Bóng trăng trên cát

Sau rằm, trăng bắt đầu khuyết dần… Đến tối hăm mốt âm lịch thì nửa đêm trăng mới nhú lên hình bán nguyệt. Khi trăng lên đến đỉnh tháp, lúc ấy, trời đã gần rạng sáng. Dãy đồi cát chạy dài sát biển như mơ màng, mờ nhạt trong ánh trăng. Biển sáng long lanh, lấp lánh với muôn trùng lượn sóng nhỏ lăn tăn những vẩy bạc, đẹp đến kỳ ảo…

Minh họa của MINH SƠN

Minh họa của MINH SƠN

Trong tiếng khèn dìu dặt, tiếng trống ngũ âm thôi thúc, tiếng thanh la, não bạt lèng xèng, leng keng… Hai cô gái mặc áo đỏ, viền vàng, cột thắt lưng xanh, trước ngực có hoa văn hình cánh sen bằng chỉ kim tuyến, uốn éo thân hình thon gọn rất uyển chuyển. Đầu hai cô đội mấn, mặt hồng hào, hưng phấn với cặp chân mày xếch và đôi mắt long lanh. “O Luyến lên đồng đấy!”. “Hoàng cô đã về nhập xác O Thi”. “Xác hai bóng này đẹp quá!”. Những lời trầm trồ, thán phục rì rầm giữa đám đông đang say mê thưởng thức điệu múa của O Thi và O Luyến. Mỗi cô đội trên đầu một mâm ngũ quả nhỏ với mấy chung rượu cúng. O Thi bắt ấn. Bàn tay của cô như búp măng, ngón trỏ và ngón út vảnh lên, cong cong, trông rất xinh, dẻo và điêu luyện.

Chí tò mò xen giữa đám đông lễ hội. Anh nhìn ngây ngất từ hồi nào chẳng biết khuôn mặt của “O Thi”. O Thi như thoát tục với điệu múa huyền ảo giữa khói hương nghi ngút, và những khúc hát ê a xưng tụng Thánh mẫu: “Người là mẹ xứ sở… Thiên Y A Na hiển linh che chở muôn loài… Sông núi mang hồn thiêng A Na…”. Chí rùng mình, hình như anh bất chợt cảm nhận có một cõi tâm linh nào đấy, lẩn khuất đâu đây, bên những bức tường rêu sừng sững, thâm u của ngôi tháp cổ. Chí mường tượng: “Đã hơn ngàn năm trước. Những thiếu nữ Chăm, da ánh đồng thau. Mắt u ẩn huyền bí, uốn lượn nhịp nhàng thân hình săn chắc, trong tiếng hát ê a cũng như đêm nay!”.

Chí đứng bâng quơ ở lưng chừng những bậc thang đá lên xuống tháp. Dòng sông bên đồi tháp cổ trong ánh trăng uốn lượn như dải lụa lững lờ. Hoa sứ đại về khuya tỏa hương thơm ngan ngát.

Hai cô gái đi xuống đồi. Chí chạm vào đôi mắt của O Thi. Anh nhận ra ngay cô gái này bởi khuôn mặt xinh đẹp khó lẫn của cô. “Người đâu vô duyên!… nhìn gì chằm chặp…”. O Luyến kéo chị đi nhanh: “Về lẹ chị ơi… Mẹ mong đấy”. “Ừ… chậm thôi. Sao kéo chị nhanh vậy. Ngã bây giờ…”. O Thi ngoái lại nói nhỏ, giả lả, vu vơ với mình, như là nói với chàng trai mà cô đã nhìn thấy anh ta, lúc cô múa bóng trên đồi. “Người ta đâu có gì tệ… mà Luyến… nó mới vô duyên!”

Đêm thứ ba của lễ hội. Trăng mọc muộn ở phía biển. Đêm cũng dần tàn, bóng người lưa thưa, loáng thoáng trong sương, họ trở về những dãy phố im lìm, những ngôi nhà lúp xúp bên những giồng cát mênh mông. Đồi tháp cổ bên sông lại hoang vắng.

