Bóng đá Đông Nam Á nhìn từ SEA Games 26

(TT&VH)- Từ trước đến nay, bóng đá Đông Nam Á vẫn được coi là một trong những vùng trũng nhất của bóng đá châu Á nói riêng và bóng đá thế giới nói chung. Thế nhưng đấy chưa phải là điều đáng lo nhất. Điều đáng lo hơn là cái “vùng trũng” ấy cho đến SEA Games 26 vẫn chưa tìm cách thay đổi, phát triển để có thể trở nên “cao hơn”, mà nguyên nhân chính là do các nền bóng đá trong khu vực thiếu tính cạnh tranh cũng như thiếu sự phát triển bền vững mang tính liên tục.

Việc thiếu tính cạnh tranh thể hiện ở chỗ trong khu vực Đông Nam Á từ trước đến nay quanh đi quẩn lại cũng chỉ có 5 đội là đã từng giành được chức vô địch SEA Games (SEA Games 26 cũng không phải là ngoại lệ khi đội bóng đăng quang ngôi vô địch Malaysia cũng là một tên tuổi cũ). Trong khi đó, các đội bóng thuộc “chiếu dưới” như Campuchia, Đông Timor, Brunei, Philippines vẫn tiếp tục cam chịu là những “kẻ lót đường”. Và đương nhiên những đội bóng này chẳng thể tạo ra được bất cứ sự cạnh tranh nào đáng kể đối với những đội bóng thuộc “chiếu trên”, cho dù đã sử dụng cả “chiêu trò” nhập tịch cho ngoại binh để tăng cường sức mạnh. Những trận thua cách biệt với tỷ số đậm của các đội bóng thuộc “chiếu dưới” trước các đội bóng thuộc “chiếu trên” đã từng diễn ra tại các kỳ SEA Games trước và đến SEA Games lần này cũng không phải là ngoại lệ. Tại SEA Games năm nay, lưới của U23 Brunei hay U23 Campuchia đã trở thành “rổ đựng bóng” với những trận thua tan tác trước U23 VN, U23 Myanmar hay U23 Indonesia.

Chưa có đội bóng nào phá vỡ được ưu thế của bóng đá Malaysia ở sân chơi khu vực từ 3 năm nay- Ảnh: Quốc Khánh

Những trận đấu tại SEA Games 26 cho thấy bóng đá Đông Nam Á còn bộc lộ sự phát triển thiếu tính liên tục của các quốc gia trong khu vực. Các đội bóng trong khu vực Đông Nam Á đều không thoát khỏi cảnh thịnh suy theo từng chu kỳ của các lứa cầu thủ mà việc U23 Thái Lan - một thời được coi là “ông kẹ” của bóng đá khu vực, lần thứ 2 liên tiếp bị loại ngay từ vòng đấu bảng SEA Games là một bằng chứng cho thấy rõ điều đó.

Hay như U23 VN từ vị thế ứng cử viên vô địch đã gây thất vọng lớn khi ra về tay trắng sau trận thua đáng xấu hổ 1-4 trước U23 Myanmar trong trận tranh HCĐ.

Việc phát triển không ổn định và thiếu tính liên tục của phần lớn các đội bóng Đông Nam Á chính là nguyên nhân lý giải cho những thành tích trồi sụt thất thường của các đội bóng này trong những năm qua cũng như khiến họ chưa thể cạnh tranh và lật đổ được Malaysia, đội bóng trong 3 năm liên tiếp 3 lần vô địch Đông Nam Á (2 kỳ SEA Games và 1 kỳ AFF Cup).

Các trận đấu tại SEA Games năm nay nhìn chung có chất lượng chuyên môn không cao khi hầu như không có sự cách tân và thay đổi về mặt lối chơi cũng như chiến thuật của các đội bóng. Trong suốt cả giải, chỉ có một vài trận đấu thực sự gay cấn, hấp dẫn người xem với chất lượng chuyên môn tương đối khá.

Tỷ lệ bàn thắng mà các đội bóng ghi được tại SEA Games 26 tuy khá cao nhưng nhìn chung phần lớn những bàn thắng này lại được xuất phát từ những sai lầm của hàng phòng ngự đối phương chứ ít khi là sản phẩm của những pha phối hợp dàn xếp tấn công có tổ chức. Các cầu thủ trẻ của phần lớn các đội bóng tham dự SEA Games lần này tuy thi đấu năng nổ, nhiệt tình nhưng trình độ kỹ chiến thuật nhìn chung còn hạn chế, đặc biệt là sự non nớt về mặt kinh nghiệm thi đấu của các cầu thủ trẻ đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả chuyên môn và thành tích thi đấu của nhiều đội bóng.

Thành Quang

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/143n20111127065609010t128/bong-da-dong-nam-a-nhin-tu-sea-games-26.htm