Bóng đá Việt Nam: Bi kịch chọn thầy

Đúng là bi kịch khi cái vòng tròn thầy ngoại - thầy nội - rồi lại thầy ngoại - rồi lại thầy nội cứ lặp đi lặp lại sau mỗi thất bại. Tất cả sa hết và dồn hết cả vào chuyện một ông thầy mà không chịu nghĩ tới một chiến lược chọn thầy, dùng thầy tử tế.

Loạn tiêu chí

Cuối năm 2007, đầu năm 2008, khi HLV Alfred Riedl ra đi sau một SEA Games 24 thảm bại, nhiệm kỳ 5 VFF thực hiện một cuộc chọn thầy rềnh rang chưa từng có. Sau nhiều vòng tuyển chọn, rốt cuộc có 5 ông thầy được Hội đồng HLV Quốc gia đưa vào "chung kết", nhưng tới đây rồi thì tất cả đều ngã ngửa, trong 5 ông thầy được tin tưởng là ngoại "xịn" này, người thì đã tìm được việc làm, người thì đòi mức lương cao ngất, không phù hợp với túi tiền của chúng ta.

Chẳng đặng đừng, VFF phải chọn HLV trưởng CLB Đồng Tâm Long An Henrique Calisto - người mà năm 2002 cũng từng lên ĐT và giúp ĐT gặt Huy chương Đồng Tiger Cup. Hồi ấy, khi báo giới cật vấn ông chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ là "không đưa Calisto vào chung kết nhưng cuối cùng lại chọn Calisto, chứng tỏ VFF đã việt vị nặng với kế hoạch ban đầu?" thì ông Hỷ "cự" lại: "Không đưa Calisto vào danh sách cuối cùng vì chúng tôi coi ông ấy không khác gì thầy nội". Thực tế ai cũng hiểu đấy chỉ là một cách nói, cách giải thích khi... sự đã rồi. Nhưng đúng là trong cái rủi có cái may, không ai nghĩ Calisto sau đó lại giúp ĐT Việt Nam đi một lèo tới ngôi vua Đông Nam Á.

Đến năm 2010, Calisto ra đi thì thông qua một nhà môi giới vốn là một cựu cầu thủ đang sống ở Đức, VFF nhanh nhảu chọn thầy Falko Goetz với niềm tin: "Đấy là ông thầy có bằng cấp nhất và giỏi nhất trong lịch sử của chúng ta". Nhưng rốt cuộc Falko Goetz với hàng loạt những biểu hiện bấn loạn về tâm lý đã thất bại tại SEA Games năm 2011. Và đến lúc này thì chủ tịch VFF lại bảo: "Giờ là lúc cần thầy nội". Cơ sở nào để chúng ta tin vào thầy nội?

HLV Miura đã ra đi, VFF rút ra bài học gì?

Vẫn theo chủ tịch VFF thì bóng đá Malaysia khi đó đã thành công rực rỡ với thầy nội Rajagobal, và đấy là một lời cổ vũ lớn lao để các nền bóng đá Đông Nam Á tin vào thầy nội? Thêm nữa, bóng đá Việt Nam cũng có những ông thầy nội đủ sức, đủ bản lĩnh nhận nhiệm vụ ở ĐTQG. Rất nhanh chóng, cái tên Phan Thanh Hùng - cánh tay mặt một thời của Calisto ở ĐTQG được ưu tiên chọn lựa.

AFF Suzuki Cup 2012, khi ông Phan Thanh Hùng thất bại, nộp đơn từ chức thì bóng đá Việt Nam vẫn tiếp tục con đường thầy nội. Sau hàng loạt tranh cãi, cuối cùng cái tên Hoàng Văn Phúc - một người có tư tưởng bóng đá và cách quản quân na ná ông Phan Thanh Hùng được chọn lựa. Thật tiếc, thầy nội thứ hai liên tiếp vẫn không thể giúp bóng đá Việt Nam vào được bán kết một giải đấu cấp "ao làng" Đông Nam Á.