- O Thi, sao đêm nay cô… đi có một mình?

- Luyến thức khuya, múa mấy hôm liền, đã thấm…

- Nhà cô ở Dốc Cát à?

- Dạ.

- Cho… tôi đưa cô về nhé?

- Ơ… kỳ lắm!

- Cô về một mình giữa đêm khuya khoắt không sợ ư?

- Sợ gì?

- Kẻ xấu… hoặc là… ma?

Thi cười. Giọng cười trong trẻo hơi là lạ: “Em là xác của “Cô”… Đâu ai dám làm gì. Có kẻ còn sợ em… Có nhiều người ngại em. Anh… có sợ em không?

Chí hơi hoang mang. Nhưng anh vẫn nói cứng: “Anh không sợ em đâu, nên anh mới theo em mấy đêm nay…”

Chí theo xác phàm của “Cô” đi về phía xóm nhà lơ thơ trên giồng cát. Cảnh vật ở đây khá lạ lùng trong mắt anh: Có một đụn cát to như hình cô gái nằm phơi đôi bầu vú nở nang. Có đôi ba giồng cát dài như hình những con rắn khổng lồ uốn lượn. Có những bàu nước xanh biêng biếc giữa một vùng khô cằn đầy nắng gió. Có rừng cây bụi lưa thưa, lum lúp, trông xa như những người lính trận mang ba lô. Người ta đồn xứ sở này xưa kia có rất nhiều… ma! “Cọp Khánh Hòa. Ma Bình Thuận”!

“Nhà em ở cuối con dốc kia!” - Thi đưa tay chỉ cho Chí - “Thôi anh trở về đi. Em không cho anh đi theo nữa đâu!”

“Vậy, làm sao anh gặp em được nữa? Đêm nay đã hết lễ hội rồi?”

Cô gái đứng lại có vẻ hơi ngẫm nghĩ:

“Anh muốn gặp em nữa phải không?”

“Ừ. Anh muốn gặp em nhiều hơn nữa kìa”.

“Vì sao?”

“Vì… Vì anh thích em đó Thi!”

“Em chưa tin anh đâu... thôi ngày mai gặp nhau nhé? Ngay chỗ này”. Thi chỉ cây trôm cạnh ngôi miếu cô hồn lum lúp ven đường. Thi đi vội, bóng cô thoăn thoắt, nhạt nhòa trong màn sương trắng la đà cuối dốc.

* * *

“Ôi…Ui! Anh… anh làm em sợ quá!”. Cô gái giọng run run. Chí phì cười. Anh buông lỏng vòng tay đang ôm chặt Thi ra. “Anh… yêu em. Anh chỉ hôn em thôi”.

“Em là xác của “Cô”. Em có nghe, nhưng chưa bao giờ biết chuyện đời, chuyện tục…”, Thi ngây thơ, nói nhẹ như hơi gió thoáng qua.

“Nhưng em phải có chồng… Để sống hạnh phúc và sinh con đẻ cái!”

“Người ta nói, nếu em có chồng thì xác thân ô uế… “Cô” sẽ không còn về nhập em nữa! Người ta không còn tôn trọng em! Em sẽ không thể nuôi mẹ em tử tế được”.

“À… chuyện “Cô” nhập vào em có thật hay không?”

