Boracay: Khi 'thiên đường' đóng cửa

Sau quyết định đóng cửa được công bố hôm 4/4, hàng trăm khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành... đã phải hủy toàn bộ đặt phòng, vé bay, lễ cưới và các sự kiện khác tại Boracay.

Từ ngày 26/4 tới, Philippines sẽ chính thức đóng cửa hòn đảo Boracay -được biết tới là “thiên đường” nghỉ dưỡng nổi tiếng thế giới- trong thời gian 6 tháng, với lý do khắc phục các vấn đề liên quan đến nước thải và môi trường.

Thiên đường nghỉ dưỡng Boracay, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Thiên đường nghỉ dưỡng Boracay, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Đối với khoảng 30.000 người sinh sống trên đảo Boracay vốn phụ thuộc trực tiếp và gián tiếp vào hoạt động du lịch, quyết định trên đã “giáng” một đòn mạnh khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Tuy nhiên, giới chức Philippines cho rằng, dù biết rõ thiệt hại từ việc đóng cửa "thiên đường" du lịch Boracay, họ vẫn phải áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm khôi phục hệ sinh thái biển, trả lại cho hòn đảo này vẻ đẹp trong lành như ban đầu được thiên nhiên ưu ái ban tặng.
Có một Boracay đẹp tựa thiên đường dưới hạ giới
Ở một quốc gia được coi là “rốn” bão của khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Philippines –nơi những cơn bão dữ hình thành và càn quét với cấp độ mạnh nhất trước khi tràn vào Biển Đông, hòn đảo nhỏ Boracay là điểm đến yêu thích hàng đầu của du khách khi lựa chọn du lịch Philippines. Nói đến Philippines là nhắc đến Boracay!
Đảo Boracay thuộc tỉnh Aklan, với chiều dài khoảng 7 km, chiều ngang chưa đến 2 km, tổng diện tích của đảo chỉ hơn 10 km vuông. Nằm cách thủ đô Manila của Philippines hơn 300 km về phía Nam nên để đến đảo Boracay, du khách sẽ phải bay thêm một chặng nội địa khoảng một giờ từ Manila.
Được mệnh danh là Maldives của Philippines, Boracay sở hữu một trong 10 bãi biển đẹp nhất châu Á và nằm trong top 25 của thế giới do du khách bình chọn trên trang TripAdvisor. Bãi biển đó có tên White Beach. Boracay nổi tiếng bởi bãi cát dài trắng mịn và làn nước biển màu xanh ngọc trong veo đến tận đáy. Đến đây, du khách không tránh khỏi bị hớp hồn trước biển xanh, nắng vàng và những rặng dừa xanh yên ả. Du khách sẽ còn phải lòng Boracay vì đồ hải sản tuyệt ngon, giá cả phải chăng và người dân thân thiện.
Chiều xuống là lúc Boracay trở nên đẹp nhất. Cảnh hoàng hôn trên biển Boracay làm nức lòng du khách khi đến đây. Tối đến cảnh biển trở nên đỏ thẫm bóng mặt trời. Khoảng xế chiều là lúc hợp lý nhất để du khách đi thuyền buồm ra khơi ngắm mặt trời lặn.
Boracay là thành phố sống về đêm nên các hoạt động ban đêm diễn ra rất sôi nổi, từ các quán bar, massage, xăm hình, tết tóc đều được diễn ra trên bãi biển. Lúc dạo biển, bạn có thể bắt gặp rất nhiều lâu đài cát được đắp rất đẹp. Mỗi ngày họ sẽ xây một lâu đài cát mới kèm ngày tháng để du khách chụp hình kỉ niệm.
Thế nhưng, việc phát triển du lịch ồ ạt, quá tải du khách, xử lý nước thải thiếu quy trình và quy hoạch kém đang khiến Boracay trở nên ô nhiễm.
Boracay cần thời gian để làm sạch môi trường
Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Duterte cho rằng chính những khách sạn, nhà hàng và các doanh nghiệp khác trên Boracay đã làm môi trường của hòn đảo này bị ô nhiễm nghiêm trọng khi xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý xuống biển thông qua các hệ thống thoát nước hiện nay.
Trong quá trình cải tạo lại hòn đảo, Philippines sẽ phá bỏ các cơ sở xây dựng bất hợp pháp, mở rộng thêm đường để giải quyết ùn tắc giao thông, chuyển taxi 3 bánh thành xe điện và xây dựng nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng.
Bộ Môi trường Philippines cũng đã ra cảnh báo vi phạm đối với các doanh nghiệp xả thải ra biển. Trong quá trình cải tạo lại hòn đảo, Philippines sẽ phá bỏ các cơ sở xây dựng bất hợp pháp, mở rộng thêm đường để giải quyết ùn tắc giao thông, chuyển taxi 3 bánh thành xe điện và xây dựng nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng.
Thứ trưởng Bộ Môi trường Jonas Leones nhấn mạnh quá trình tái thiết Boracay có thể dài hơn 6 tháng và chi phí thực hiện vẫn chưa được xác định. Nhà chức trách cũng chưa hoàn tất kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng để có thể xử lý 90-115 tấn rác/năm trên đảo.
Tác động từ quyết định đóng cửa “thiên đường” Boracay
Sau quyết định đóng cửa được công bố hôm 4/4, hàng trăm khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành... đã phải hủy toàn bộ đặt phòng, vé bay, lễ cưới và các sự kiện khác tại Boracay. Hàng trăm nghìn lượt đặt khách sạn và các dịch vụ du lịch khác trước 2 năm cũng phải hủy, hoàn tiền hoặc đặt lại.

