Bóng đá Đông Nam Á và tiếng vọng từ trời Âu

Jonathan Khemdee, Nicholas Mickelson và Yannick Nussbaum là 3 gương mặt tiêu biểu của U23 Thái Lan đang phát triển sự nghiệp tại châu Âu.

Những cầu thủ này là thế hệ tiếp theo trong hàng dài những ngôi sao đã tạo nên sự ảnh hưởng to lớn với các nền bóng đá Đông Nam Á.

Tăng cường sức mạnh cho ĐTQG

Rất nhiều trường hợp các cầu thủ châu Âu chọn Đông Nam Á là điểm đến để họ biến mình thành tâm điểm và là thành viên chủ chốt của các đội tuyển tại nơi này. Thái Lan là nền bóng đá dẫn đầu trong xu hướng tuyển chọn những cầu thủ gốc Âu về thi đấu.

Chẳng hạn như trường hợp của Charyl Chappuis, cầu thủ sinh năm 1992 đã từng thi đấu tại U17 World Cup dưới màu áo của Thụy Sĩ trước khi chuyển đến Thái Lan thi đấu cho CLB Buriram vào năm 2013. Kể từ đó, hàng loạt những gương mặt gốc Âu như Tristan Do, Manuel Bihr và Philip Roller đã trở thành trụ cột của ĐT Thái Lan.

Thực tế, việc đưa các cầu thủ gốc châu Âu về cống hiến cho ĐTQG xuất phát từ những lý do vô cùng đơn giản. Các cầu thủ có thời gian ăn tập, huấn luyện tại châu Âu. Ở đây, họ được tiếp xúc với môi trường bóng đá trình độ cao nhất, điều mà các cầu thủ châu Á khó có cơ hội tiếp xúc được.

Ví dụ như trường hợp của Manuel Bihr. Trung vệ người Thái đã cải thiện trình độ của mình trong thời gian khoác áo Stuttgart. Trong khi đó, Kevin Deeromram được coi là tài năng triển vọng nhất ở Djurgardens IF (Đan Mạch). Sau đó anh quyết định cống hiến cho ĐT Thái Lan và trở về đây thi đấu cho Ratchaburi vào năm 2016.

Sự góp mặt của các cầu thủ gốc Âu giúp cho các đội bóng như Thái Lan, Việt Nam, Philippines tăng tốc trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách với các đội bóng lớn ở châu Á.

Philippines là quốc gia đã thành công trong việc sử dụng các cầu thủ có gốc gác châu Âu. Trong hơn 1 thập kỷ vừa qua, The Azkals đã tăng cường đội hình của họ bởi các cầu thủ mang trong mình một nửa dòng máu phương Tây. Và giờ đây, họ đã trở thành một trong những đội bóng lớn ở Đông Nam Á bất chấp những sự vươn lên của nhiều đội bóng khác.

Philippines đã có 4 lần lọt vào bán kết trong 6 kỳ AFF Cup gần nhất, đây là chuỗi thành tích tốt nhất của đội bóng xứ đảo ở giải đấu số một khu vực. Năm 2019, Philippines cùng Thái Lan và Việt Nam góp mặt tại VCK AFC Asian Cup.

Ở giải đấu nói trên, có đến 17 trên tổng số 23 cầu thủ Philippines lớn lên ở châu Âu. 6 trong số đó là người gốc Đức và đã có nhiều kinh nghiệm khi trưởng thành ở hệ thống đào tạo trẻ hàng đầu nước Đức. Những cầu thủ này bao gồm: Stephan Schröck (Eintracht Frankfurt), John-Patrick Strauß (RB Leipzig), và Kevin Ingreso (Hamburg), cùng với Mike Ott, Manuel Ott và Patrick Reichelt.

Thái Lan và Philippines là hai đội đã tận dụng rất tốt nguồn cầu thủ có gốc châu Âu để nâng cao sức mạnh cho đội tuyển quốc gia. Thủ môn gốc Nga – Đặng Văn Lâm cũng là cầu thủ chủ chốt của ĐT Việt Nam. Trong khi đó, ĐT Malaysia cũng được hưởng lợi từ sự xuất hiện của Dion Cools – cầu thủ gốc Bỉ.

Thế hệ tiếp theo của các tài năng mang dòng máu châu Âu của Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan mang lại nhiều sự hứa hẹn cho tương lai. Điển hình là trường hợp của trung vệ Jonathan Khemdee – người được khen ngợi bởi màn trình diễn xuất sắc trong chiến dịch vòng loại U23 châu Á 2022. Sự xuất hiện của anh giúp cho đội bóng xứ Chùa vàng chỉ nhận vỏn vẹn 1 bàn thua sau 2 trận.

Thăng hoa ở giải quốc nội

Tạo ảnh hưởng trên bình diện quốc tế có thể là mục tiêu chính của các cầu thủ sinh ra ở nước ngoài, nhưng sự hiện diện của họ cũng tạo nên tiếng vang ở giải quốc nội.

