Bỗng một ngày con lớn

Trong một chuyến du lịch, chị Loan bỗng chú ý khi thấy cu Tin, con trai chị cứ loay hoay ở quầy bán quà lưu niệm là mấy đồ kẹp tóc, vòng đeo tay cho con gái. Chị lại gần, khẽ khàng hỏi con muốn mua quà tặng ai để chị chọn giúp. Câu trả lời làm chị bất ngờ khi người được tặng quà không phải chị hay em gái của Tin mà là một cô bạn học cùng lớp. Lục lại trong trí nhớ những người bạn từng đến nhà chơi hoặc học cùng con, mãi chị mới nhớ ra cô bé có dáng người thấp bé, trắng trẻo đeo cặp kính cận dày cộp.

Ảnh minh họa: Đ.N

Không dưng chị có cảm giác lo lắng trước phát hiện mới này: Con chị có cảm tình đặc biệt nên mới mua quà tặng riêng cô bạn ấy thay vì tặng nhiều bạn? Bọn nó “bồ kết” nhau từ bao giờ? Mối quan hệ đã có gì nghiêm trọng chưa? Chị chỉ an tâm phần nào khi nhớ lại điểm số học tập của con vẫn tốt như trước giờ, chưa có biểu hiện vì chuyện này mà thay đổi theo hướng tiêu cực.

Tuy nhiên, đêm đó, khi kể lại với chồng, vừa nghe xong, anh đã đùng đùng nổi giận, định mắng cho ông con một trận ra trò cái tội “mới lớp tám đã bày đặt yêu đương”. Cũng may, chị kịp ngăn anh lại. Chị bảo, cứ nhẹ nhàng, bình tĩnh theo dõi để có chuyện gì con còn kể lại, cứ làm ầm ĩ không khéo bọn nó chuyển sang “phòng thủ”, sau này có cạy miệng tụi nhỏ cũng không thèm chia sẻ.

Tiếc là không phải bậc cha mẹ nào cũng có cách giải quyết trầm tĩnh và được sự hợp tác từ chồng như chị Loan. Chị Hoài, một chị đồng nghiệp khác của tôi lại khá nóng nảy. Một lần thấy con gái (đang học lớp mười hai) được một bạn trai chở về, chị đã mắng con “mới nứt mắt đã bày đặt yêu đương” dù con bé đã giải thích là hôm ấy xe hư, đang để sửa. Sau lần ấy, chị tịch thu luôn cái xe đạp của con bé và phân công hai vợ chồng thay phiên đưa con đi học. “Năm nay là năm cuối cấp, lại sắp đối mặt với nhiều kỳ thi quan trọng nên chỉ cần chểnh mảng một tí là ảnh hưởng cả tương lai”, chị giải thích cho sự cứng rắn của mình, thòng thêm lý do là bọn trẻ bây giờ yêu đương dễ dãi, không làm vậy thì khó kiểm soát được con làm gì, giao du với ai. Để rồi, dù bận rộn tối mày tối mặt, anh chị vẫn phải đưa đón con ngày vài bận. Con bé thì sau lần bị hiểu lầm ấy, vẫn nhất quyết giữ khoảng cách với mẹ.

Sợ con bị bắt nạt, sợ con tự chạy xe sẽ nguy hiểm, sợ con yêu sớm sẽ va vấp, sao nhãng học hành, sợ con ra đời sớm sẽ thất bại… là những nỗi lo sợ cố hữu của các bậc cha mẹ. Trong mắt họ, dường như đứa con nào cũng luôn bé bỏng, luôn cần được chở che nên bỡ ngỡ, thậm chí không chấp nhận sự thật là bỗng dưng một ngày con lớn. Tuy vậy, thả lỏng hoặc kiểm soát thái quá chặt chẽ đều không phải là giải pháp tối ưu, tự do quá thì trẻ dễ như hươu chạy lạc đường nhưng ủ bọc thái quá sẽ triệt tiêu khả năng tự xoay sở để thích nghi với hoàn cảnh ở trẻ. Đứa trẻ nào rồi cũng phải trải qua giai đoạn ngô nghê, non nớt, sự va vấp (nếu có) cũng là kinh nghiệm để trưởng thành, cũng như để tự do vùng vẫy giữa bầu trời cao rộng, chú bướm non nào chẳng phải quẫy đạp trong đau đớn để trở nên mạnh mẽ hơn mà phá vỡ cái kén đã ủ bọc chúng bấy lâu!

LÊ THỊ NGỌC VI

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/nhip-dap-trai-tim/bong-mot-ngay-con-lon-628218.ldo