID-19 trong nước.

Về phần Ligue 1, ban tổ chức (BTC) đã quyết định hủy bỏ phần còn lại của mùa giải và trao cúp vô địch cho PSG với lý do chính quyền Pháp cấm mọi hoạt động thể thao đến tháng 9.

Để có thể sớm trở lại, Bundesliga phải đảm bảo mọi yêu cầu khắt khe về y tế được tham khảo và cho ý kiến từ các chuyên gia. Cầu thủ bị cấm bắt tay trước trận đấu, cũng không được ăn mừng khi ghi bàn, thậm chí phải uống riêng nước trong từng chai có dán nhãn tên mình.

Những ai đứng ngoài đường biên hoặc ngồi trên ghế dự bị phải đeo khẩu trang, HLV muốn chỉ đạo miệng phải đứng cách những người khác tối thiểu 2 mét.

Đá trên sân không khán giả khiến đội nhà gặp bất lợi lớn.

Đá trên sân không khán giả khiến đội nhà gặp bất lợi lớn.

Với những quy định phức tạp và có phần lạ lẫm như vậy, các CLB ở Bundesliga phải liên tục đá tập trước ngày trở lại chính thức để mọi người có thể làm quen với điều lệ mới.

Chẳng ai muốn phải thay đổi thói quen cũ, nhưng đó là việc cần làm nếu không muốn trả giá vì vi phạm. Bất kỳ cá nhân nào ở Bundesliga phạm lỗi cũng sẽ bị phạt nhẹ nhất 1 thẻ vàng, nặng thì cỏ thể bị đình chỉ thi đấu vô thời hạn.

Chân sút Salomon Kalou, người đang khoác áo Hertha Berlin đã trở thành người làm gương cho mọi cầu thủ và HLV khác nghiêm túc chấp hành luật lệ.

Hồi đầu tháng 5, Kalou phát trực tiếp lên mạng xã hội một đoạn phim ghi lại cảnh anh vi phạm lệnh cách ly xã hội khi đến bắt tay mọi người. Chưa cần BTC Bundesliga ra thông báo, Hertha Berlin lập tức yêu cầu Kalou không cần tập luyện cùng đội nữa. Anh bị treo giò cho đến khi CLB có quyết định tiếp theo.

Sau sự cố Kalou, BTC Bundesliga tiếp tục nỗ lực đưa giải đấu trở lại theo kế hoạch đã vạch ra. Kết quả là vào ngày 16/5, vòng 26 đã chính thức khởi tranh sau hơn 2 tháng tạm hoãn.

Chứng kiến thành công của người Đức, Premier League đã cho phép các CLB tập luyện bình thường và ấn định trận đấu tiếp theo diễn ra vào ngày 17-6.

La Liga còn sốt sắng hơn khi tái khởi động mùa giải 2019-2020 vào ngày 12- 6. Ngay cả Italia, quốc gia từng là tâm dịch COVID-19, cũng vừa tuyên bố trở lại vào ngày 20-6 tới.

Bundesliga đã trở lại từ giữa tháng 5.

Vì sao sốt sắng?

Không vội vàng tuyên bố kết thúc sớm giải đấu như Ligue 1, BTC 4 giải VĐQG hàng đầu châu Âu còn lại có lý do để tái khởi động các trận đấu. Đầu tiên là cuộc đua đến ngôi vô địch ở La Liga, Bundesliga và Serie A vẫn đang diễn ra rất gay cấn.

Barca đối đầu Real, Dortmund bám đuổi Bayern, cuộc đua tam mã Juventus - Inter - Lazio vẫn rất đáng xem khi cách biệt về điểm giữa các đội không quá lớn. Về phần Premier League, Liverpool gần như chắc chắn vô địch nên hủy ngang sẽ là quyết định bất công với đội bóng này.

Lý do thứ hai xuất phát từ khó khăn về mặt tiền bạc. Ít ngày trước, Man Utd vừa công bố báo cáo tài chính mùa giải 2019-2020 của CLB, cho thấy doanh thu giảm đến 120 triệu bảng so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều đó cũng có nghĩa một tháng không thi đấu khiến CLB này mất khoảng 60 triệu Bảng tiền bán vé, hợp đồng tài trợ, bản quyền truyền hình... và họ vẫn phải trả lương đều đặn cho cầu thủ, HLV lẫn nhân viên CLB trong khoảng thời gian đó.

Tình hình kinh doanh khó khăn trong và sau thời điểm dịch bệnh bùng phát khiến ngay cả các CLB lớn cũng phải chao đảo. Nhóm cầu thủ Barca đồng ý cắt giảm tới 70% lương để đảm bảo thu nhập cho các nhân viên làm công tại CLB.

Tottenham và Liverpool thậm chí phải cân nhắc cầu cứu Chính phủ Anh cho vay ưu đãi. Một số CLB như Watford hay Sheffield còn thẳng thừng nói họ khó có khả năng trụ vững nếu như dịch bệnh kéo dài đến cuối năm.

Trong trường hợp của Man Utd, CLB này có thể cho thấy họ vẫn đang sống khỏe nhưng sự thực không phải như vậy. Trong 1 năm qua, khoản nợ đội bóng này phải gánh đã tăng thêm 125 triệu Bảng, gần bằng số tiền chiêu mộ 2 hậu vệ Harry Maguire và Aaron Wan-Bissaka.

Tình hình kinh doanh trên phạm vi toàn cầu của Man Utd cũng đang chững lại trong thời gian gần đây bởi chuỗi thành tích yếu kém và không có danh hiệu nào. Trong kịch bản xấu nhất, họ hoàn toàn có thể rơi vào khủng hoảng như Arsenal hay Milan.

Icardi mất giá 20 triệu bảng chỉ trong 2 tháng cho thấy các CLB châu Âu đang túng tiền.

