'BÓNG MA' TỪ MỘT CUỘC CHIẾN

Chiến tranh đã lùi xa trên 45 năm. Những mảnh đất bom cày, đạn xới giờ cũng đã hồi sinh, vết thương cũng lành theo năm tháng. Song, nỗi đau vô hạn từ 'bóng ma' của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành tại Việt Nam thì không biết đến bao giờ mới thôi nức nở…

Khu rừng Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) trước vào sau khi bị rải chất khai quang (ảnh tư liệu)

Khu rừng Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) trước vào sau khi bị rải chất khai quang (ảnh tư liệu)

60 năm kể từ ngày hàng triệu lít chất độc hóa học được phun rải trên tại nhiều nơi ở miền Nam Việt Nam, sự hủy diệt tàn khốc của nó đối với con người và môi trường sinh thái vẫn đang hiển hiện, âm thầm “giết chết” nhiều thế hệ con người và cây cỏ. 4,8 triệu người Việt Nam phơi nhiễm với chất độc da cam, cùng 3 triệu người khác là con cháu họ ở thế hệ thứ 2, thứ 3, thậm chí là thứ 4 tiếp tục nếm trải hậu quả ngay cả khi cuộc chiến đã lùi quá xa...

Bài 1: Tội ác mang tên... da cam

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại vũ khí tối tân gây thương vong lớn, mà còn sử dụng cả vũ khí hóa học nhằm ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng, biến miền Nam Việt Nam thành nơi thử nghiệm loại vũ khí chết người...

Những thùng chất chất độc hóa học từ Mỹ được chuyển đến sân bay Đà Nẵng hồi tháng 5-1968, để đưa đi phun rải tại nhiều nơi (ảnh tư liệu).

Cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, với hơn 80 triệu lít chất độc hóa học (CĐHH), trong đó có 61% là chất độc da cam (CĐDC)/dioxin được rải xuống chiến trường miền Nam Việt Nam, được đánh giá là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người...

Theo thống kê của Ban chỉ đạo 33, 70% gia đình nạn nhân CDĐC thuộc hộ đói nghèo; 22% số gia đình có từ 3 nạn nhân trở lên; 90% nạn nhân không có chuyên môn, nghề nghiệp. Hiện phần lớn những gia đình nạn nhân da cam sống trong khổ đau, bệnh tật, đói nghèo... “Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ” - GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam nói.

* Sự hủy diệt đến từ… bầu trời

Trong biên niên sự kiện “Chiến tranh hóa học ở Việt Nam” của TS. Vũ Hoài Tuân có viết, để giúp chính quyền miền Nam Việt Nam và để xây dựng một Trung tâm phát triển và thử nghiệm các vật liệu chiến tranh, tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (ngày 11-5-1961), Tổng thống John F. Kennedy đã “nhấn nút” đồng ý cho quân đội Mỹ hỗ trợ sử dụng hóa chất diệt cỏ, khai quang ở những vùng quân giải phóng miền Nam Việt Nam kiểm soát, để làm rụng lá cây với nhiều mục đích: phát hiện đường giao thông, các căn cứ của quân giải phóng để tiến hành các cuộc tập kích; phá hoại mùa màng, cắt đường cung cấp thực phẩm tại chỗ của du kích và quân giải phóng; ngăn cản việc thành lập các khu quân sự của đối phương; làm trụi lá cây, tạo vành đai trắng bảo vệ các vùng xung quanh căn cứ quân sự, các đường vận chuyển và kho dự trữ của quân đội Mỹ, cũng như ngăn chặn sự xâm nhập, tấn công của lực lượng quân giải phóng.

Theo đó, từ tháng 8-1961 đến tháng 3-1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải hơn 80 triệu lít CĐHH, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống nhiều vùng đất của miền Nam Việt Nam. Đã có 3,06 triệu ha (tương đương với 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam) gồm hầu hết các hệ sinh thái và gần 26 ngàn ngôi làng phải hứng chịu thứ CĐHH này. Trong đó, có 86% diện tích bị phun rải từ 2 lần trở lên và 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.

Theo TS. Vũ Hoài Tuân, các loại CĐHH này được quân đội Mỹ tập kết tại nhiều nơi trước khi mang đi phun rải, trong đó “điểm nóng” là khu vực sân bay Biên Hòa, sân bay Đà Nẵng và sân bay Phù Cát. Theo đánh giá của Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả CĐDC/dioxin Việt Nam (BCĐ 33), cùng nhiều tổ chức quốc tế nghiên cứu về CĐDC trong chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam cho thấy, sân bay Biên Hòa là “điểm nóng” nhất khi chứa hơn 98 ngàn thùng (hơn 20 triệu lít) CĐDC, 45 ngàn thùng chất trắng, 16 ngàn thùng chất xanh. Các nghiên cứu cho thấy sân bay Biên Hòa cũng là nơi tập kết CĐDC trong quá khứ lớn nhất với hàm lượng dioxin cao gấp 1.000 lần tiêu chuẩn quốc tế. Diện tích ô nhiễm lên đến khoảng 52 ha, khối lượng đất đá bị nhiễm dioxin là trên 500 ngàn m3 và chất độc này đang gây ảnh hưởng đến hơn 100 ngàn người đang sinh sống gần khu vực.

Nhiều hài nhi bị dị tật do di chứng của chất độc da cam được lưu trữ tại cơ sở nghiên cứu của Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, TP.HCM (ảnh tư liệu)

Còn tại khu vực sân bay Đà Nẵng có khoảng gần 90 ngàn m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin cần phải xử lí. Ngoài ra còn có 50 ngàn m3 đất và bùn cần phải cô lập do bị nhiễm lượng dioxin cao gấp 365 lần so với ngưỡng an toàn do quốc tế quy định. Khu vực sân bay Phù Cát cũng có hơn 10 ngàn m3 bùn đất nhiễm dioxin cần xử lý.