Một số cầu thủ, chẳng hạn như John-Patrick Strauß và Jonathan Khemdee, đã chọn tiếp tục sự nghiệp câu lạc bộ của họ ở châu Âu, với FC Erzgebirge Aue (Đức) và Næstved (Đan Mạch). Tuy nhiên, nhiều cầu thủ đã quyết định chuyển đến Đông Nam Á sau khi tuyên bố trung thành với ĐTQG Đông Nam Á, và trở thành những tài năng hàng đầu cho các câu lạc bộ mới của họ.

Charyl Chappuis đã đóng một vai trò quan trọng trong chức vô địch năm 2013 của Buriram United và trở lại sau chấn thương để trở thành lá bùa hộ mệnh cho Suphanburi trong mùa giải 2016 và 2017. Tương tự, Kevin Deeromram chính là cầu thủ nổi bật trong một đội Ratchaburi ở mùa giải 2016 trước khi chuyển đến Port FC bằng bản hợp đồng trị giá 40 triệu Baht tới vào kỳ chuyển nhượng tiếp theo. Những cầu thủ như Philip Roller, Tristan Do và Manuel Bihr cũng có tác động tương tự đối với đội bóng chủ quản.

Các câu lạc bộ Thái Lan cũng được hưởng lợi từ nỗ lực chiêu mộ các cầu thủ mang nửa dòng máu châu Âu của các nước láng giềng, vì họ có thể được đăng ký như một phần hạn ngạch Đông Nam Á cho giải đấu. Thủ môn Đặng Văn Lâm và Michael Falkesgaard lần lượt đóng vai trò quan trọng giữa các khung thành của Muangthong và Bangkok United với tư cách là những tân binh Đông Nam Á

Sự xuất hiện của các cầu thủ mang nửa dòng máu châu Âu đã cải thiện và trẻ hóa bóng đá các câu lạc bộ ở khu vực, đồng thời mang đến cho các câu lạc bộ nhiều lựa chọn để củng cố đội hình của họ.

Thu hút sự chú ý của công chúng

Ngoài tầm ảnh hưởng của các cầu thủ ngoại trên sân, các cầu thủ ngoại kiều thường tạo dựng được sự chú ý rất lớn ở các CLB trong nước. Họ tích lũy được lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội. Nhóm cầu thủ gốc châu Âu được đưa vào các ĐTQG khác nhau thường khơi dậy niềm tin to lớn của những người hâm mộ.

Hơn nữa, ngay cả khi không được chọn vào ĐTQG, các cầu thủ mang nửa dòng máu châu Ấu có xu hướng thống trị tin tức và có lượng người hâm mộ cá nhân lớn hơn so với các đồng nghiệp trong nước. Ví dụ, Charyl Chappuis vẫn được cho là có lượng người theo dõi đông đảo nhất so với bất kỳ cầu thủ Thái Lan nào mặc dù không ra sân cho ĐTQG kể từ năm 2017.

Gần đây , Ben Davis trở thành tâm điểm chú ý sau khi góp mặt ở VCK U23 châu Á 2020 do Thái Lan đăng cai dù mới 19 tuổi và chưa nằm trong nhóm cầu thủ chủ chốt của đội. Những những sự thành công của các cầu thủ gốc châu Âu tại Đông Nam Á xuất phát từ những lý do sau đây.

Thứ nhất, các CĐV thường coi phương Tây là cội nguồn của sự xuất sắc và hiện đại - một niềm tin đã ăn sâu vào văn hóa Thái Lan, Việt Nam hay những nước khác. Thêm vào đó, nỗi khát khao có cầu thủ quê nhà xuất hiện tại các giải đấu hàng đầu châu Âu như Premier League và La Liga, khiến phần đông các CĐV luôn trông chờ vào những “người con phương xa”.

Thực tế, những cầu thủ châu Á khi “tây du” đều không quá thành công. Điều này khiến cho sự xuất hiện của những cầu thủ được đào tạo bởi các CLB châu Âu ưu tú tạo nên sự chú ý khi họ trở về quê nhà. Bên cạnh đó, những cầu thủ ngoại kiều còn gieo niềm hy vọng rằng một ngày nào đó bóng đá trong khu vực có thể bắt kịp tiêu chuẩn của những nền bóng đá hiện đại.

Trong nhiều trường hợp, các cầu thủ mang nửa dòng máu châu Âu là lợi thế lớn cho các ĐTQG Đông Nam Á. Việc họ tiếp xúc với các học viện và hệ thống đào tạo ưu tú thường mang lại cho họ những phẩm chất vẫn còn thiếu trong nhóm tài năng trong nước. Họ có thể mang lại sự thúc đẩy cho các đội Đông Nam Á trong thời gian ngắn, nhưng cho thấy rằng việc cải thiện hệ thống đào tạo cầu thủ vẫn là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách với các đội lớn nhất ở châu Á.

Huỳnh Tấn Thọ

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bong-da-dong-nam-a-va-tieng-vong-tu-troi-au-a586776.html