Bông hồng tặng phụ nữ khuyết tật là trao họ cơ hội

Nụ cười tươi tắn khiến người đối diện không còn để ý đến cơ thể nhỏ thó bởi căn bệnh cong vẹo cột sống bẩm sinh, Kiều Thị Thương - cô gái trẻ 22 tuổi quê Đông Yên, Quốc Oai, Hà Nội tự tin kể về hành trình 20 năm vượt qua biết bao nỗi tủi thân, sợ hãi, mặc cảm… để bước chân khỏi lũy tre làng.

Người chị cả thiếu may mắn

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Quốc Oai, Kiều Thị Thương là chị cả của 3 người em nhỏ. Trớ trêu thay, người chị cả muốn trở thành điểm tựa của bố mẹ, là chỗ dựa của các em lại là người duy nhất trong gia đình mắc căn bệnh cong vẹo cột sống bẩm sinh.

Thương con bệnh tật, bố mẹ Thương chạy vạy khắp nơi, vay ngược vay xuôi để có một khoản tiền đưa con ra trung tâm Hà Nội khám. Qua thăm khám, bác sĩ chỉ nói khi đó sức khỏe của Thương chưa đủ để phẫu thuật, đợi đến khi cơ thể cứng cáp hơn mới mong chạy chữa.

Bẵng đi vài năm, bố mẹ Thương tiếp tục hành trình đưa con gái đi khám. Nhưng, một lần nữa, câu trả lời của bác sĩ khiến cả nhà thở dài thất vọng. Lúc đó, khung xương của Thương đã tương đối ổn định, không còn đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật chỉnh hình, đồng nghĩa với việc Thương sẽ phải mang theo dị tật suốt đời.

Thương nói, căn bệnh cong vẹo cột sống khiến hai chân cô không bằng nhau, một chân bị bé hơn khiến việc đi lại, hoạt động sinh hoạt bình thường rất khó khăn, nhất là khi Thương cố bấu thanh vịn đi lên cầu thang hay đơn giản chỉ muốn đi bộ hết con đường làng gần nhà... May mắn là Thương không phải chịu đựng những cơn đau lưng hành hạ, chỉ thi thoảng Thương cảm thấy rất rõ cảm giác nhức mỏi khi phải đứng hoặc ngồi quá lâu.

Gia cảnh của gia đình Thương không thuộc hàng khá giả, cả cha mẹ Thương đều chỉ làm ruộng, sinh hoạt gia đình trông cậy hoàn toàn vào cây lúa, con gà… Để có tiền nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, cha Thương lúc nông nhàn phải xoay đủ mọi nghề để mưu sinh, công việc thường xuyên nhất là đi đào giếng hay phụ xây cho người ta. Mẹ Thương chỉ ở nhà quanh quẩn với đồng áng, không có cách nào tăng thu nhập.

Chứng kiến nỗi vất vả nghèo khó của cha mẹ, Thương cùng các em ngay từ nhỏ đã cố gắng tự lập và chăm sóc lẫn nhau. “Sau tôi có một em đang học Đại học Bách khoa, một em lớp 11 và một em nhỏ mới 2 tuổi. Trộm vía là cả 4 chị em đều ngoan ngoãn, đi học xong là về nhà trông em đỡ mẹ. Đó là nếp trong nhà” - Thương kể.

Đường học “đứt” giữa đường

Trong kí ức của Kiều Thị Thương, một cô bé khuyết tật có sự khác biệt với các bạn không ít lần phải nghe những lời trêu ghẹo, đùa cợt vô tâm của bạn bè xung quanh. Thương không dám kể với cha mẹ, cũng không thể kể với các em. Hồi đó, Thương chỉ biết khóc một mình, những cơn khóc thỏa thuê không ai biết. Khóc xong Thương lại về nhà, vào vai một người con ngoan, người chị gương mẫu. Nhưng chính những tủi thân, mặc cảm rất buồn trong quá khứ ấy đã hình thành trong cô học trò Kiều Thị Thương tâm lý sợ người lạ, thậm chí sợ đi học. Hễ ốm một chút là Thương xin bố mẹ cho nghỉ học nguyên ngày.

Phải cho tới khi lên cấp trung học phổ thông, ra khỏi lũy tre làng, đi học xa nhà và gặp nhiều bạn bè mới, cuộc sống của Thương mới sang trang mới.

Ngày đó trường xa nhà, mẹ không có điều kiện đưa Thương đi học, Thương may mắn có một cô bạn cùng lớp nhận qua nhà đạp xe đưa Thương tới trường. Khi tới lớp, các bạn hòa đồng luôn chủ động giúp đỡ Thương vượt qua mặc cảm. “Quãng thời gian đẹp ấy đã giúp tôi trút bỏ gánh nặng mặc cảm mà những người khuyết tật thường gồng gánh suốt đời. Tiếp xúc với môi trường mới, tôi tự nhủ, mình không thể cứ chui mãi trong cái vỏ ốc cũ, phải cố gắng sống hòa đồng, mở lòng ra với các bạn” -Thương chia sẻ.

