Bóng ma truyền thông trên lưng đàn lợn

Như một cuộc thỏa thuận ngầm, người tiêu dùng đang tẩy chay, quay lưng với thịt lợn. Từ khóa 'dịch tả lợn châu Phi' không chỉ xuất hiện đầy rẫy trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội mà còn trở thành bóng ma ám ảnh đời sống cư dân nông thôn – nơi tập trung hoạt động chăn nuôi gia súc, trong đó có đàn lợn.

Các lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán thịt lợn tại chợ Vinh. Ảnh: Võ Huyền

Các lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán thịt lợn tại chợ Vinh. Ảnh: Võ Huyền

Tính đến đầu năm 2019, tổng đàn lợn của nước ta gần 30 triệu con và phần lớn trong đó được chăn nuôi nhỏ lẻ tại các hộ dân nông thôn. Với truyền thống tự túc, tự cấp tồn tại ngàn đời, hầu như gia đình nào ở vùng nông thôn cũng nuôi lợn như một giải pháp tiết kiệm, tích lũy vốn.

Việc chăn nuôi gia súc nói chung và đàn lợn nói riêng còn đặc biệt phù hợp với đặc điểm đời sống nông nghiệp. Đó là người dân ngoài việc chủ động về đất đai để trồng lúa, hoa màu đảm bảo nguồn lương thực cho mình vừa tranh thủ, tận dụng phụ phẩm của nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. Mỗi ngày chỉ cần một mớ rau, chậu cám là đã có thể tìm thấy cơ hội “bỏ ống” một khoản, và việc chi tiêu của người nông dân cũng trông cả vào đó.

Có thể nói chưa có vật nuôi nào gần gũi với đời sống nông thôn bằng đàn lợn, và cũng chưa có thực phẩm nào phổ biến như thịt lợn. Người ta có thể bày biện những sơn hào hải vị, mâm cao cỗ đầy trong dăm ba bữa ăn, nhưng sẽ thấy rất thiếu và khó lựa chọn thực phẩm nếu không có thịt lợn trong thực đơn.

Ấy thế, người chăn nuôi và cả người tiêu dùng hẳn chưa quên “cú sốc” giá lợn hơi và lợn thịt tuột dốc không phanh vào hồi cuối năm 2016 đầu 2017. Chỉ trong một thời gian ngắn, giá 1kg lợn hơi xuất chuồng không cao hơn một ổ bánh mì ba tê đường phố. Đàn lợn tại nhiều trang trại, gia trại, chuồng nuôi có lúc bị bỏ đói vì người chăn nuôi không đủ khả năng cung cấp thức ăn cho chúng nhằm quay vòng. Điêu đứng - là cách diễn tả cuộc sống của các gia đình chăn nuôi lợn tại thời điểm đó.

Trong bối cảnh thịt lợn thương phẩm bị chi phối bởi nhiều yếu tố của thị trường, việc xảy ra dịch bệnh trên đàn lại càng làm cho người chăn nuôi tổn thương sâu sắc hơn. Nhưng chuyện đâu chỉ có vậy. Lực lượng truyền thông, các cơ quan báo chí, các “nhà báo online” trên mạng xã hội với sự nhiệt tình thái quá của mình tạo ra một đại dịch khác - đại dịch truyền thông trên lưng đàn lợn.

Các sạp thịt lợn vắng bóng người mua. Ảnh: Báo NNVN

Trong bối cảnh, người người tham gia mạng xã hội, nhà nhà sử dụng smartphone với trí tuệ nhân tạo thì một nút “share”, một nút “lai”, một “tút” hay một bình luận… sẽ trở thành lưỡi dao khoét sâu vào tư duy người tiêu dùng. Hệ quả là mọi người quay lưng với thịt lợn và các sản phẩm làm từ lợn. Có một cuộc tẩy chay ngầm trong suy nghĩ của người dân.

Các nhà khoa học, chuyên gia y tế đã nỗ lực chứng minh một thực tế ngược lại: Dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh cho người, không lây cho các loại gia súc khác ngoài lợn, thịt và thực phẩm chế biến từ lợn nếu được nấu chín không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy vậy, như một bát nước đã hắt đi không thể nào làm đầy được nữa, mọi sự nỗ lực của các nhà chuyên môn không thể cứu vãn được thực tế người tiêu dùng khước từ tất cả những gì liên quan đến thực phẩm thịt lợn. Nhất là trong bối cảnh, nay báo chí đưa thông tin địa phương này có lợn bị chết, mai đăng tải tỉnh kia có dịch.

Việc đưa thông tin một chiều, thiếu cân nhắc của nhiều cơ quan truyền thông vô hình trung đã bóp nghẹt thị trường thực phẩm thịt lợn, đẩy các hộ chăn nuôi đứng bên miệng vực. Và một điều mọi người cần phải biết, đó là dịch tả lợn châu Phi đã tồn tại gần 100 năm nay chứ không phải bây giờ người ta mới phát hiện ra. Các quốc gia phát triển họ khá bình tĩnh khi xử lý vấn đề chứ không “cuống cuống cuồng” lên như ở Việt Nam. Chính vì vậy, có thể nói các cơ quan chức năng đã mất hoàn toàn tính chủ động trong xử lý thông tin, hay nói cách khác là bị khủng hoảng thông tin. Ấy thế, ngành chăn nuôi gia súc ở Việt Nam được xem là có thế mạnh và được kỳ vọng sẽ tạo giá trị khi xuất khẩu. Dù vậy, ở trong nước, thời điểm này phần lớn người dân vẫn không chọn thịt lợn để đưa vào thực đơn hàng ngày.

Tất nhiên không thể “ném đá” người tiêu dùng nhất là trong bối cảnh các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như: y tế, nông nghiệp, chăn nuôi, thú y, quản lý thị trường… không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Và đây chính là cơ hội để bóng ma truyền thông gieo nỗi khiếp sợ vào mọi người./.

Quốc Sơn

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/bong-ma-truyen-thong-tren-lung-dan-lon-240070.html