Bóng đá Việt Nam ứng phó với lịch thi đấu dày đặc

Vừa qua, lịch thi đấu các giải đấu quốc tế mà Đội tuyển Quốc gia Việt Nam tham gia lại có sự thay đổi do ảnh hưởng của Covid-19. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, kế hoạch tập trung đội tuyển. Đặc biệt, việc dời lịch thi đấu, cũng sẽ dẫn đến việc cường độ thi đấu một số thời điểm bị đẩy lên, dẫn đến việc các cầu thủ bị quá tải... Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Chóng, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để tìm hiểu rõ thêm về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, dịch Covid-19 khiến nhiều kế hoạch tổ chức giải bóng đá trong nước và quốc tế phải điều chỉnh, gây ra những khó khăn nhất định. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã có những phương án nào cho các tình huống này để đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm tới?

Ông Cao Văn Chóng: Như chúng ta đã biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới và hiện nay vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì lý do bất khả kháng, các hoạt động thi đấu quốc tế đã bị ngưng trệ, hủy bỏ hoặc buộc phải dời tổ chức vào năm sau. Bóng đá Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn so với nhiều quốc gia khác nhờ vào công tác phòng, chống dịch rất thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ. Từ thành quả trong công tác phòng, chống dịch của cả nước, cộng với sự chủ động trong các giải pháp của VFF, hệ thống các giải bóng đá quốc gia đã được vận hành thông suốt, nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức bóng đá quốc tế.

 Ông Cao Văn Chóng, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Ông Cao Văn Chóng, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng cho đến thời điểm này có thể khẳng định các giải đấu trong nước đã được tổ chức thành công trong hoàn cảnh rất đặc biệt của năm 2020. Điều này đồng thời cũng giúp cho kế hoạch chuẩn bị của các đội tuyển hướng tới các nhiệm vụ của năm 2021 được thuận tiện hơn, chủ động hơn.

Đối với lịch thi đấu quốc tế, VFF vẫn tiếp tục bám sát và cập nhật thông tin để có sự điều chỉnh kịp thời đối với hoạt động bóng đá trong nước, đặc biệt là các giải chuyên nghiệp quốc gia, qua đó xây dựng kế hoạch tập trung, tập huấn đạt hiệu quả tốt nhất cho đội tuyển. Có thể thấy rằng, trong năm 2020, mặc dù các hoạt động thi đấu quốc tế bị trì hoãn, nhưng các đội tuyển vẫn được tạo điều kiện tập trung tập luyện để chuẩn bị cho năm 2021. Cho đến nay, đội tuyển U22 quốc gia đã có tổng cộng 3 đợt tập trung và sắp tới sẽ thêm 1 đợt tập trung nữa, đội tuyển Futsal quốc gia đang tập trung đợt thứ hai trong năm, trong khi đội tuyển quốc gia cũng đang hội quân tập luyện để rà soát lực lượng. Tôi cho rằng, với tình hình diễn biến như hiện nay của dịch bệnh, sự chủ động trong kế hoạch như cách mà chúng ta đã thực hiện trong năm 2020 sẽ tiếp tục là điều kiện để đảm bảo cho các hoạt động của bóng đá Việt Nam đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm tới.

PV: Việc lịch thi đấu phải thay đổi như thế sẽ dễ dẫn đến việc cường độ thi đấu một số thời điểm bị đẩy lên, tiềm ẩn nguy cơ chấn thương của các cầu thủ. VFF có những giải pháp gì?

Ông Cao Văn Chóng: Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì việc điều chỉnh lịch thi đấu là bất khả kháng. Đây là khó khăn chung của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, FIFA, AFC và AFF đã có nhiều cuộc họp nhằm thống nhất phương án tối ưu nhất đối với kế hoạch tổ chức các giải đấu sẽ diễn ra vào năm 2021, đồng thời thành lập các tổ công tác đặc biệt để bám sát tình hình dịch bệnh và đưa ra các quyết định cần thiết liên quan đến thời điểm cũng như thể thức thi đấu của các giải đấu cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Đối với bóng đá Việt Nam, VFF cũng đã sớm có những dự báo để thống nhất giải pháp cho mùa giải 2021. Cụ thể, các giải chuyên nghiệp sẽ tiếp tục được tổ chức theo phương thức mà chúng ta đã điều chỉnh để ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đạt được thành công rất đáng ghi nhận tại mùa giải vừa qua. Ưu điểm của phương thức thi đấu này là vừa đảm bảo được quỹ thời gian dự phòng cho các tình huống phát sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh, vừa đảm bảo được tính cạnh tranh, hấp dẫn của giải đấu.

