Bóng đá Việt, 100 năm và giấc mơ World Cup

FIFA World Cup vẫn là giấc mơ dù bóng đá Việt đã có lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển. Thế nhưng, ở lần tham dự tới đây của thầy trò HLV Park Hang Seo, giấc mơ đang trở nên gần hơn rất nhiều.

Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam vô địch giải Đông Nam Á AFF Cup năm 2018

Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam vô địch giải Đông Nam Á AFF Cup năm 2018

1. Theo những tài liệu cũ, bóng đá theo chân người Pháp vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ 19, rồi nhanh chóng lan từ Nam Kỳ, tới Bắc, Trung Kỳ để trở thành môn thể thao được đông đảo quần chúng nhân dân yêu thích.

Không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe, dân trí mà ngay từ thủa ban đầu, trái bóng tròn còn trở thành công cụ hữu hiệu phản kháng chế độ thực dân, khẳng định và tôn vinh giá trị, phẩm chất của mỗi người dân đất Việt. Cũng theo những sử liệu cũ, vào năm 1951, đội tuyển bóng đá quốc gia đầu tiên mang tên Việt Nam đã được thành lập quy tụ danh thủ cả 3 miền và từng tham dự Á vận hội lần thứ hai diễn ra ở Philippines.

Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam chỉ thực sự phát triển bài bản từ năm 1954 dù đất nước vẫn còn chia cắt. Bóng đá miền Nam với những hoàn cảnh riêng đã vươn tới tầm châu lục khi liên tục có mặt trong tốp 4 đội mạnh nhất và từng tham dự vòng loại FIFA World Cup 1974. Thời kỳ này, bóng đá miền Bắc với sự hỗ trợ của các nước XHCN anh em dù không thi đấu ở giải chính thức, nhưng theo đánh giá chung của giới chuyên môn cũng đạt tới đẳng cấp châu lục.

Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất và cũng phải mất 16 năm sau, đội tuyển Việt Nam mới trở lại với đấu trường quốc tế thông qua lần tham dự SEA Games lần thứ 16 tổ chức tại Philippines. Bước ra từ những năm tháng chiến tranh kéo dài cùng những điều kiện kinh tế, xã hội vẫn nhiều gian khó, mục tiêu của nền thể thao nói chung và bóng đá nước nhà nói riêng lúc đó chỉ là hội nhập, dần từng bước nâng cao vị thế, mà trước hết là ở tầm khu vực.

Cho tận đến lúc này, dù đã gặt hái được rất, rất nhiều thành công trên đấu trường quốc tế, nhưng có thể khẳng định, trình độ bóng đá (kể cả thể thao) Việt Nam cũng chỉ mới vươn tới tầm khu vực, tiệm cận với mặt bằng châu lục. Đó là 2 chức vô địch giải Đông Nam Á AFF Cup các năm 2008, 2018; là 2 lần vào đến tứ kết giải vô địch châu Á ASIAN Cup 2007, 2019 của đội tuyển quốc gia; Suất chơi bán kết Đại hội thể thao châu Á ASIAD 2018; Ngôi á quân U23 châu Á 2018; Đội tuyển U20 nam và đội tuyển futsal vào vòng chung kết World Cup... hay các chức vô địch khu vực, SEA Games của bóng đá nữ.

2. Nhắc lại những dòng lịch sử cũ để thấy giấc mơ FIFA World Cup xa tới thế nào. Mặc cho đội tuyển U20 nam từng tham dự vòng chung kết FIFA U23 World Cup; đội tuyển futsal dự vòng chung kết futsal World Cup, kể cả đội tuyển bóng đá nữ gần chạm tay vào suất đi sân chơi lớn nhất thế giới, thì FIFA World Cup dành cho đội tuyển nam quốc gia - thứ bóng đá chuẩn của sân 11 người vẫn bị coi là mục tiêu quá tầm, dù với tư cách thành viên của Liên đoàn Bóng đá thế giới, đội tuyển Việt Nam liên tục tham dự qua các kỳ World Cup.

Cụ thể, bắt đầu từ năm 1994, tức là 3 năm sau khi trở lại với sân cỏ quốc tế, đội tuyển Việt Nam tham dự vòng loại FIFA World Cup đầu tiên và dù đã có 1 trận thắng trước Indonesia nhưng là chưa đủ để đi tiếp. Tính đến vòng loại FIFA World Cup 1998, tức là sau 7 lần tham dự, chưa bao giờ vượt quá vòng loại thứ nhất tại khu vực châu Á (tại khu vực

châu Á thường có đến 3 vòng loại và các trận ply-off châu lục để xác định xuất dự vòng chung kết FIFA World Cup).

