Bóng đá Việt: Hai mươi năm ấy biết bao là… tiền

Trong hơn hai thập kỷ tiến hành chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp hóa, bóng đá Việt Nam đã chi phí tới hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng vẫn chỉ là bóng... làng mà không hề chuyên nghiệp...

Bóng đá là môn thể thao có đông người xem nhất và ở Việt Nam, nó có đến 4 cơ quan tham gia quản lý. Những cơ quan này gồm Bộ VH, TT&DL, Tổng cục TDTT, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Trong số này, hai cơ quan đầu tiên là cơ quan quản lý Nhà nước đối với bộ môn bóng đá, VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp, sinh ra để vận hành hệ thống bóng đá Việt Nam, còn VPF là đơn vị được VFF ủy quyền tổ chức điều hành các giải đấu bóng đá trong nước. Bộ khung quản lý bóng đá nói trên, trông qua là thấy hết sức chặt chẽ, bóng đá có mà... chạy đằng trời, chỉ có con đường cắm cúi phát triển đi lên chứ lơ mơ tạt ngang tạt ngửa là bị trị cho đến nơi đến chốn ngay.

Dân ta vốn khoái xem bóng đá. Thuở còn bóng đá bao cấp, các sân cỏ miền Bắc lúc nào cũng kín khán giả, trong khi bóng đá cũng rất phát triển ở khu vực phía Nam. Rồi mọi chuyện đổi thay theo sự phát triển của xã hội. Cách đây hơn hai mươi năm, các cơ quan quản lý bóng đá Việt Nam đệ trình lên Chính phủ đề án thí điểm chuyển bóng đá sang cơ chế chuyên nghiệp nhằm tận dụng nguồn lực xã hội hóa và giảm dần chi phí ngân sách cho bóng đá, bởi nói gì thì nói, bóng đá là môn thể thao giải trí chứ không phải là ngành kinh doanh thuần túy. Ý tưởng rõ ràng là hay, theo đúng cách mà các nền bóng đá tiên tiến từng đi qua nên đề án nói trên đã được phê duyệt không khó khăn gì mấy.

Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu... tiền. Tiền đổ vào cho bóng đá kể từ ngày có đề án chuyên nghiệp hóa phải nói là không biết bao nhiêu mà kể. Dù theo “khung chi phí” thì chi phí nuôi một đội bóng ở hạng V.League vào khoảng 50 tỷ đồng/năm, đội hạng nhất ít hơn, vào khoảng 35 tỷ đồng, thế nhưng kể từ khi động viên được nguồn lực xã hội hóa thì trong thời gian dài, nhiều đội bóng đã chi vượt số tiền so với khung quy định rất nhiều. Nói cách khác, trong hơn hai thập kỷ tiến hành chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp hóa, bóng đá Việt Nam đã chi phí tới hàng chục ngàn tỷ đồng chứ không ít, gồm cả nguồn tiền ngân sách lẫn tiền xã hội hóa. Tiêu nhiều thì chẳng có gì đáng bàn, song vấn đề là cho tới thời điểm hiện tại, bóng đá Việt Nam vẫn không hề chuyên nghiệp, cụ thể là vẫn tiêu tiền ngân sách và bóng đá không tự nuôi sống được nó – như cách mà các nền bóng đá chuyên nghiệp đang làm, coi bóng đá như con gà đẻ trứng vàng.

Về mặt thành tích, hơn hai thập kỷ chuyển sang chuyên nghiệp cũng là thời gian bóng đá nước nhà hội nhập với khu vực và thế giới song thành tích thuần túy chỉ loanh quanh ở khu vực Đông Nam Á, chỉ gần đây bóng đá trẻ mới vươn ra châu lục nhưng vươn ra bền vững, ổn định hay không thì phải chờ thời gian trả lời. Những thành tích ấy, dù vậy không thể khỏa lấp cho hàng loạt yếu kém xảy ra ở mọi mắt xích của hệ thống bóng đá Việt Nam. Những điểm ưu việt nhất của bóng đá thế giới, chúng ta rõ ràng chẳng học được bao nhiêu, điển hình là chuyện loay hoay mãi không chuyên nghiệp nổi, trong khi các tiêu cực thì nảy nở rất nhanh. Việc bán độ xảy ra ngay ở cấp độ đội tuyển quốc gia khi thi đấu quốc tế, còn ở giải V.League, cả cầu thủ lẫn trọng tài đều dính líu tới chuyện gian dối trên sân cỏ khiến một số rơi vào vòng lao lý, thậm chí có đội bóng buộc phải giải thể do số cầu thủ đứng trước vành móng ngựa quá đông. Bạo lực sân cỏ diễn ra như một căn bệnh mãn tính khó chữa và hậu quả là lượng khán giả đến sân cứ giảm dần.

Ấy là nói về cầu thủ, đội bóng, trọng tài và khán giả. Ở khu vực của các cơ quan quản lý bóng đá, xem ra mọi sự chẳng khá hơn là bao. Cứ xem những việc xảy ra bên thềm đại hội nhiệm kỳ VFF năm nay là đủ thấy tổ chức này đang năm bè bảy phái. Các ứng viên nằm trong danh sách ứng cử vào lãnh đạo của hai tổ chức VFF và VPF nhiệm kỳ này, suốt thời gian qua lần lượt bị bêu xấu trên mặt báo về chuyện không chứng nọ thì tật kia. Tuần trước, vị Phó Chủ tịch VPF buộc phải từ chức do lộ băng ghi âm cuộc họp hòa giải với Phó Ban Trọng tài VFF, trong đó vị lãnh đạo VPF dùng đủ ngôn từ chợ búa để đe dọa chửi bới với lý do đối tượng sử dụng vài tờ báo bôi nhọ mình. Mới nhất là một Phó Chủ tịch VFF đã phải vội vã lên báo thanh minh mình không đi mua... dâm sau khi mạng xã hội đăng tải hình ảnh ông này bị công an bắt quả tang đang ở trong phòng khách sạn cùng một cô gái vào rạng sáng 25/5 mà không đăng ký với khách sạn.

Người ta thường nói hãy nhìn sự việc dưới con mắt lạc quan tích cực thì mọi thứ sẽ sáng sủa hơn. Điều đó không sai nhưng nếu nhìn vào những cam kết với Chính phủ khi người ta trình đề án chuyên nghiệp hóa hơn hai mươi năm trước rằng sẽ nhanh chóng chuyển bóng đá sang chuyên nghiệp, giảm dần tiến tới chấm dứt sử dụng nguồn tiền ngân sách cho bóng đá, rằng bóng đá sẽ tự làm ra tiền để nuôi nó, vân vân, thì chẳng rõ cảm giác của chúng ta có phải là bi kịch lạc quan hay không. Hỏi cũng đã là trả lời.

PV

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/bong-da-viet-hai-muoi-nam-ay-biet-bao-la-tien-81524.html