Bỏng rát mùa hè Ninh Thuận

Những ngày này, tuy mới vào hè nhưng Ninh Thuận đã khô khát. Nắng nóng như trút lửa. Những đàn gia súc bị chết hàng loạt do thiếu cỏ tươi và nước uống. Thêm một mùa hè người Ninh Thuận thao thức...

Nắng hạn dữ dội, đàn gia súc của tỉnh Ninh Thuận phải kiếm ăn trên những vùng đất khô cháy.

Đàn gia súc khát nước

Tại thôn Đồng Dày (xã Phước Trung, huyện Bác Ái), dưới cái nắng chang chang, người dân lo âu nhìn những vạt cây trồng khô héo. Trong khi những con suối cạn kiệt, trơ đáy. Tới nay, xã này đã có khoảng 900/11.860 con dê, cừu chết vì suy kiệt do thiếu nước và cỏ tươi. Tính chung toàn tỉnh Ninh Thuận, số gia súc chết do nắng hạn đã xấp xỉ 1.000 con từ đầu mùa nắng đến nay.

Ông Đạo Văn Nô, người thôn Đồng Dày (xã Phước Trung) cho biết, đã nhiều năm nay cứ đến tháng 5, tháng 6 ở đây lại thiếu nước. Nhưng đáng sợ hơn là vài năm nay, do diễn biến thời tiết cực đoan nên lượng mưa đã ít lại càng ít hơn.

Gia đình ông Nô cùng với 3 hộ khác cùng nuôi thuê đàn cừu hơn 1.300 con, tiền công 25 triệu đồng/năm. Những ngày nóng như thế này, họ vô cùng vất vả tìm nước, tìm cỏ cho lũ cừu. Dẫu thế thì hơn 1 tháng qua, đã có gần 100 con cừu bị chết, do đói và khát.

Chủ đàn cừu, ông Hòa cho biết, để có đàn cừu này ông đã phải đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng, cùng đó là số tiền không nhỏ để làm 600m² chuồng trại. Ông Hòa cũng đã đầu tư trồng cỏ trên diện tích 2ha để chủ động nguồn thức ăn cho đàn cừu, nhưng như thế là chưa đủ vì trên trời nắng vẫn dội lửa xuống ngày này sang ngày khác. Việc đào hầm hố, đào giếng lấy nước cũng gặp khó khăn lớn khi nguồn nước ngầm cũng cạn kiệt dần vì quá ít mưa.

Ông Hòa than thở, mỗi ngày phải bỏ ra hơn 500.000 đồng mua rơm, cỏ và sữa để chăm sóc đàn cừu. “Nếu nắng nóng vẫn kéo dài tôi sợ khó đương đầu”- ông Hòa nói.

Còn với ông Ka T’Đáy, đàn cừu 300 con những ngày qua do thiếu nước uống, thiếu cỏ ăn cũng đã chết hơn chục con. “Không phải do dịch bệnh gì đâu, chỉ vì khát quá dấy thôi”- ông T’Đáy buồn rầu nói, còn ánh mắt đăm chiêu ngó lên nền trời không một gợn mây.

Ông T’Đáy, cho biết, không chỉ đàn cừu hộ của ông chết mà nhiều người khác trong xã cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, trong đó có hộ ông Nguyễn Công Bảy, với đàn cừu gần 250 con nhưng hơn tháng qua cũng đã có tới hơn 50 con bị chết.

Thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, tới nay khô hạn nghiêm trọng đã xảy ra tại nhiều địa bàn, mực nước tại các hồ chứa Ông Kinh ở huyện Thuận Bắc, Phước Nhơn ở huyện Ninh Hải, Tà Ranh ở huyện Ninh Phước đã cạn trông thấy. Nhiều nơi đã phải tạm dừng hoặc giảm bớt diện tích sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu để dành nguồn nước uống cho bò, dê, cừu…

Thiếu nước trầm trọng, sinh hoạt của người dân đảo lộn

Dự báo của cơ quan chức năng, mùa hè năm nay hơn 10.000 người dân Ninh Thuận sẽ thiếu nước uống trầm trọng.

Vẫn theo Sở NNPTNT, hiện 9/21 hồ thủy lợi trong tỉnh đã cạn kiệt, số còn lại chứa nước chưa đến 60% dung tích thiết kế. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người, bên cạnh nước uống cho đàn gia súc đang rất gay gắt.

Không riêng gì hai xã Phước Trung, Phước Thành (huyện Bác Ái) đang “gặp hạn”, các xã khác như Nhơn Hải, Phương Hải (huyện Ninh Hải); Phước Nam, Phước Minh (huyện Thuận Nam), người dân cũng đang vật lộn với cái nắng và cái khát...

