'Bông hoa đỏ' trên đỉnh thiêng Pò Hèn

Cùng với Tượng đài chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) bảo vệ giới tuyến ở Quảng Trị, Khu trưng bày truyền thống An ninh vũ trang miền Nam ở Tây Ninh, Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ ở Điện Biên, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn là một trong số 4 công trình văn hóa mang dấu ấn truyền thống của lực lượng CANDVT (nay là BĐBP) được đầu tư nâng cấp, sửa chữa hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân và 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP Việt Nam.

Quang cảnh Khu di tích lịch sử Pò Hèn. Ảnh: TTH

Nếu đi dọc biên giới phía Bắc từ Điện Biên đến Quảng Ninh, từ núi ra biển, sẽ thấy vị trí của đỉnh thiêng Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh) như một bông hoa đỏ trên vầng trán của Tổ quốc. Suốt dải biên cương này, những đồn Biên phòng anh hùng từng chiến đấu quả cảm và cũng nhiều hy sinh mất mát trong trận chiến bảo vệ biên giới như những bông hoa đỏ kết lại thành tràng hoa giăng thành giăng lũy linh thiêng dọc dài phên giậu đất nước.

Hiện nay, Khu di tích lịch sử Pò Hèn nằm trên ngọn đồi trước đây là nền cũ của Đồn 209 CANDVT, nơi vào trưa ngày 17-2-1979, địch dùng chiến thuật biển người ồ ạt tấn công Đồn CANDVT 209 và chiếm được vị trí của đồn trên đồi Quế, thuộc vùng biên giới Pò Hèn, Thán Phún. 45 chiến sĩ CANDVT đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh cùng với nhóm công nhân Lâm trường Hải Sơn và nữ nhân viên thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Ngày ấy, chị Hồng Chiêm mang hàng thương nghiệp phân phối lên Pò Hèn. Gặp trận đánh, dưới làn đạn dày đặc của quân thù, chị nhanh chóng di chuyển vào đồn băng bó vết thương cho thương binh và dùng súng trường của mình bắn trả quân xâm lược. Súng hết đạn, chị đã dùng súng AK của chiến sĩ CANDVT chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Năm 1979, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã truy tặng Huy chương Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc cho liệt sĩ Hồng Chiêm và ghi tên chị vào trang sử truyền thống của Đoàn thanh niên.

Tháng 3-2014, di tích "Đồn CANDVT 209 Pò Hèn" chính thức được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh của Quảng Ninh. Di tích gồm cụm tượng đài “Vòng tay đồng đội” được xây dựng trên nền của Đồn 209 năm xưa và toàn bộ cảnh quan nơi đây. Mảnh đất heo hút nơi biên cương này luôn nhận được tình cảm của các cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khắp nơi trên cả nước tới viếng thăm trong các dịp tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Trong khuôn viên của khu tưởng niệm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng nhiều cây xanh lưu niệm, những mong anh linh các liệt sĩ luôn được ngụ trong bóng mát, trong sự tưởng nhớ và niềm tin của những người đương đại.

Chính vì lẽ đó, những năm qua, di tích được tu bổ, chỉnh trang nhiều lần với tất cả sự trân trọng, tri ân của lực lượng BĐBP, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Móng Cái với những chiến sĩ đã hy sinh. Tuy nhiên, phải đến thời điểm này, để hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP, 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân, di tích lịch sử Pò Hèn mới chính thức được chỉnh trang xứng tầm là một dấu son truyền thống của lực lượng Biên phòng. Các hạng mục của công trình như đài tưởng niệm, khuôn viên cây xanh, đường đi nội bộ, tường rào... đều được xây dựng lại.

Đại tá Nguyễn Quang Vinh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Chính trị BĐBP Quảng Ninh là người đã ghi lại nhiều câu chuyện linh thiêng trên đỉnh Pò Hèn. Ông có nhiều dịp tới đây cùng các cựu chiến binh đồng ngũ, lắng nghe chính các anh em BĐBP của Đồn Biên phòng Pò Hèn trông coi khu di tích tâm sự, chuyện trò. Những câu chuyện ông ghi lại phần lớn là tình cảm, cảm xúc mãnh liệt của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào tới viếng các liệt sĩ, đặc biệt là các đồng đội của chính những người nằm xuống.