Tới lúc này thì chuyện nội - ngoại lại được đặt ra, và câu trả lời của các quan chức VFF là: "Bây giờ không nói chuyện thầy nội - thầy ngoại nữa, mà chỉ nói đến chuyện thầy giỏi nhất. Bất luận nội - ngoại, miễn là giỏi nhất, phù hợp với ta nhất thì chọn lựa". Thế nào là giỏi nhất? Thế nào là phù hợp với ta nhất? Không ai trả lời cụ thể, chỉ biết là không lâu sau đó cái tên Toshiya Miura xuất hiện. Và những gì diễn ra với ông Miura trong suốt 2 năm qua, từ một chút hứng khởi ban đầu đến hàng loạt thất bại với một lối chơi bị nhận diện là trái sở trường với cầu thủ Việt Nam thì tất cả đều đã biết. Kết quả là bây giờ, Miura ra đi, và VFF lại khẳng định sẽ quay về phương án nội.

Và như thế, nhìn từ năm 2008 đến nay dễ thấy tiêu chí thầy nội, thầy ngoại, thầy giỏi nhất xuất hiện một cách rất cảm hứng, tùy tiện. Và tất cả những tiêu chí ấy có vẻ chỉ là sản phẩm nhất thời, sau một thất bại nào đó, của một ông thầy nào đó, mà thiếu hẳn một tính định hướng chiến lược lâu dài.

Không ai chịu trách nhiệm?

Cần phải phân tích lại cách xuất hiện và cách ra đi của vị HLV mới nhất của các ĐTQG Việt Nam: Toshiya Miura. Ông Miura đến Việt Nam như thế nào, theo con đường nào? Tất cả đều biết ông là một phần trong kế hoạch hợp tác đồng bộ giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam với Liên đoàn bóng đá Nhật, và ông nhanh chóng đến Việt Nam sau khi được LĐBĐ Nhật Bản giới thiệu cho LĐBĐ Việt Nam rồi ông chủ tịch LĐBĐ Việt Nam gật đầu cái rụi.

Nếu phải kể thêm người cùng gật đầu với ông chủ tịch trong câu chuyện này thì đấy là Phó chủ tịch chuyên môn VFF Trần Quốc Tuấn. Đã có lúc, một thành viên trong thường trực VFF "tố" chuyện chỉ có 2 người chọn, 2 người quyết, và sau này gọi đấy là cách làm việc của "Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên".

Thế nhưng khi ông Miura cho thấy sự không phù hợp của mình với bóng đá Việt Nam, và nhu cầu sa thải ông là một nhu cầu có thật thì người ta lại đưa vấn đề ra ban chấp hành, ra tập thể. Kết quả 11/16 người đồng ý với quyết định chia tay Miura trước thời hạn. Một thành viên trong BCH phân tích: "Khi ký hợp đồng với ông ấy thì chỉ có 2 người, khi cần chia tay ông ấy thì lại đẩy mọi chuyện cho tập thể. Vậy thì rốt cuộc có ai chịu trách nhiệm trong câu chuyện này không?".

Thực tế, không chỉ chọn lựa và nhanh chóng quyết định đưa Miura sang Việt Nam, 2 nhân vật chóp bu ở VFF còn có những biểu hiện khoán trắng công việc cho ông Miura, và tin tưởng tuyệt đối, tin tưởng vô điều kiện vào Miura. Bằng chứng là khi nhiều nhà chuyên môn cùng lên tiếng về lối chơi phòng ngự phá bóng với những đường chuyền, chuyền bổng từ hàng hậu vệ lên tuyến đầu mà Miura áp vào các ĐTQG thì VFF cùng Hội đồng HLV Quốc gia cũng không có một tiếng nói chính thức, đủ mạnh nào.

Vậy thì cần và rất cần những con người cụ thể phải chịu trách nhiệm và một hình thức chế tài cụ thể xuyên suốt câu chuyện này. Nó cũng giống như việc sau khi ông Falko Goetz bị cách chức sau SEA Games năm 2011, Tổng thư ký VFF khi đó là ông Trần Quốc Tuấn đã không thể không từ chức trước áp lực dư luận, và áp lực từ chính Tổng cục Thể dục thể thao - nơi ông Tuấn là một thành viên trong đó. Tiếc là cuộc họp đột xuất BCH VFF mới đây chỉ chú ý vào việc có nên sa thải Miura hay không chứ chưa chủ ý, bàn bạc đến một việc còn có ý nghĩa hệ trọng hơn: ai ở VFF phải chịu trách nhiệm, và sẽ chịu trách nhiệm như thế nào về thất bại của Miura?

