Bột giấy Phương Nam bị kiện đòi nợ: Không dễ

Nghiên cứu thị trường không kỹ; chi phí đầu tư quá lớn; mua sai thiết bị là nguyên nhân khiến Vinapaco bán không được, trả nợ không xong.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, việc Ngân hàng PVcomBank đã khởi kiện Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), buộc công ty này phải trả tổng số tiền là 592,3 tỷ đồng là hậu quả của một thời kỳ "ngây thơ" về tài chính của các ngân hàng.

Nhà máy Bột giấy Phương Nam bán không ai mua

Nhà máy Bột giấy Phương Nam bán không ai mua

Vị chuyên gia phân tích, việc giải quyết nợ nần sẽ căn cứ trên các điều khoản quy định trong hợp đồng tín dụng, khi phía ngân hàng đòi nợ không được thì đưa ra tòa, yêu cầu bên vay nợ phải bồi thường.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận vụ việc theo hai hướng, một là quy trình thực hiện việc cho vay đã được phía ngân hàng thực hiện như thế nào, có đúng quy định không? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Hai là, các điều khoản hợp đồng tín dụng giữa hai bên cam kết thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm trả nợ và trả nợ theo hình thức nào?.

Như vậy, động thái của PVcomBank có thể hiểu vụ việc sẽ được tách ra theo hai hướng, một mặt sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của các bên liên quan. Mặt khác, sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề nợ nần của dự án với ngân hàng.

Về trách nhiệm trong vụ việc này, TS Đinh Thế Hiển nói ngay cả phía ngân hàng và doanh nghiệp đều có vấn đề. Về phía ngân hàng đã thực hiện quy trình thẩm định lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng đã có dấu hiệu dễ dãi trong việc đưa tiền ra, vì lẽ này mới có chuyện hàng nghìn tỉ được đưa vào "không khí" một cách dễ dàng như vậy.

"Một dự án đầu tư bao giờ cũng phải được thẩm định, đánh giá rất kỹ các vấn đề liên quan tới nghiên cứu thị trường, chi phí đầu tư, hiệu quả hoạt động...

Nhìn vào diễn biến của dự án này, sẽ thấy những vấn đề dự án đang gặp là do nghiên cứu thị trường không kỹ; chi phí đầu tư quá lớn; thiết bị vừa bị nâng khống vừa bị mua sai.

Tức là vấn đề vướng mắc lớn nhất của dự án này hiện nay là các khoản đầu tư đang nằm ở việc mua sắm thiết bị.

Nâng khống giá thành máy móc, thiết bị chỉ có thể khiến nhà đầu tư chịu thua lỗ nhưng nếu mua sai thiết bị sẽ dẫn tới hậu quả dự án không thể vận hành được, không có khả năng trả nợ. Việc này cũng giống như ụ nổi của VinaShin, nhà máy Gang thép Thái Nguyên không thể vận hành, bán sắt vụn cũng khó vì chi phí tháo dỡ thậm chí còn đắt hơn giá trị thu về.

Vì lý do này, công ty cũng đã rao bán 3 lần nhưng không ai mua, không có tiền trả nợ, dẫn tới những tranh chấp trong nợ nần, buộc ngân hàng phải đưa ra tòa để đòi nợ.

Nếu ngay từ các khâu thẩm định, giải ngân đều được làm chặt chẽ sẽ không có chuyện hàng nghìn tỉ đổ vào một dự án không có tương lai, không có khả năng hoạt động, sản xuất khiến ngân hàng thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Để ngân hàng rơi vào tình trạng mất trắng vốn hàng trăm tỉ đồng là do sự yếu kém về năng lực và có tiêu cực trong quá trình thẩm định, giải ngân của phía ngân hàng, việc này phải làm rõ và xử lý thật nghiêm", TS Đinh Thế Hiển nêu.

Còn về phía doanh nghiệp, là do sự yếu kém trong dự báo thị trường, yếu kém trong điều hành, quản lý. Thậm chí có dấu hiệu tiêu cực, vẽ dự án để xin tiền. Do đó, việc này theo ông Hiển cũng cần phải làm rõ và phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

"Về phía ngân hàng, những sai sót, yếu kém trong thực hiện giải ngân hợp đồng tín dụng là rất nghiêm trọng, PVcombank phải chịu trách nhiệm về việc này.

Nhưng nếu trong trường hợp ngân hàng chứng minh được doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích, cung cấp thông tin, chứng từ sai, cố tình làm sai của doanh nghiệp thì vẫn có thể khởi kiện, buộc Nhà máy giấy Phương Nam phải chịu trách nhiệm và bồi thường.

Việc cần làm hiện nay là làm rõ sai phạm cũng như xử lý nghiêm những người có liên quan tới sai phạm trên", TS Đinh Thế Hiển nói.

Bột giấy Phương Nam: Bán không ai mua, bị kiện đòi nợ

Ai chịu trách nhiệm trả nợ?

Về việc làm thế nào để Nhà máy Bột giấy Phương Nam có tiền trả nợ thì theo TS Đinh Thế Hiển nếu dựa trên tài sản cũng như năng lực vận hành của nhà máy gần như là điều không tưởng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia đề cập tới quỹ đất mà doanh nghiệp này đang sở hữu và cho rằng đây là khối tài sản khổng lồ, vì thế, nếu không làm rõ thì nguy cơ nhà nước sẽ lại mất thêm nguồn lực lớn từ quỹ đất này.

Vị chuyên gia cho biết, trước đây, các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ luôn có tâm lý ỉ lại, dựa vào nhà nước, nợ của doanh nghiệp cũng là nợ của nhà nước và nợ nần của doanh nghiệp nhà nước, nhà nước phải trả. Vì lẽ này, khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không có tiền trả nợ thì một số doanh nghiệp đã tìm cách bán đất đi trả nợ.

Trong vụ việc này nếu nhìn vào tiềm năng trả nợ của Bột giấy Phương Nam cũng chỉ nhìn thấy nguồn duy nhất là từ đất đai. Vì thế, cần phải xem xét lại hợp đồng thế chấp ngân hàng của doanh nghiệp có thế chấp quỹ đất doanh nghiệp này đang sử dụng hay không, nếu không, doanh nghiệp không được phép bán, ngân hàng cũng không được kê biên.

Ngược lại, nếu doanh nghiệp đã mang thế chấp quỹ đất trên tại ngân hàng thì cần phải xem xét lại toàn bộ quy trình cũng như tính pháp lý của vụ việc để giải quyết, không để lặp lại tình trạng doanh nghiệp cứ vô tư làm sai, nợ nần nhà nước gánh.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bot-giay-phuong-nam-bi-kien-doi-no-khong-de-3403297/