BOT là sản phẩm của nhiệm kỳ trước: Sao thế nhỉ?

Một văn bản pháp quy hay một cơ quan quản lý Nhà nước mà lại không hiểu về tiếng Việt, về ngữ vựng sẽ gây hiểu lầm.

Trước phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về việc "BOT là sản phẩm của giai đoạn trước, nhiệm kỳ trước" tại phiên họp tổ Quốc hội ngày 22/5, chuyên gia giao thông - TS Phạm Sanh cho rằng, phát biểu của Bộ trưởng thiếu rõ ràng và có thể gây ngộ nhận.

"Các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị đều có tính lịch sử, cả BOT cũng vậy. Tuy nhiên, phát biểu như thế là không rõ ràng, từ đó có thể khiến người ta ngộ nhận. Nhiệm kỳ trước thì Bộ trưởng cũng tham gia với tư cách là Thứ trưởng"- TS Phạm Sanh phân tích.

Bên cạnh đó, chuyên gia Phạm Sanh cũng bày tỏ quan điểm trước việc trạm thu phí đồng loạt đổi thành trạm thu giá.

Trước đó, trao đổi trên báo chí, ông Phạm Huy Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT cho biết, việc chuyển đổi tên gọi phí sử dụng đường bộ sang giá dịch vụ sử dụng đường bộ là theo quy định của Luật phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Trạm thu giá BOT An Sương - An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM). Ảnh: Tuổi trẻ

Theo TS Phạm Sanh, Bộ GTVT phải xem lại vấn đề này bởi xét về mặt ngôn ngữ học hay tính trong sáng của tiếng Việt, Bộ GTVT đã không đúng và chắc chắn nó sẽ vấp phải phản ứng của các nhà ngôn ngữ học khi Bộ không hiểu thế nào là phí, thế nào là giá.

"Phí chẳng qua là một mức giá, người ta trả để lấy quyền hoặc để được hưởng một dịch vụ nào đó. Như vậy, thông thường trên thế giới, phí vẫn được sử dụng cho các dịch vụ, còn giá thì được sử dụng cho sản phẩm, sản xuất.

Ví dụ, người ta nói viện phí chứ không ai nói là viện giá; giá thuốc chứ không nói phí thuốc, học phí chứ không nói học giá. Nhưng người ta nói giá một cây bút hay giá một cuốn vở. Phải hiểu định nghĩa giá, phí là thế nào.

Dễ hiểu nhất, đó là giá thì người ta có thể giữ lại được. Ví dụ, giá một ly cà phê, người ta có thể đem ly cà phê về nhà uống hay mua ly cà phê cho bạn uống. Còn phí không được như thế, phí không có lưu kho, lưu bãi.

Như vậy, sự khác nhau giữa phí và giá rất rõ. Khi làm BOT thì sử dụng luật giá, còn trạm BOT đặt là trạm giá là sai. Thế giới đều gọi là trạm thu phí, không ai gọi là trạm thu giá, còn về mặt luật thì sử dụng luật giá.

Bộ GTVT đã nhầm lẫn! Bộ sử dụng luật giá, các nghị định của luật giá nhưng phải gọi là trạm thu phí, không gọi là trạm thu giá vì nó tối nghĩa và làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Một văn bản pháp quy hay một cơ quan quản lý Nhà nước mà lại không hiểu về tiếng Việt, về ngữ vựng sẽ gây hiểu lầm.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng giải thích trật khi cho rằng cái gì tư nhân làm thì gọi là giá, còn cái gì Nhà nước làm thì gọi là phí.

BOT cũng có thể là PPP, đó cũng là dịch vụ công được Nhà nước nhượng quyền một thời gian và người dân khi đi trên đường là hưởng dịch vụ công. Không có khái niệm đường sá là dịch vụ tư.

PPP vừa là nhà nước vừa là tư nhân. Dù là BOT thì Nhà nước cũng ký hợp đồng chuyển nhượng và Nhà nước đứng ra giám sát, con đường ấy không phải của tư nhân.

Tôi nhấn mạnh, phải sửa ngay cái này, vẫn để là trạm thu phí nhưng căn cứ áp dụng để tính toán phương án tài chính là căn cứ theo luật giá", TS Phạm Sanh phân tích.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bot-la-san-pham-cua-nhiem-ky-truoc-sao-the-nhi-3358682/