Bóng đá Việt Nam có vẻ chỉ phù hợp với mẫu thầy phong trần, bụi bặm như Calisto.

Đừng nói là khi chọn thầy chỉ có 2 người, còn khi quyết định sa thải thầy lại có cả một tập thể nên rốt cuộc trách nhiệm cũng thuộc về tập thể một cách rất chung chung.

Tương lai màu gì?

Nhiều nguồn tin cho hay người kế nhiệm ông Miura ở ĐTQG sẽ là cựu HLV trưởng CLB Sông Lam Nghệ An Nguyễn Hữu Thắng. Nhưng có lẽ với tất cả những gì đã xảy ra, việc ai ngồi lên ghế thuyền trưởng không phải là việc đáng quan tâm duy nhất lúc này. Còn phải quan tâm đến một điều xa hơn nữa: sau thời của Nguyễn Hữu Thắng hay của một thầy nội nào đó, rốt cuộc tương lai gì sẽ đến với chúng ta? Lúc ấy vẫn sẽ là "thầy nội", "thầy ngoại", "thầy giỏi nhất" hay... cứ có người để chọn, và người ấy đồng ý ngồi lên một cái ghế đầy gai là đã tốt lắm rồi?

Nhìn sang những nền bóng đá hàng xóm như Thái Lan, Malaysia, dễ thấy trước khi chọn những ông thầy nội như Kiatisak, Ong Kim Swee lên nắm các ĐTQG nước mình, những nền bóng đá này đã có một sự tính toán lâu dài, chiến lược. Họ cũng có những sự chuẩn bị rất cần thiết để khi những ông thầy này làm việc một cách hiệu quả khi chính thức nhận nhiệm vụ. Hiện tại đúng là chúng ta chưa có một giám đốc kĩ thuật để hoạch định một chiến lược dùng thầy cho cả một tương lai lâu dài, chứ không chỉ là những khoảnh khắc, những thời điểm manh mún, nhưng ông Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF để làm gì? Hội đồng HLV QG để làm gì?

Nếu không chịu nhìn và nghĩ xa hơn một ông thầy thì cái bi kịch chọn thầy với cái vòng luẩn quẩn ngoại - nội, nội - ngoại, rồi sẽ còn khiến bóng đá Việt Nam tụt dốc.

Tương phản Miura - Calisto

Nếu Calisto là con người bụi bặm, ưa quản quân theo kiểu lạt mềm buộc chặt thì trái lại, Miura lại là mẫu HLV kỷ cương, nề nếp và đôi khi là nguyên tắc quá đà. Chẳng hạn như Miura luôn dặn các học trò rằng ở trên sân chỉ nên nhất nhất nghe theo tiếng còi của trọng tài, khi trọng tài chưa cất còi thì chưa dừng bóng. Có lẽ cũng vì những yêu cầu mang tính nguyên tắc cứng rắn này của Miura mà trong rất nhiều trận đấu của ĐT Việt Nam, khi đối thủ của chúng ta nằm sân, trọng tài không cất còi thì chúng ta cũng không chịu đá bóng ra biên để các bác sĩ vào sân chăm sóc cầu thủ chấn thương? Có rất nhiều ví dụ khác về tư tưởng và cách sinh hoạt cho thấy Miura là một người bài bản, nguyên tắc một cách cứng nhắc như vậy.

Mà bóng đá Việt Nam và văn hóa Việt Nam nói chung lại rất khó dung nạp những gì cứng nhắc, và đấy chính là nguyên nhân sâu xa khiến Miura không thể lái ĐT tới những thành công theo cách của mình.

Huỳnh Đức là ứng viên số một, Calisto có thể tái xuất

HLV đương nhiệm của Đà Nẵng là người đầu tiên được Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF tiếp cận, trong chiến dịch tìm người kế nhiệm Toshiya Miura.

Theo Phan Đăng/CAND

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/V-League/824172/bong-da-viet-nam-bi-kich-chon-thay