Bóng đá Hà Lan ngày càng trẻ hóa

Tuổi đời của các cầu thủ chuyên nghiệp trên sân cỏ Hà Lan đang ngày càng trẻ hơn. Đáng lẽ đấy phải là dấu hiệu đáng mừng. Đằng này, cầu thủ 17-19 tuổi xuất hiện nhan nhản ở giải Eredivisie, nhưng đội tuyển Hà Lan thì cứ phải trông cậy vào các lão tướng như Mark Van Bommel. Điều ấy nói lên một sự trẻ hóa khác thường trong nền bóng đá từng có Johan Cruyff. Theo đài phát thanh Hà Lan RNW, thì đây là sự trẻ hóa… đáng báo động.

Do thị trường Hà Lan có những bất lợi không thể vượt qua (chẳng hạn dân số không nhiều), giải Eredivisie không thu hút được hợp đồng truyền hình lớn, giới đầu tư cũng chẳng mặn mà. Hậu quả là các đội bóng lớn như Ajax Amsterdam, Feyenoord hoặc PSV Eindhoven ngày càng lâm vào tình trạng khó khăn về mặt tài chính. Đấy là các đội bóng lớn. Ở tầm mức thấp hơn, đội bóng nhỏ ở bảng hạng Nhất, hoặc các CLB hạng Nhì của Hà Lan giờ đang vất vả kiếm nguồn thu nhập. Kiếm đủ tiền để trả lương cho cầu thủ đã là quá khó khăn rồi. Nhìn vào bảng xếp hạng của giải hạng Nhì Hà Lan, bạn sẽ nghĩ rằng có sự nhầm lẫn nào đấy, khi số trận thắng hoặc hòa không tương xứng với điểm số các đội. Thật ra, có đến phân nửa số đội ở giải này bị trừ điểm vì nợ lương cầu thủ. Giải hạng Nhất cũng có, ví dụ như đội NAC Breda, khởi đầu mùa bóng bằng số điểm âm. Bây giờ NAC đã trả xong nợ nần, họ lại được khôi phục điểm số chính xác! Hệ quả tiếp theo: các CLB đành dùng “lúa non”, tức sớm đẩy các cầu thủ trẻ lên đội lớn để bù vào điểm yếu không có tiền mua cầu thủ. Các đội như Feyenoord hoặc Vitesse Arnhem bây giờ gồm toàn cầu thủ trẻ. Nhưng sự trẻ trung bất đắc dĩ này khác hẳn với lứa trẻ xuất sắc, vươn lên một cách bài bản, như thế hệ vô địch Champions League của Ajax 15 năm trước. Trước đây, Ajax tồn tại bằng cách bán các ngôi sao trẻ do họ đào tạo với giá chuyển nhượng rất cao. Bây giờ, không chỉ Hà Lan mà nhìn chung là khắp châu Âu đều đã thắt lưng buộc bụng. Một mặt, tình hình kinh tế khó khăn không cho phép các đội mua sắm lực lượng một cách thoải mái nữa. Mặt khác, chính các CLB lớn chủ động làm quen với tình trạng giảm chi tiêu và bớt mua cầu thủ để không bị “sốc” khi UEFA bắt đầu áp dụng quy định fair-play tài chính từ mùa tới. Quy định fair-play tài chính của UEFA thoạt trông có vẻ sẽ tạo sự cạnh tranh công bằng, có lợi cho các đội nhỏ. Nhưng cũng có thể chính các CLB nhỏ, như các CLB Hà Lan, trở thành nạn nhân đầu tiên của quy định này. Họ sẽ tồn tại và phát triển như thế nào nếu không bán được cầu thủ. Mà với tình trạng hiện nay, cầu thủ trẻ được đôn lên đội lớn một cách vô tội vạ, uy tín về chất lượng của “lò” Hà Lan đã giảm hẳn. Cứ nhìn vào Ajax Amsterdam: họ đâu có bán được ngôi sao nào đáng kể trong đợt chuyển nhượng vừa qua. LĐBĐ Hà Lan thừa nhận: có 6 CLB ở bảng hạng Nhất – Feyenoord là một trong số đó – đang đối diện nguy cơ phá sản, giải tán hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động. Tất cả đều liên quan đến tình trạng sổ sách không cân bằng. Các đội như thế bây giờ sử dụng toàn những cầu thủ 17-18 tuổi chẳng qua để cắt giảm quỹ lương, chứ chất lượng chuyên môn của bóng đá trẻ Hà Lan thì chẳng có gì đáng mừng. Và sẽ chẳng có hy vọng gì về chuyện cúp vô địch Champions League hoặc Europa League ghé đến Hà Lan trong tương lai gần. TRI KỶ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thethao/bongdaquocte/2010/9/236161/