Ông kể, những lần nói chuyện với các Đồn trưởng của Đồn Biên phòng Pò Hèn, các anh chia sẻ những giấc mơ có liên quan đến khu tưởng niệm này. Mỗi giấc mơ đó mang theo ước nguyện của người đang sống muốn tri ân người đã khuất, muốn trồng thêm cây, thêm hoa, che bớt sương muối, gió thổi ở biên thùy... Công tác ở một đồn Biên phòng giàu truyền thống và đặc biệt, nên cán bộ, chiến sĩ ở đây hàng ngày sống trong không khí trang nghiêm, dần dần đều coi khu tưởng niệm như là một phần quan trọng nhất của doanh trại đơn vị.

Mỗi lần có thân nhân của các liệt sĩ tới thăm viếng, anh em cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Pò Hèn đều phục vụ chu đáo, tình cảm. Họ tin tưởng rằng, anh linh các liệt sĩ đang phù hộ cho gia đình họ, đồng đội của họ. Nếu ai đó có kể câu chuyện kéo dài ra thêm ở những chi tiết hoang đường, cũng bởi niềm tin tuyệt đối với sự linh thiêng của khu di tích. Vài năm trước, đồng chí Vũ Ngọc Mai, nguyên là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Hèn cách đây hơn 20 năm, bây giờ mới có điều kiện về thăm lại đơn vị cũ, lên thắp hương trên đài tưởng niệm. Bó nhang run run trong tay, trong bộ quân phục bạc màu, ông cứ thắp mãi mà nhang không cháy. Sau, ông chắp tay khấn, vì đường xa, vì điều kiện gia đình, không tới viếng thường xuyên được, nhưng mối dây gắn bó một thời không sao quên được. Lúc đó, ông đưa bó nhang cho người khác thắp lên, nhang mới cháy. Khói nhang và lời nguyện đã quyện trong sương núi, làm cay mắt, xúc động tất cả mọi người lúc đó.

Một trong những nhân chứng của trận chiến năm 1979 là ông Hoàng Như Lý, hồi đó là chiến sĩ của Đồn 209 CANDVT. Ông vẫn thường xuyên lên thắp hương cho đồng đội mỗi khi trái gió trở trời, khi đau ốm cũng cố sức lên thắp một nén nhang. Có lần họp mặt cựu chiến binh BĐBP Quảng Ninh, Đại tá Nguyễn Quang Vinh mang tặng ông Hoàng Như Lý một ít củ gừng giống. Ông Lý mang gừng về sau nhà trồng. Những củ gừng tươi tốt và đẻ nhánh ra mãi. Ông bảo: “Chỉ là chúng tôi nhắc nhở nhau rằng gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau, người còn sống không thể quên người đã khuất”. Hiện tại, các cựu chiến binh vẫn đùm bọc nhau trong cuộc sống.

Cứ 17-2 hằng năm, Đồn Biên phòng Pò Hèn làm lễ giỗ chung các liệt sĩ. “Nhưng đến ngày giỗ theo âm lịch, cứ theo phong tục của người Việt Nam mình, như người một nhà, đơn vị vẫn tổ chức giỗ nội bộ, đầm ấm” - Thượng tá Vũ Quốc Huy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn nói. Bất cứ công tác ở mảng nào, lĩnh vực nào, nhưng chúng tôi đều ý thức được rằng, trách nhiệm mỗi cán bộ, chiến sĩ là giữ gìn truyền thống anh hùng đã có, tô thắm thêm chứ tuyệt đối không được làm gì ảnh hưởng đến anh linh những đồng đội đi trước” - Thượng tá Huy khẳng định đầy tự hào.

Trên mảnh đất biên cương này, “đóa hoa đỏ” Pò Hèn mãi mãi cháy sáng làm điểm tựa cho nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bong-hoa-do-tren-dinh-thieng-po-hen/