Cũng theo thống kê, qua 7 lần tham dự, đội tuyển Việt Nam đá 38 trận chỉ thắng 10, hòa 3 và thua 25, ghi được 42 bàn, nhưng để thủng lưới tới 56 lần.

Tất nhiên, với khoảng cách lớn về trình độ chuyên môn, việc không thể tiến xa ở sân chơi này là hoàn toàn có thể hiểu được. Hơn thế, việc tham dự vòng loại FIFA World Cup chỉ được xem là cơ hội cọ xát đỉnh cao cho bóng đá nước nhà chuẩn bị cho những giải đấu vừa tầm hơn. Mặc dù vậy, dấu ấn của đội tuyển Việt Nam ở sân chơi này không phải là không có. Đó là 2 chiến thắng hoành tráng tới 13-1 trước Macau (Trung Quốc) tại vòng loại FIFA World Cup 2019 mà ở đó, danh thủ Lê Công Vinh ghi được 7 bàn. Hay cũng tại vòng loại này là màn ngược dòng ngoạn mục để đánh bại tên tuổi lớn của làng cầu châu Á Qatar với tỷ số 2-1 tại Mỹ Đình...

3. Vẫn là một giấc mơ nếu nhìn vào mặt bằng bóng đá châu lục hiện tại và cơ hội có mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh gần như chỉ bằng con số 0, vậy thì tại sao lần tham dự vòng loại FIFA World Cup 2022 của đội tuyển Việt Nam lại trở nên tăng nhiệt tới bất ngờ?

Thực ra không khó để tìm ra câu trả lời. Trước hết, sau nhiều thành công để có mặt trong tốp 15 châu Á, lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam lọt thẳng vào vòng loại World Cup thứ 2 khu vực châu Á với hạt giống là số 2. Vị trí hạt giống này giúp cho thầy trò HLV Park Hang Seo có lá thăm thuận lợi để có thể nuôi hy vọng tiến vào vòng 3 - vòng loại cuối cùng. Và nếu có mặt ở vòng 3, có thể chưa chạm đến tấm vé dự vòng chung kết World Cup tổ chức tại Qatar năm 2022, thì đội tuyển Việt Nam cũng giành được suất dự vòng chung kết ASIAN Cup 2023 (vòng loại thứ 2 FIFA World Cup 2022 cũng là vòng loại ASIAN Cup 2023).

Và khi có kết quả bốc thăm vòng loại thứ 2, thì cơn sốt mang tên World Cup càng tăng nhiệt khi đội tuyển Việt Nam rơi vào bảng G với những đối thủ quá quen thuộc tại khu vực Đông Nam Á gồm: Thái Lan, Malaysia, Indonesia cùng 1 đại diện cho bóng đá Tây Á là UAE. Theo giới chuyên môn, bảng đấu này không khác gì một giải vô địch Đông Nam Á mở rộng và đương nhiên với tư cách nhà vô địch, đội tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện bước tiếp.

Chiến dịch mang tên World Cup 2020 còn được hâm nóng thêm, khi ngay ở vạch xuất phát, vào ngày 5/9 tới, đội tuyển Việt Nam sẽ đối đầu với đối thủ số 1 - chủ nhà Thái Lan, trận đấu ngoài ý nghĩa cạnh tranh trực tiếp còn trả lời cho câu hỏi - Ai xứng đáng là Vua của bóng đá Đông Nam Á!

Khi trái bóng còn chưa lăn trên sân cỏ, chưa có thể nói trước bất kỳ điều gì. Giống như kỳ tích mà thầy trò ông Park đã mang về trong 2 năm qua, nhất là khi giấc mơ 100 năm đã đến thật gần...

Mục tiêu của bóng đá Việt Nam là FIFA World Cup 2026

Đội tuyển Việt Nam sẽ tham dự vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á bắt đầu vào tháng 9 tới đây. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn tiết lộ VFF muốn hướng tới giành tấm vé dự World Cup 2026.

"Bởi World Cup 2026 diễn ra tại Bắc Mỹ sẽ tăng số đội từ 32 lên 48. Đó là cơ hội rất lớn cho đội tuyển Việt Nam và các đội tuyển Đông Nam Á có thể giành vé tham dự. Dù biết cơ hội rất khó khăn nhưng chúng ta phải nỗ lực hết khả năng. Do đó, chúng tôi đặc biệt đầu tư cho lứa U18 Việt Nam để hướng đến World Cup 2026", ông Tuấn nói.

Ngọc Minh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/bong-da-viet-100-nam-va-giac-mo-world-cup-110694.html