Bỏng nặng do dùng bật lửa “cắt” dây bóng bay

(PL&XH) - Quả bóng đầu tiên anh lấy được dễ dàng nhưng khi đốt dây để lấy quả thứ hai thì cả chùm bóng phát nổ.

Ngày 16-1, anh N.V.N, SN 1974, trú tại quận Long Biên, Hà Nội cùng gia đình đi ăn cưới người thân tại nhà hàng. Khi tàn tiệc, hai đứa con của anh N nhìn thấy một chùm bóng bay rất đẹp nên nói với bố muốn được chơi bóng. Chiều con, anh N dùng tay bứt bóng nhưng không được bởi dây buộc bóng dai. Anh N liền lấy bật lửa đốt dây để lấy bóng. Quả bóng đầu tiên anh lấy được dễ dàng nhưng khi đốt dây để lấy quả thứ hai thì cả chùm bóng phát nổ.
Chùm bóng khi đó có khoảng 30 quả đồng loạt phát nổ khiến những người có mặt hoảng loạn vì tưởng nổ bình ga. Anh N và 2 con cùng 1 người cháu đứng gần nên bị bỏng. Sau khi sơ cứu, cả 4 người được chuyển tới khoa Bỏng, BV Xanh Pôn điều trị với các vết bỏng ở mặt, cổ, tai và hai bàn tay.

Anh N.V.N đang điều trị tại BV do bị bỏng bóng bay. Ảnh: L.Anh

Các BV chuyên khoa về bỏng đã từng tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thanh Nguyên, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội vì bỏng bóng bay. Trong một lần đến chơi nhà bạn, chị Nguyên thấy tại đây có một chùm bóng to nên xin vài quả về cho cháu chơi. Do vội không lấy dao, kéo để cắt dây bóng bay, gia chủ đã dùng bật lửa để đốt dây. Vừa bật lửa, bất ngờ chùm bóng bay nổ như bom khiến toàn bộ cửa kính, đồ đạc gần đó bị nứt vỡ, chị Nguyên và gia chủ bị bỏng nặng phải đi cấp cứu.

Đầu tháng 10-2010, anh Trần Đức Cương, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cùng 2 người bạn mua bóng bay tại phố Bà Triệu, do muốn lấy nhanh bóng, một người bạn của anh Cương đã dùng bật lửa cắt dây. Lập tức, cả chùm bóng phát nổ khiến anh Cương, 2 người bạn và người bán bóng bị bỏng.

Hay trường hợp cháu Đặng Quốc Tuấn, 11 tuổi, trú ở thôn 9, xã Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa trong khi chơi ở sân vô tình nhặt được chùm bóng bay. Cháu Tuấn dùng bật lửa để cắt dây, lấy từng quả bóng ra chơi khiến chùm bóng phát nổ làm cháu bị bỏng sém da mặt và 2 cánh tay…

Theo các bác sỹ, tai nạn bỏng do nổ bóng bay không hiếm gặp. Những tai nạn này nguyên nhân chủ yếu do nạn nhân chủ quan khi chủ động dùng nhiệt để gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với bóng bay.

Bóng bay được bơm đầy khí hidro, khi tiếp xúc với nguồn nhiệt, khí hidro thoát ra kết hợp với khí ôxy gây nổ, tạo sức ép khiến cả chùm bóng nổ theo và những người đứng gần sẽ bị bỏng. Vì vậy, để tránh nguy hiểm và những tai nạn đáng tiếc, người chơi bóng bay tuyệt đối chú ý không dùng lửa để “cắt” bóng; không để bóng bay gần nhiệt, điện, tàn thuốc hay để bóng bay trong phòng hẹp. Trẻ em chơi bóng cần có sự quản lý, giám sát của người lớn và không cầm bóng bay số lượng lớn…

Linh Anh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2014011910559628p1001c1051/bong-nang-do-dung-bat-lua-cat-day-bong-bay.htm