'Bóp nghẹt' nước mắm truyền thống?

Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) soạn thảo bị các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống (NMTT) lẫn chuyên gia phản đối dữ dội.

8 đơn vị nước mắm truyền thống khẩn cấp cầu cứu Chính phủ

Đại diện Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch; Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao; Hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM; Hiệp hội Nước mắm Nha Trang; Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết; Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc; Công ty Cổ phần Chế biến dịch vụ Thủy sản Cát Hải đã có văn bản kiến nghị gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ về việc xây dựng các Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho nước mắm.

Bản kiến nghị nêu rõ sau khi tiến hành hội thảo để góp ý kiến cho bản Dự thảo cuối Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 12607:2019 Quy phạm Thực hành sản xuất nước mắm với sự tham gia của đại diện các bên và một số nhà sản xuất nước mắm. Các đơn vị nhận thấy:

Sau sự cố Asen đối với nước mắm truyền thống, việc rà soát, xây dựng các văn bản tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã được Thủ tướng chỉ đạo các Bộ có liên quan xây dựng cho sản phẩm nước mắm và cơ sở sản xuất nước mắm đã được ban hành cũng như đang trong quá trình soạn thảo, có nhiều nội dung được quy định chưa bám sát thực tế sản xuất nước mắm.

Sản xuất nước mắm truyền thống Ảnh: T.L

Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng xu thế xây dựng TCVN, QCVN cho nước mắm và cơ sở sản xuất nước mắm đang thiên về cổ súy cho sự phát triển nước mắm pha chế - nước mắm công nghiệp.

“Đi cùng với nó là tạo ra rào cản kỹ thuật để triệt tiêu nghề sản xuất nước mắm truyền thống, không làm rõ sự khác biệt giữa quy trình và điều kiện sản xuất nước mắm thật hay còn gọi nước mắm truyền thống và nước mắm pha chế công nghiệp”, văn bản kiến nghị nêu rõ.

Lo lắng cho sự sống còn của nghề nước mắm truyền thống và vì sự minh bạch thông tin của các sản phẩm truyền thống; sản phẩm chế biến công nghiệp đối với người tiêu dùng và cho cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội, doanh nghiệp nhất trí cùng nhau kính gửi tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng hai Bộ một số kiến nghị.

Thứ nhất: Tạm thời dừng việc ban hành TCVN 12607:2019 Quy phạm Thực hành sản xuất nước mắm. Hai Bộ tổ chức hội thảo, mời đại diện các nhà sản xuất nước mắm ở cả nước và các chuyên gia chuyên sâu về nước mắm, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tham dự để góp ý kiến xây dựng TCVN này.

Theo thẩm quyền, đề nghị các Bộ chỉ đạo việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng cho nước mắm hay còn gọi là nước mắm truyền thống và nước mắm pha chế quy mô công nghiệp, không để chung một văn bản như hiện nay.

Đề nghị các Bộ cho thực hiện đề tài đánh giá rủi ro cho histamine, kim loại nặng trong nước mắm hiện đang được quy định tại QCVN 08-2:2011/BYT của Bộ Y tế, để có thể thay đổi quy định về các chỉ tiêu này cho phù hợp, không để tạo ra rào cản kỹ thuật đối với nước mắm Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như gây chi phí tốn kém cho nhà sản xuất không cần thiết.

Ai được hưởng lợi?

Theo bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, nếu ban hành TCVN 12607:2019, Việt Nam sẽ đi theo “vết xe đổ” của Thái Lan, dựng lên “hàng rào kỹ thuật” để rồi “bóp chết” làng nghề nước mắm truyền thống - những người đã làm nên văn hóa ẩm thực của Việt Nam từ bao đời nay và cổ súy cho sự phát triển của nước mắm pha chế, nước mắm công nghiệp.

Bởi ngay từ khi dự thảo đưa ra lấy ý kiến (tháng 10/2018), các nhà sản xuất nước mắm truyền thống đã không khỏi lo lắng về TCVN 12607:2019 có thể sẽ chính thức áp dụng trong thời gian không xa. Nguyên nhân là trong bản dự thảo đã nảy sinh nhiều điều kiện hết sức khắt khe và bất cập. Chẳng hạn như về tiêu chuẩn histamine trong nước mắm…

Chuyên gia dinh dưỡng Vũ Thế Thành cho rằng, dự thảo TCVN 12607:2019 không thể đồng hóa cách sản xuất nước mắm công nghiệp vào việc sản xuất nước mắm truyền thống. “Tổng Cục đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) cần bỏ chỉ tiêu kim loại nặng trong sản xuất nước mắm vì hàm lượng này không đáng kể. Bởi một khi áp dụng chỉ tiêu này doanh nghiệp nước mắm truyền thống chắc chắn sẽ tốn thêm một khoản tiền không nhỏ để đi phân tích…” – ông Thành đề nghị.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, những quy định trong dự thảo TCVN 12607:2019 đưa ra quả thực rất bất lợi cho nước mắm truyền thống, mà chỉ có lợi cho các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp. Chính vì vậy cần những người soạn thảo phải đi thực tế tại các cơ sở sản xuất nước mắm, khảo sát lại ngành nghề này ở các vùng, miền có tính đặc thù riêng. Đồng thời, cần tổ chức thêm những cuộc hội thảo khoa học, lấy ý kiến của các nhà chuyên môn làm nước mắm truyền thống, cũng như những nhà nghiên cứu về lĩnh vực này để đưa ra một Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm sao cho thật chuẩn mực và sát với thực tế nhất.

Còn ông Trương Đình Hòe – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống đặt câu hỏi, bản Dự thảo Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm này là để dành cho ai, nhất là khi chúng ta đang đấu tranh rất nhiều trong việc bảo tồn nghề nước mắm truyền thống?

Các chuyên gia cho rằng, những năm trở lại đây, nước mắm công nghiệp đã chiếm thị phần lớn trên thị trường Việt Nam (chiếm khoảng 75%, tương tương khoảng 0,5 tỷ USD mỗi năm) và đang đẩy sản phẩm nước mắm truyền thống vào thế thua thiệt. Mặc dù nước mắm truyền thống đang dần tìm lại hướng đi, nhưng với những gì được nêu trong Dự thảo TCVN 12607:2019 khiến cho các nhà sản xuất nước mắm truyền thống cảm thấy thất vọng, vì nhiều ý kiến đóng góp của họ đã không được các nhà soạn thảo lắng nghe và đưa vào…

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bop-nghet-nuoc-mam-truyen-thong-post58024.html