BOT An Sương - An Lạc kéo dài thời hạn thu phí: Một tiền lệ không tốt

BOT An Sương – An Lạc (TPHCM) theo hợp đồng ban đầu là thu phí đến năm 2017. Tuy nhiên khi hết thời hạn thu, chủ đầu tư BOT này đã đầu tư thêm một số hạng mục và được thu thêm phí đến năm 2033. Đây là một tiền lệ không tốt và không nên khuyến khích nhân rộng vì có nguy cơ tạo sự không công bằng giữa người dân và chủ đầu tư BOT.

BOT An Sương - An Lạc được thu phí đến năm 2033, thay vì năm 2017 như ban đầu.

Đầu tư thêm hạng mục, được thu phí thêm 16 năm

Theo tìm hiểu của PV, Bộ GTVT cho phép IDICO đầu tư đoạn đường từ An Sương đến An Lạc với chiều dài 14km theo hình thức BOT. Sau khi đoạn đường này được nâng cấp mở rộng thì chủ đầu tư được phép thu phí từ ngày 2/1/2005 đến 31/1/2017 là kết thúc.

Vì thời hạn thu phí mà IDICO ký với Bộ GTVT đã hết từ tháng 1/2017, nhưng hiện tại trạm thu phí này vẫn tiếp tục thu nên các tài xế phản đối và cho rằng BOT An Sương – An Lạc thu phí quá hạn.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Ninh - Giám đốc IDICO cho PV biết, trước đây trạm thu phí An Sương - An Lạc có thời hạn thu phí đến năm 2017 như trong hợp đồng ký với Bộ GTVT.

Tuy nhiên, trước khi kết thúc thời hạn thu phí này, đơn vị tiếp tục đầu tư giai đoạn II các hạng mục như cầu vượt tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 10B, cầu vượt hương lộ 2 và cầu vượt ngã tư Gò Mây. Vì vậy, thời gian thu phí dự án được điều chỉnh tới năm 2033.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM thì cho rằng, đoạn đường từ An Sương đến An Lạc mặc dù có tên là Quốc lộ 1, nhưng thực chất là là đường đô thị, nên Bộ GTVT đã bàn giao hợp đồng BOT An Sương – An Lạc cho UBND TPHCM.

Sau khi nhận bàn giao hợp đồng, vì thành phố muốn hoàn chỉnh các công trình trên đoạn đường này nên đã ký thêm các hạng mục với IDICO tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Vì IDICO đầu tư thêm 2.000 tỉ, nên thời gian thu phí tại trạm An Sương - An Lạc được kéo dài đến năm 2033 theo hợp đồng ký với UBND TPHCM.

BOT An Sương - An Lạc đầu tư thêm một số hạng mục nên được thu phí đến năm 2033 thay vì năm 2017 như ban đầu.

Một tiền lệ không nên khuyến khích nhân rộng

Sáng 5/12, trao đổi với PV, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch cho rằng, khi nhận bàn giao hợp đồng với Bộ GTVT, UBND TPHCM nên thực hiện đúng hợp đồng đã bàn giao.

Sau đó, nếu thấy cần phải đầu tư thêm các hạng mục khác, chính quyền thành phố có thể làm một hợp đồng mới với thời hạn thu phí mới.

"Trạm thu phí mới nên đặt tại các hạng mục được đầu tư thêm theo nguyên tắc đầu tư ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó. Không nhất thiết phải để nguyên trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc cũ để thu phí các hạng mục mới”- ông Sơn nói.

Ông Sơn phân tích, dự án BOT An Sương - An Lạc nên tách ra làm 2 dự án khách nhau. Dự án BOT An Sương - An Lạc do Bộ GTVT quyết định đầu tư và dự án đầu tư thêm các hạng mục khác do UBND TPHCM quyết định.

"Khi làm một dự án mới thì thủ tục đấu thầu, quy trình đầu tư cũng hoàn toàn mới, không phụ thuộc vào dự án cũ. Chủ đầu tư dự án này có thể là một công ty khác trúng thầu, không nhất thiết phải là công ty IDICO đầu tư đoạn An Sương - An Lạc trước đây" - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, BOT An Sương – An Lạc khi hết thời hạn thu phí, sau đó đầu tư thêm dự án để kéo dài thời hạn thu phí là một tiền lệ không tốt và không nên nhân rộng mô hình này.

"Nếu tất cả những dự án BOT giao thông hiện nay, khi hết thời hạn, chủ đầu tư tìm cách đầu tư thêm một số hạng mục khác để được tiếp tục thu phí lâu dài thì sẽ khó thuyết phục được sự đồng thuận của người dân" - ông Sơn nói.

Theo Báo Lao Động

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/bot-an-suong-an-lac-keo-dai-thoi-han-thu-phi-mot-tien-le-khong-tot-3483274.html