Trong phạm vi toàn tỉnh, do thiếu nước, ngành NNPTNT đã phải lên kế hoạch dừng sản xuất khoảng 1.780 ha lúa, hoa màu vụ Hè Thu để dành nước còn lại ở các hồ thủy lợi cho sinh hoạt và chăn nuôi gia súc. Cùng đó là việc chuyển đổi khoảng 840 ha lúa sang cây trồng cạn.

Người dân Ninh Thuận ngày đêm mong mưa nhưng nền trời vẫn cứ trong xanh ngăn ngắt. Như vậy trong tháng 5 này, mưa trú xuống “giải hạn” là hầu như vô vọng. Đó cũng là thông tin từ cơ quan dự báo khí tượng thủy văn. Vì thế, người dân buộc phải tìm mọi cách để có nước sinh hoạt hàng ngày.

Tới xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải), người ta dễ dàng chứng kiến cảnh nhiều người nhọc nhằn đào ao, vét giếng. Một thợ đào giếng cho biết, dù công lao động nhận được khá cao nhưng họ cũng không vui gì vì phải làm việc dưới cái nắng gay gắt và phải đào rất sâu mới hy vọng có nước.

Ở xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn), những chiếc giếng mới nhiều lên từng ngày, điều đó cũng cho thấy một điều là người dân phải thắt chặt chi tiêu nhiều khoản để dồn vào việc tìm nước. Với người dân xã này, thu nhập thấp, thì việc đầu tư cho một chiếc giếng quả thực là khó khăn.

Để chống hạn, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận, ngoài việc dừng sản xuất vụ Hè Thu ở những vùng tâm hạn, ngành NNPTNT phải đặt máy bơm để khai thác hiệu quả nước ngầm tại các ao. Nhất là với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận và Trung tâm nước - vệ sinh môi trường phải điều tiết nước theo thứ tự ưu tiên sinh hoạt cho người, nước uống cho gia súc, sau đó mới đến sản xuất.

Trong nỗ lực giúp dân, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã đẩy nhanh tiến độ thi công đường ống kênh chính Tân Mỹ (huyện Bác Ái) dài 10,15 km để có nước ứng phó với hạn hán đang xảy ra tại địa bàn các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Bắc. Đường ống cấp nước từ trạm bơm Xóm Bằng đến Hồ Ông Kinh (huyện Ninh Hải) dài 10km cũng được đấu nối khẩn cấp để cứu khát cho trên 1.000 dân địa phương.

Vì sao Ninh Thuận thiếu nước?

Theo cơ quan chức năng cùng với kinh nghiệm của người dân vùng hạn, Ninh Thuận là địa phương phải chịu đựng thời tiết rất khắc nghiệt, lượng mưa rất ít và thường đến muộn. Nắng nóng diễn ra liên tục kể từ cuối tháng 2 và thường kéo dài tới hết tháng 9. Như vậy, trung bình 1 năm, Ninh Thuận có tới 7 tháng “đại hạn”. Các tháng 4, 5, 6 là giai đoạn cao điểm của hạn hán.

Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nhưng Ninh Thuận lại là một tỉnh khô hạn với lượng mưa ít nhất cả nước với chỉ khoảng 700-800 mm một năm. Số liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh này cho thấy, trong mùa mưa năm 2015, lượng mưa vùng ven biển ở tỉnh này khoảng 600-700mm, vùng núi khoảng 500-600mm. Trong khi đó, lượng mưa hằng năm của Việt Nam là khoảng 1.500-2.000 mm.

Nguyên nhân chính là tỉnh này bốn bề vây quanh bởi núi, kéo dài ra tận biển, nên nó lọt thỏm bên trong một hình cung khép kín. Các loại gió mùa cũng không thể tác động giúp đem lượng hơi ẩm từ đại dương vào đất liền gây mưa.

Đã thế, Ninh Thuận lại chịu tác động của hiệu ứng phơn, khô và nóng bỏng. Tháng 6 đến tháng 8 là thời kỳ gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, hiện tượng “nước trồi” chỉ riêng có tại vùng biển tỉnh này diễn ra cực mạnh, khiến bầu khí quyển không thể kết tụ hơi nước để làm mưa do mặt nước luôn mặn và lạnh khiến nước khó bốc hơi.

Đó là điều kiện tự nhiên, cũng khó mà thay đổi được. Nhưng, điều mà người dân trông mong chính là một giải pháp rõ ràng, đồng bộ từ chính quyền. Những cách cứu hạn vào mùa nắng nóng xét cho cùng cũng chỉ là tình thế, vì năm nào cũng lặp lại nhưng không xoay chuyển tình hình một cách cơ bản.

Không lẽ cứ mùa hè đến là giảm diện tích sản xuất cây lương thự vụ Hè Thu, hay là vội vã đấu nối đường ống dẫn nước? Còn phía người dân, đào giếng để chủ động sản xuất, chăn nuôi, sinh hoạt là cần thiết- nhưng người có tiền đã đành, còn người nghèo thì sao?

Nguyễn Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/bong-rat-mua-he-ninh-thuan-tintuc404560