Tại Đồng Nai, từ ngày 8-10-1961, quân đội Mỹ đã liên tục rải thứ chất độc này xuống các ruộng lúa xung quanh sân bay Biên Hòa kéo dài lên đến các xã Trị An, Mã Đà, Hiếu Liêm (vùng Chiến khu Đ, nay là huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Không chỉ thế, ngoài Tổng kho Long Bình là bãi tập kết CĐHH, thì sân bay quân sự Biên Hòa cũng là kho chứa hóa chất để đưa lên các chuyến bay đi phun rải khắp các chiến trường miền Nam suốt từ năm 1961-1971. Các vùng kháng chiến như: Gia Huynh, Trảng Táo, núi Mây Tàu, Sông Ray, Sông Ui… trên địa bàn Đồng Nai cũng trở thành mục tiêu để Mỹ rải CĐHH.

* Tội ác hôm qua, thảm kịch hôm nay

Cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ sử dụng ở miền Nam Việt Nam đã được các nhà khoa học đánh giá, là cuộc chiến tranh gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người, đã khiến hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm CĐDC. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng danh sách nạn nhân da cam tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng mỗi ngày một dài thêm do ảnh hưởng di truyền qua nhiều thế hệ, gây nhiều bệnh tật nặng nề.

Là người từng sống và chứng kiến các đợt máy bay của quân đội Mỹ phun rải chất hóa học xuống vùng rừng Chiến khu D (thuộc xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) ông Nguyễn Văn Tài, 89 tuổi cho biết, ông còn nhớ như in hình ảnh những chiếc máy bay của Mỹ bay ở tầm thấp khi phun rải hóa chất. Những dải sương mờ đục màu trắng từ hai bên cánh máy bay phun ra thành những vệt dài. Chúng rơi xuống rừng núi, ruộng đồng và con người, chỉ sau vài ngày, tất cả lá cây héo rụng, chỉ còn những cành cây trơ trọi. Các loại rau màu, cây lương thực xoắn tít lại rồi lụi tàn.

Con của nhiều cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam cũng trở thành nạn nhân. Trong ảnh: Một số nạn nhân thế hệ thứ 2 của cựu binh Mỹ trong một chuyến sang Việt Nam thăm nạn nhân da cam (Ảnh P.Liễu)

Ngày đó, trước khi phun rải, quân đội Sài Gòn thông báo với dân đây là thuốc phát quang, diệt cỏ không gây độc hại cho con người, không làm hư hoa màu. “Vì không biết đó là chất độc chết người, nên tôi và nhiều người dân vẫn tiếp tục làm việc ngoài ruộng vườn của mình dưới những làn hóa chất đó. Sau này khi tôi và nhiều người khác bị nhiều bệnh tật, sinh ra con dị tật, quái thai tôi mới biết đó là CĐDC hủy diệt mầm sống... Bản thân tôi cũng có 3 người con tật nguyền do di truyền bởi CĐDC từ tôi” – ông Tài cho biết.

Ngay từ năm 1970, tại Hội nghị quốc tế về “Tác hại của chất hóa học lên con người và môi trường” (tổ chức tại Pháp), cố GS. Tôn Thất Tùng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đã thông báo về hậu quả của CĐHH do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Đặc biệt là CĐDC đã tác động vào con người gây ra nhiều loại bệnh tật nặng nề như: thần kinh, tai biến sinh sản, ung thư, biến đổi gien, quái thai, dị dạng... Đồng thời, cố GS. Tôn Thất Tùng cũng đưa ra thông tin gây chấn động thế giới bằng lời cảnh báo, CĐDC có thể di truyền xuyên thế hệ, khả năng để lại di chứng cho từ 6-12 thế hệ sau.

Hiện nay, rất nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên, thậm chí có gia đình cả 7-8 người đều là nạn nhân của loại chất độc này. Nhiều gia đình nạn nhân không còn duy trì được nòi giống; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời thực vật; hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết, cả triệu người khác đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, chết dần, chết mòn từng ngày bởi những căn bệnh quái ác.

Không chỉ người Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi CĐDC mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealan… từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm CĐDC. Tháng 7-2010, một tờ báo của Mỹ đã đăng tải, Đô đốc Elmo Zumwalt, nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân – Không quân Mỹ ở Việt Nam (những năm 1968 - 1970) cho biết, có ít nhất 2,6 triệu lượt cựu binh Mỹ bị phơi nhiễm CĐDC. Mỗi năm, Chính phủ Mỹ phải trợ cấp cho các cựu binh bị bệnh liên quan đến CĐDC với số tiền hàng tỷ USD. Cụ thể: năm 2010 là 13,5 tỉ USD và năm 2020 là 18 tỷ USD.

Cũng như người lính giải phóng, những người tham chiến tại Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các thế hệ tiếp nối được sinh ra phải chịu đựng rất nhiều loại bệnh tật như: liệt, teo cơ một phần hoặc toàn cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, tai biến sinh sản, biến đổi gien gây dị dạng, dị tật bẩm sinh... Hiện ở Việt Nam, di chứng CĐDC đã truyền sang thế hệ thứ 4 - thảm họa quá lớn từ một cuộc chiến.

Phương Liễu

(*) Các số liệu được trích dẫn từ nguồn: Tác phẩm biên niên sự kiện “Chiến tranh hóa học ở Việt Nam” của TS. Vũ Hoài Tuân và tại các kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam về vấn đề thảm họa da cam

Xem tiếpBài 2: Nỗi đau không năm tháng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202103/bong-ma-tu-mot-cuoc-chien-3049513/