Bên cạnh đó, số lượng các trận đấu ít hơn so với thể thức thi đấu vòng tròn 2 lượt cũng sẽ giúp giảm tải cho các cầu thủ trong bối cảnh phải thi đấu với mật độ dày với sự đan xen của lịch thi đấu quốc tế.

Các cầu thủ Đội tuyển Quốc gia trong đợt hội quân đầu tiên trong năm 2020.

PV: Lịch AFF Cup cũng vừa thay đổi chuyển từ tháng 4-2021 sang tháng 12-2021. Nếu mọi thứ như kế hoạch, SEA Games 31, AFF Cup gần nhau thế thì thật sự rất khó để cầu thủ có thể lực tốt nhất cho chiến dịch bảo vệ ngôi vương. VFF có phương án gì để khắc phục điều này?

Ông Cao Văn Chóng: Trong thời gian vừa qua, Thường trực VFF đã bám sát và có sự chỉ đạo rất sâu sát đối với các bộ phận chức năng trong việc tăng cường công tác phối hợp, thường xuyên trao đổi công việc với Ban huấn luyện các đội tuyển, tham vấn ý kiến của Hội đồng Huấn luyện viên Quốc gia để xây dựng chương trình hoạt động cho năm 2021. Bên cạnh đó, Thường trực VFF cũng yêu cầu bộ phận chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Công ty VPF để tổ chức, sắp xếp lịch thi đấu các giải chuyên nghiệp phù hợp với quỹ thời gian của năm 2021, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các đội tuyển.

Có thể thấy rằng, ngay từ thời điểm này chúng ta đã sự chuẩn bị cho các nhiệm vụ của năm 2021. Ví dụ như đội tuyển U22 quốc gia mặc dù không có nhiệm vụ trong năm 2020 nhưng cũng được tạo điều kiện với 3 đợt tập trung, kể từ tháng 7 đến nay và ngày 18 tháng 12 tới sẽ có thêm 1 đợt tập trung nữa. Tương tự như vậy, đội tuyển quốc gia cũng đang tập trung tập luyện tại Hà Nội để kiểm tra, đánh giá chất lượng cầu thủ.

Cần phải nói rõ thêm rằng, đội tuyển U22 quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 31 và đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022 và AFF Suzuki Cup là 2 đội tuyển có lực lượng tách biệt, có Ban huấn luyện riêng chuyên trách, dưới sự điều phối chung của HLV Park Hang-seo. Do vậy, theo tôi vấn đề về thể lực không phải và vấn đề đáng lo ngại nhất.

PV: VFF sẽ điều chỉnh kế hoạch tập trung, đá giao hữu thế nào để đội tuyển có được phong độ, thể lực tốt nhất, kể cả khi lịch thi đấu quốc tế có thể tiếp tục thay đổi?

Ông Cao Văn Chóng: Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì kế hoạch tập trung song song đội tuyển quốc gia và đội tuyển U22 quốc gia theo khung FIFA day vào tháng 3, 6, 9, 10 và 11 của năm 2021. Đây cũng kế hoạch đã được thực hiện và đạt hiệu quả rất tốt về chuyên môn trong thời gian vừa qua.

Về kế hoạch đá giao hữu, chúng ta vẫn phải phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch Covid-19. Trong trường hợp không thể tổ chức được các trận đấu giao hữu quốc tế vì lý do bất khả kháng, VFF cũng sẽ tính toán giải pháp để các đội tuyển có các trận đấu cọ xát với các đối tượng phù hợp trong nước.

PV: Mục tiêu của VFF đối với các mặt trận của các Đội tuyển Quốc gia trong năm 2021? VFF làm gì để đạt được các mục tiêu đó?

Ông Cao Văn Chóng: Tôi nghĩ rằng, chúng ta luôn cần phải đặt ra các mục tiêu để tạo động lực phấn đấu. Không chỉ riêng bóng đá đâu, mà ở tất cả các lĩnh vực khác, các ngành nghề khác cũng như vậy. Chúng tôi hi vọng trong năm 2021, các đội tuyển sẽ tiếp tục nhận được sự chia sẻ, ủng hộ, cổ vũ và đồng hành của người hâm mộ, của truyền thông báo chí để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng điểm gồm: Phấn đấu giành quyền đi tiếp tại vòng loại World Cup 2022, lọt vào vào VCK U23 châu Á 2022, bảo vệ ngôi vô địch AFF Suzuki Cup và bảo vệ HCV bóng đá nam, nữ tại SEA Games 31.

Về phía VFF, trách nhiệm của chúng tôi là phải cố gắng để đảm bảo các đội tuyển có được điều kiện tốt nhất trong quá trình chuẩn bị và thi đấu.

PV: Xin cảm ơn ông!

KHÁNH HÀ (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/bong-da-viet-nam-ung-pho-voi-lich-thi-dau-day-dac-646309