Bóng đá Việt Nam và câu chuyện HLV

Sau khi chấm dứt hợp đồng với HLV Toshiya Miura, Ban chấp hành VFF đã đưa ra định hướng ưu tiên sử dụng HLV người Việt cho các ĐTQG. Một giải pháp tình thế hay HLV nội được tin dùng?

Nhìn sang các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đang có một Kiatisak rất thành công trên cương vị HLV ở cả ĐTQG và U23; Malaysia cũng thường xuyên sử dụng các HLV nội, mà đặc biệt là quãng thời gian 2009 - 2010 khi U23 Malaysia giành HCV SEA Games 25 và ĐT Malaysia vô địch AFF Suzuki Cup 2010 dưới sự chèo lái của HLV Rajagopal. Đây đều là những quốc gia đã gặt hái được thành công khi sử dụng HLV nội.

Sau khi Miura bị sa thải, VFF đã quyết định đặt niềm tin vào HLV nội. Ảnh: Nhật Minh.

Ở Việt Nam, qua hơn 20 năm mở cửa hội nhập, VFF chưa khi nào tin dùng HLV nội. Từ năm 1995 đến nay, ĐTVN qua cả thảy 12 HLV ngoại và chỉ có 6 cái tên HLV nội được chỉ định như là giải pháp tình thế, lấp chỗ trống và không ai kéo dài quá 6 tháng . Lần này, VFF đặt ưu tiên lựa chọn HLV nội. Một sự thay đổi có thể nói là bước ngoặt so với trước đây.

Trước đây các HLV nội thường tỏ ra e ngại khi được mời vào chiếc ghế HLV trưởng của ĐTQG. Sự bấp bênh, nguy cơ bị sa thải nếu thành tích không tốt ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này của họ, quyền hạn của HLV trưởng người Việt lại không được như các HLV ngoại, điều đó tạo ra tâm lý tự ti, e ngại của các HLV người Việt khi họ được giao cầm quân ĐTQG.

Tuy vậy, đến giờ Ban chấp hành VFF đều tin tưởng HLV nội đủ sức dẫn dắt ĐTQG. Nguyễn Hữu Thắng, Lê Huỳnh Đức hay Hoàng Anh Tuấn đều là những ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế HLV trưởng của ĐTQG.

Đây đều là những HLV đã có một quá trình tích lũy, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm. Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng đã từng được các HLV quốc tế hướng dẫn, huấn luyện trong thời gian tham gia làm trợ lý ĐTQG.

Ngoài ra, họ đều đã trải qua các lớp chứng chỉ quốc tế từ C đến B, từ B lên C của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Trong thực tế các HLV này đều đã có những thành tích nhất định khi dẫn dắt các CLB tại V-League (giải đấu được coi là khắc nghiệt nhất tại Việt Nam). Và độ tuổi từ 44- 50 được coi là quãng thời gian đạt độ “chín” của một HLV, với sự tích lũy về kinh nghiệm cầm quân, khả năng chỉ đạo và uy tín với cầu thủ.

Tuy nhiên để thành công trên cương vị HLV trưởng ĐTQG lại là một chuyện khác. Và dù ai lên làm HLV trưởng thì trước mắt họ sẽ là những thử thách không hề dễ dàng để vượt qua.

(Bạn đọc: Phùng Gia Bách)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn . Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây .

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

Nguồn Tin Thể Thao: http://www.tinthethao.com.vn/news/201/3310FF/Bong-da-Viet-Nam-va-cau-chuyen-HLV