“Em không thể trả lời anh câu hỏi này! Tùy anh hiểu sao cũng được!”. Thi có vẻ dỗi. Chí lại ôm cô gái vào lòng, anh hôn Thi. Hình như đôi môi Thi trở nên nóng bỏng, ngực cô phập phồng, đôi mắt cô long lanh, rồi Thi lim dim ngây ngất như một cô đồng thực sự. Đôi thân thể căng tràn nhựa sống ấy quyện vào nhau hừng hực. Tình yêu cháy bỏng, thăng hoa, đằm đẵm như những giồng cát khô hứng cơn mưa rào đến sớm. Ánh trăng xanh yếu ớt xuyên qua tán cây trôm rậm rạp, lốm đốm những vệt sáng mờ tỏ trên vùng ngực trắng nõn, non tơ của Thi. Bằng cảm giác vô thức, đau đáu và nhạy cảm, Chí phát hiện ra Thi là một trinh nữ, cô mới vừa bước qua ranh giới đàn bà một cách rất bản năng… Miếu cô hồn còn một vài cọng nhang tàn, cong queo. Ban chiều, Chí đã thắp lên cho ấm cái không gian vô cùng u tịch và hoang vắng này, khi màn đêm rủ xuống trên những giồng cát mênh mông như hoang mạc.

“Rồi anh sẽ xa lánh em. Rồi anh sẽ bỏ em… như ngày xưa cha đã bỏ mẹ!”. Tiếng cô gái thút thít như ngàn mũi kim châm chích vào trái tim Chí: “Sao… em lại nói gở vậy? Anh yêu em mà… Anh sẽ cưới em đàng hoàng kia mà”. Cô gái có vẻ buồn. Hình như cô linh cảm đến một kết cục đau đớn, bi thương. Có lẽ Thi là xác phàm của “Cô”, nên Thi đã nhìn thấy cái mà Chí không thể nhìn thấy(?). O Thi không còn trinh trắng nữa. Biết đâu sẽ có một đứa trẻ, con của cô đồng ra đời. Người đồng bóng đã vấy mùi tục thì đâu còn thiêng nữa. Sẽ có nhiều kẻ úp chụp cho là trò đểu, dối người, buôn thần bán thánh! Thi khóc vùi mùi mẫn trong ngực Chí. Chí cảm thấy trên vai mình rất nặng nề. Anh phải cưu mang người con gái yếu đuối này cho dù bất kỳ hoàn cảnh nào!

“Hôm nào, em sẽ đưa anh về nhà. Anh sẽ gặp mẹ em. và anh sẽ hiểu thêm về mẹ và em”.

* * *

Chí theo Thi băng qua trảng cát dài rồi vào một xóm nhỏ có vài mươi căn nhà tuềnh toàng nằm cuối dốc, cạnh một thung lũng cạn. Trời đã sẩm tối. Trong bóng chiều tờ mờ có một người phụ nữ gương mặt khắc khổ đang thổi bếp bên hông nhà. “Mẹ em đấy” - Thi nói.

- Chào dì…

- Chào cậu.

- Cháu là bạn của Thi.

Người phụ nữ khẽ mỉm cười:

- Tôi có nghe Thi nói về cậu. Nó nói cậu là bạn thân của nó phải không?

- Dạ.

Thi phụ mẹ dọn cơm. Khi mẹ Thi bưng tô canh cá đặt lên bàn. Dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu và ánh lửa bập bùng từ mé bếp dội lên, Chí thấy bàn tay trái của mẹ Thi có những ngón tay co quéo lại, cứng đơ. “Bà ấy bị bệnh phong!... Xóm này là xóm phong mà báo chí thường nói tới đây… Thi là con của người bị bệnh phong!”. Một cảm giác gờn gợn dâng lên trong lòng Chí. Anh thoáng thảng thốt. Nhưng anh kịp thời giấu kín những cảm xúc của mình.

“Anh ăn cơm đi. Ăn với em và mẹ một buổi cơm nhé?”

“Ừ”.

“Anh có thấy ngon không?”

“Ngon”.

Sau bữa cơm. Thi dẫn Chí ra cái võng sau mé hè cạnh con lạch nhỏ có nước chảy róc rách.

“Chắc anh đã biết, khi gặp mẹ em… Ở đây là làng phong! Anh có… sợ không?

“Không… Bệnh phong ngày nay đã có thuốc trị. Bệnh phong không di truyền và khó lây kia mà!”