Hết ba năm học phổ thông, Thương không đủ điều kiện để tiếp tục ôn thi đại học và bỏ dở giữa chừng. Sau một năm ở nhà, Thương nung nấu ý định thi lại thì trùng với đợt thi của em gái, biết cha mẹ không thể gánh vác học phí cho cả hai chị em ăn học, Thương lặng lẽ ở nhà, nhận công việc làm đồ thủ công mỹ nghệ để kiếm đồng ra đồng vào nuôi các em và phụ kinh tế cùng cha mẹ. Thương bảo, dù biết học đại học sẽ có cơ hội đổi đời mới, nhưng em gái vừa ngoan hơn, vừa học giỏi hơn nên xứng đáng được ưu tiên đi học.

Ròng rã hai năm ở nhà đan lát đồ mây, tre, Thương vẫn không nguôi giấc mơ được đi học, học một ngành nghề mới. “Nhìn em gái đi học Đại học ngoài Hà Nội rất thèm, nhưng tôi chẳng dám nói với mẹ. Tôi không muốn là gánh nặng cho cả gia đình” - Thương bộc bạch.

Hai năm đó Thương cứ quanh quẩn trong nhà, mở mắt dậy là làm hàng, tối đặt lưng xuống là ngủ, có khi cả tuần không cả bước chân ra quá cửa. Mỗi tháng trừ tiền mua nguyên liệu, Thương thu được 300.000-500.000 đồng. Không quá nhiều nhưng khoản tiền đó đủ để Thương tiết kiệm và mua sắm đồ cho các em.

Khao khát cơ hội

Năm 2018, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Kiều Thị Thương được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững (CSDS) trao tặng học bổng “Vì tương lai tươi sáng”. Dù luôn thèm học, nhưng Thương tạm gác giấc mơ đi học cá nhân để nhường lại cho em gái. May mắn trong đợt đó, Thương được giới thiệu một học bổng dạy nghề ở trung tâm Hà Nội.

Hơn 20 năm quanh quẩn trong nhà, bỗng một ngày Thương phải rời xa gia đình, tới thành phố đông đúc và sống một mình. Khó khăn đón đợi, nhưng Thương quyết tâm ra khỏi lũy tre làng. Thương nói, mọi cơ hội dù là nhỏ nhất cũng là cứu cánh của đời Thương. Người khuyết tật như Thương lúc nào cũng trông chờ được giúp đỡ, được hòa nhập và nhất là được trao cơ hội để thử sức.

Đi học nghề ở thành phố xa lạ, Thương vẫn có những đêm khóc ướt gối; nhưng không phải những cơn khóc vì mặc cảm, trêu chọc như hồi cấp 1, cấp 2, mà là nỗi nhớ nhà cồn cào. Nhiều lúc đi học, Thương chỉ muốn được nghe giọng cha mẹ hay giọng em. Khi đã quen dần, Thương thôi không khóc nữa, Thương cố gắng gạt nước mắt, sống bản lĩnh hơn và nỗ lực để học hành nghiêm túc, trao cho mình cơ hội thay đổi số phận.

“Tôi vẫn nhớ như in chuyến đi xe buýt đầu tiên ra Hà Nội, cảm giác ngồi trên xe cứ dài như vô tận. Số tôi cũng may mắn, ra nội thành được mọi người giúp đỡ chỗ ở, hướng dẫn tận tình học tiếng Anh và các kỹ năng học tập mà trước đó chưa từng trải qua” - Thương nhớ lại.

Từ công việc đan mây tre đan, Thương được làm quen với ngành thiết kế đồ họa 2D, cô vô cùng bỡ ngỡ khi lần đầu tiếp xúc với máy tính. “Tôi từng nghĩ IT là một cái gì đó hết sức xa lạ vì sinh ra ở nông thôn, điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin rất hạn chế.”. Nhưng lòng ham học đã giúp Thương hoàn thành dễ dàng khóa học. Kết thúc khóa học, Thương được tuyển thẳng vào một công ty và hiện cô đảm nhận nhiệm vụ chỉnh sửa ảnh lĩnh vực bất động sản.

Công việc nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng gần như vắt kiệt quỹ thời gian của Thương. Ham nhất là thu nhập từ nghề IT gấp hàng chục lần nghề làm đồ thủ công khiến Thương quyết tâm theo đổi. “Mùa cao điểm, mỗi tháng tôi thu về từ 10-15 triệu đồng, mùa thấp điểm vẫn duy trì 5-7 triệu đồng”.

Cầm trong tay tháng lương đầu tiên, Thương vui sướng gọi về ngay cho mẹ, cô tự vạch ra một loạt kế hoạch để thử cái mới. “Nghe có vẻ to tát, nhưng những cái mới đối với tôi đơn giản chỉ là cắt tóc ngắn, đi du lịch, hay học tiếng Hàn, những thứ mà trước giờ tôi chưa đủ điều kiện làm” - Thương cười.

Nhịp sống của Thương giờ đã ổn định hơn, công việc đi vào guồng chia thành 3 ca, nhiều khi Thương làm xuyên đêm. “Có những ngày về tới nhà đã là 5 giờ sáng, tôi mệt đến mức không nghĩ mình có thể bám trụ được tới hôm nay. Biết là vất vả, nhưng công việc hiện tại phù hợp với tôi, vui hơn là tôi được lao động, được nhận lương và đi làm ở một công ty như hàng trăm ngàn lao động bình thường khác” - Thương cười, em còn trẻ, lúc nào cũng phải sẵn sàng chịu áp lực, sẵn sàng đón một tuần mới bận rộn một cách hứng khởi nhất.

Bắc Hiệp

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/24-7/bong-hong-tang-phu-nu-khuyet-tat-la-trao-ho-co-hoi-182924.html