Bóng ma khủng hoảng

Kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) đã vượt qua bão khủng hoảng từ 10 năm trước. Tuy nhiên, sau một 'thập kỷ mất mát', bóng ma khủng hoảng đang trở lại đe dọa nền kinh tế khu vực này.

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa cho biết, trong quý III vừa qua, nền kinh tế Eurozone tăng trưởng 0,2%, bằng một nửa mức tăng trưởng trong quý II và thấp hơn ước tính trước đó của giới phân tích. Đây được xem là mức tăng trưởng kém nhất trong một quý kể từ quý II-2014, khi nền kinh tế Eurozone cũng ghi nhận chỉ tăng trưởng 0,2%. Những thông tin “kém vui” nêu trên được đưa ra trong bối cảnh những khó khăn, thách thức đang bủa vây Eurozone mấy tháng gần đây. Môi trường kinh tế bên ngoài được đánh giá là đang bất lợi hơn khi quan ngại về tình trạng xung đột thương mại trên thế giới gia tăng, nhất là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang đang tác động tiêu cực tới thương mại toàn cầu. Trong khi đó, xuất khẩu lại là “điểm tựa” tăng trưởng kinh tế của các nước Eurozone.

Những thách thức tài chính bên trong của Eurozone cũng bắt đầu xuất hiện trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) xem xét kế hoạch tăng lãi suất. Giới phân tích cho rằng, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp ở Eurozone đã quen với các gói kích cầu kinh tế cũng như mức lãi suất thấp của ECB. Nay, ECB cân nhắc tăng lãi suất để dần đưa nền kinh tế về “trạng thái bình thường” như trước khi xảy ra khủng hoảng, được dự báo sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như các chính phủ thành viên Eurozone.

Ngoài ra, xử lý các khoản nợ xấu vốn là “di chứng” của cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra 10 năm trước hiện vẫn là một thách thức lớn của Eurozone. Nhiều nền kinh tế thuộc khối này vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Trong cuộc họp tháng 10 vừa qua, Liên hiệp châu Âu (EU) đã phải nới lỏng dự thảo các quy định mới về cách thức các ngân hàng xử lý nợ xấu. EU cũng nhất trí rằng các khoản nợ xấu được bảo đảm bằng bất động sản sẽ cần phải được xử lý hoàn toàn trong chín năm thay vì tám năm. Quy định này giúp các ngân hàng có thêm thời gian để dự trữ tiền, trang trải những phí tổn do nợ xấu gây ra. Theo đó, các nước thành viên EU ủng hộ gia hạn từ hai năm thành ba năm để các ngân hàng xây dựng biện pháp ngăn chặn những khoản vay mới của khách hàng có nguy cơ biến thành nợ xấu.

Cùng với tình hình kinh tế của Eurozone kém khả quan, các chuyên gia kinh tế đang quan ngại rằng Italy sẽ trở lại là “mắt xích yếu” của kinh tế khu vực, và việc Italy không duy trì được kỷ luật tài chính của EU có thể “châm ngòi” cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Italy mới đây đệ trình kế hoạch ngân sách 2019 lên Ủy ban châu Âu (EC) với chỉ tiêu thâm hụt ngân sách lên tới 2,4%, gấp gần ba lần so với mục tiêu của chính quyền trước đó. EC đã ngay lập tức bác bỏ kế hoạch ngân sách của Italy và ấn định thời hạn trong vòng ba tuần nước này phải có một số điều chỉnh, nếu không, Italy sẽ đối mặt với khả năng bị áp dụng các hình phạt do vi phạm quy định của Eurozone. Một cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Italy cảnh báo rằng, “đất nước hình chiếc ủng” có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng tài chính khác nếu không sửa đổi kế hoạch ngân sách 2019 theo hướng ôn hòa hơn. Các thị trường tài chính sắp tới có thể sẽ đẩy tỷ lệ lãi suất lên cao hơn, và điều này “không chóng thì chầy” cũng sẽ làm nổ ra một cuộc khủng hoảng.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khi trả lời phỏng vấn nhật báo Le Parisien đã bày tỏ quan ngại rằng, cuộc khủng hoảng ngân sách của Italy chưa có khả năng lây lan sang các nước thuộc EU, song vấn đề đặt ra là Eurozone vẫn chưa được trang bị đủ để đối mặt một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc khủng hoảng kinh tế mới. Do đó, các nước cần thực thi những gì đã đề xuất để có một liên minh ngân hàng và ngân sách đầu tư mạnh mẽ.

Tăng trưởng kinh tế Eurozone giảm tốc cũng như những thách thức bên ngoài và nội khối, cùng tranh cãi về ngân sách của Italy nêu trên đang báo hiệu nguy cơ tái khủng hoảng kinh tế với Eurozone.

HÀ VIỆT

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/38144002-bong-ma-khung-hoang.html