Những hệ lụy kéo dài

Một trong những vấn đề được đặt ra khi các giải đấu hàng đầu châu Âu trở lại là hợp đồng của cầu thủ. Không ít người sẽ trở thành cầu thủ tự do vào ngày 1-7 tới, nên nếu xét về mặt pháp lý, họ hoàn toàn có khả năng đầu quân cho một đội bóng khác trong giai đoạn cuối của mùa giải.

Để giải quyết tình trạng đó, UEFA cho phép các đội được tự do gia hạn với cầu thủ đến khi hoàn tất mùa giải năm nay. Tuy nhiên ngay cả Liên đoàn Bóng đá châu Âu và các quốc gia thành viên cũng phải bó tay với những rắc rối hậu COVID-19.

Những khán đài không khán giả của Bundesliga mang đến sự nhàm chán cho người xem truyền hình dù chất lượng vẫn được đảm bảo. Một trận đấu hay không chỉ đến từ những pha bóng trên sân, mà còn có được nhờ không khí cuồng nhiệt từ các khán đài.

Mới đây, CLB M'gladbach đã nảy ra sáng kiến dán ảnh các CĐV lên ghế, cũng như thử nghiệm phát tiếng cổ vũ được ghi âm sẵn để tạo khí thế. Dù vậy những hình nộm vô hồn đó chẳng thể cổ vũ cầu thủ thi đấu tốt hơn, lại còn khiến đội nhà thua tức tưởi.

Nhờ có lợi thế trở lại sớm, các trận đấu thuộc Bundesliga có thể diễn ra với mật độ 4-5 ngày/trận cho đến ngày kết thúc. Tuy nhiên Serie A, La Liga và Premier League lại không có nhiều thời gian như thế. Với việc tái khởi động từ giữa tháng 6, các CLB sẽ phải liên tục chơi 2-3 ngày/trận để kịp kết thúc trong tháng 7.

Việc này sẽ vắt kiệt thể lực cầu thủ, nhất là khi họ không tập luyện liên tục vì phải ngồi nhà suốt vài tháng qua. Ngoài ra, thi đấu với cường độ cao cũng có thể dẫn đến chấn thương nghiêm trọng.

Hệ lụy cuối cùng COVID-19 gây ra với bóng đá châu Âu là sự vắng mặt của những thương vụ bom tấn trong mùa hè năm nay. Mauro Icardi vốn có giá trị 70 triệu bảng, nay được Inter chấp nhận bán cho PSG với giá vỏn vẹn 45 triệu, cộng thêm 6 triệu tùy vào thành tích thi đấu.

Tình hình tài chính khó khăn khiến việc mua bán cầu thủ cần phải hạn chế hơn, qua đó việc gia hạn hợp đồng với những gương mặt đã có lại là lựa chọn an toàn được tính đến.

Đá sân không khán giả không còn lợi thế sân nhà

Trước ngày trở lại thi đấu, nhóm các CLB có nguy cơ xuống hạng ở Premier League nhất quyết không chấp nhận giải pháp thi đấu trên sân trung lập. Họ muốn tiếp tục chơi sân nhà/sân khách để đảm bảo có lợi thế trong những lần tiếp đón đối phương. Những CLB này tin dù không có khán giả cổ vũ, họ vẫn có lợi thế về việc quen địa hình, sân bãi... Tuy nhiên kết quả những trận đấu mới đây tại Bundesliga lại cho thấy sự thật hoàn toàn ngược lại.

Thống kê từ BTC Bundesliga cho thấy khi chơi trên sân có khán giả, đội nhà có tỷ lệ thắng đến 43,3%. Tuy nhiên kể từ ngày phải trở lại thi đấu trên sân không khán giả, tỷ lệ đó tụt xuống còn 18,5%; thậm chí số trận các đội nhà "ngã ngựa" lên tới 44,4%. Điều đó cũng có nghĩa trong 10 trận tiếp đón đối phương trên sân nhà, một đội bóng ở Bundesliga có chưa tới 2 trận thắng và thua đến 4-5 trận.

Đâu là lý do khiến đội nhà thi đấu kém hơn khi phải chơi trên sân không khán giả? Lý do thứ nhất xuất phát từ sự đồng bộ của giải đấu chuyên nghiệp. Không giống như những sân vận động cổ, các sân bóng thời nay xây theo một quy chuẩn chung với kích thước giống nhau, mặt sân được chăm sóc thường xuyên.

Lý do thứ hai là đội khách không còn bị khán giả gây sức ép nữa nên họ thường chơi hay hơn và ít mắc sai lầm hơn. Một học giả chuyên về nghiên cứu thống kê trong bóng đá cho thấy khi phải thi đấu trên sân không khán giả, đội khách phạm lỗi ít hơn khoảng 3 lần/trận và nhận thẻ cũng ít hơn so với lúc đá trên sân chật kín CĐV đội nhà. Càng không phải nghe những tiếng hò hét và khiêu khích, họ càng có xu hướng chơi bóng điềm tĩnh hơn.

Trận đấu giữa Man Utd và LASK ở lượt đi vòng 1/8 Europa League cho thấy điều đó. Đội bóng Anh hiếm khi nào chơi tốt trên sân khách mùa này nhưng lại có thể vùi dập đối phương đến 5-0 với bàn mở tỷ số rất đẹp của tiền đạo Ighalo. Nhìn chân sút này ghi bàn, huyền thoại Paul Scholes nói đây là một pha bóng đẹp, nhưng chắc chắn Ighalo không bao giờ bình tĩnh xử lý bóng rồi dứt điểm như thế nếu sân đầy ắp khán giả.

Cẩm Chi

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/bong-da-chau-au-tro-lai-khong-nhu-mong-muon-597636/