Thi thoáng buồn bã: “Có nhiều người đã nói như anh. Nhưng, người ta vẫn giữ một khoảng cách với chúng em. Em đã học cao đẳng, về sau đi làm cho một doanh nghiệp. Khi có nhiều người biết về lai lịch của em. Có một số người rất thông cảm cho em. Nhưng cũng có một số người đối xử không tốt với em. Em sống giữa những kẻ kỳ thị và không kỳ thị; giữa những người thông cảm và không thông cảm; giữa những thương ghét của người đời… và đau lòng nhất là cảm giác bị xa lánh rất vô lý đối với em, nhưng có thể là có lý đối với họ. Rồi em trở về với mẹ, chăm sóc mẹ và làm thêm nghề múa bóng khi có cúng kiếng, lễ hội. Ở vùng quê biển này người ta còn sống tâm linh lắm, bởi vì họ luôn đối mặt với những tai ương không đoán trước được của trời đất!

- Anh sẽ về thành phố, nói với mẹ anh đến đây cưới em.

- Em sẽ chờ anh! Hai người ôm chặt nhau với tình yêu và niềm cảm thông dào dạt.

* * *

Chí về thành phố sau chuyến du khảo dài ngày. Qua nhiều lần đắn đo, suy nghĩ, anh nói thật chuyện của anh và Thi cho những người thân nghe. Mọi người ai cũng giật mình, về sau, người ta lãnh đạm, hình như chẳng ai muốn nghe chuyện ấy nữa. Mấy cô em gái của Chí phản đối ra mặt. Bố anh làm thinh. Mẹ anh chì chiết: “Bộ hết đàn bà, con gái rồi hay sao, mà con tìm đến nơi khô cằn sỏi đá để cưới con của người bị bệnh phong?… Tao thật hết biết!”

Cuối cùng, Chí trở ra miền đất đầy nắng gió và cát để tìm Thi. Anh sẽ cùng Thi tạo dựng cuộc sống mới. Có một số người ủng hộ hành động của anh. Thi chắc cũng đang mỏi mắt trông chờ Chí! Đã gần một năm rồi còn gì.

Khi Chí trở lại Dốc Cát thì cảnh vật thay đổi đến lạ lùng. Có khá nhiều đụn cát lạ lẫm nổi lên ở nơi đây. Cái làng nhỏ bé, tuềnh toàng ấy đã biến mất (!?) Chí vô cùng hoang mang! Chẳng lẽ chuyện mình với Thi chỉ là liêu trai mộng mị sao? Chẳng lẽ O Thi là hồn Chiêm nữ của vương quốc người Hời từ thủa xa xưa trong quá khứ hiện về trêu chọc người thế gian?!

Một người bạn cũ làm ở Chi cục Kiểm lâm huyện cho biết: Do người ta chặt phá rừng phòng hộ ven biển nên cát theo gió lấn sâu vào đất liền, nơi mà nó có điều kiện hình thành, tích tụ nên những “cồn cát duyên hải”. Làng phong Q.C bị cát lấn nghiêm trọng nên đã được chính quyền cho di dời đến vùng cận chân núi Thương Sơn.

Chí quảy ba lô lên miền núi. Anh hy vọng sẽ gặp lại Thi. Chí tìm Thi khắp nơi. Người con gái có nguồn gốc bất hạnh ấy vẫn mịt mù tăm cá! Đến mùa lễ hội cũng chẳng thấy chị em Thi lên đồng, múa bóng nữa! Chí trở về, khi đi ngang qua khu di tích Chăm, anh thấy bức phù điêu có chạm khắc hình cô gái Champa uốn mình trong vũ điệu Apsara, đôi mắt Chiêm nữ ấy, sao mà giống như đôi mắt của O Thi đêm nào, đau đáu nhìn anh dưới ánh trăng xiên trên đồi tháp cổ.

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/201912/bong-trang-tren-cat-885806/