Khách du lịch tại thiên đường nghỉ dưỡng Boracay, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Thứ trưởng Môi trường Philippines Jonas Leones, quyết định đóng cửa hòn đảo nghỉ dưỡng này cũng đồng nghĩa với việc các dịch vụ hàng không và đường biển phải ngừng hoạt động.
Với khoảng 17.000 người lao động đang làm việc tại hơn 500 khách sạn, cùng với hơn 11.000 công nhân xây dựng đang làm việc tại các dự án mới ở Boracay, quyết định trên đã khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi cuộc sống của hàng nghìn người lao động tại đây sẽ đi về đâu khi hòn đảo thu hút khoảng 2 triệu lượt du khách mỗi năm này đóng cửa.
Những người làm việc tự do trên hòn đảo miền Trung Philippines này, gồm thợ massage trên bãi biển, người làm nghề xăm nghệ thuật, người xây lâu đài trên cát cho du khách chụp ảnh và người cho thuê thuyền buồm ra khơi ngắm cảnh và lặn ngắm san hô…, cũng bày tỏ sự lo lắng trước quyết định đóng cửa Boracay. Trả lời phỏng vấn báo giới, họ buồn bã khi mất đi nguồn thu nhập chính và chỉ còn trông chờ vào sự hỗ trợ của chính phủ.
Anh thợ cắt tóc Joralyn delos Reyes nói: “Tôi hy vọng ít nhất cũng nhận được sự trợ giúp để sống qua ngày vì tôi chẳng biết đi đâu về đâu. Đã lâu chúng tôi không còn làm nông nghiệp hay đánh bắt cá vì đất dành để xây khách sạn và đón khách du lịch nước ngoài”.
Chính phủ Philippines đang chuẩn bị 2 tỷ pesos (tương đương 38,4 triệu USD) để hỗ trợ lao động ở Boracay trong thời gian đảo thiên đường này đóng cửa. Thế nhưng Yolanda Casidsid, một phụ nữ làm nghề massage 20 năm nay trên đảo Boracay vẫn tỏ ra buồn phiền vì không có việc làm.
Trong số những người bi quan cũng có người lạc quan về tương lai của Boracay, như Neo Colubio, một người quản lý cho thuê tàu thuyền trên đảo. Theo ông, tạm đóng cửa Boracay sẽ giúp hồi phục thiên đường du lịch này và về lâu về dài, người dân địa phương sẽ được hưởng lợi từ một Boracay sạch đẹp.
Chính phủ dự định triển khai cảnh sát, quân đội, lập các trạm kiểm soát tại các cảng để ngăn khách du lịch tới hòn đảo miền Trung nước này. Trong thời gian phục hồi Boracay, người dân Philippines sẽ có vé đi lại. Các hãng hàng không nội địa cũng giảm bớt các chuyến bay đến hòn đảo này.
Ước tính mỗi năm Boracay thu hút tới 2 triệu lượt du khách và đóng góp tới 20% doanh thu cho ngành du lịch Philippines./.

Trang Nhung (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/boracay-khi-thien-duong-dong-cua/81889.html