BQ - triển vọng trở thành giống lúa chủ lực

Vụ xuân 2018, giống lúa BQ tiếp tục khẳng định nhiều tính năng ưu việt của mình trên các vùng sinh thái, 'ghi tên' vào nhóm giống tiềm lực cho bộ cơ cấu chủ lực của Hà Tĩnh…

Giống lúa BQ được Sở NN&PTNT đánh giá có tiềm năng trở thành giống lúa chủ lực của tỉnh

Sản xuất lúa từ bao năm nay, chưa bao giờ bà Hoàng Thị Dũng, thôn Đồng Vịnh, Đức Long (Đức Thọ) cảm thấy hài lòng như sản xuất giống lúa BQ. Vụ xuân 2018, ruộng của bà nằm trong khu vực được chọn sản xuất thử giống lúa BQ do Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh thực hiện. Dù là năm đầu tiên, bà vẫn quyết định canh tác 7,5 sào giống lúa mới này. Bà Dũng cho biết: “Từ mấy năm trước tôi đã biết giống lúa BQ cho năng suất cao và thành công ở nhiều địa phương. Vì thế, tôi gieo cấy loại giống này trên 1/3 diện tích của gia đình. Không ngờ năng suất vượt trội, tính ra bình quân phải gần 3,5 tạ/sào”.

Lúa BQ cho năng suất đạt gần 5 tạ/sào tại xã Đức Long, Đức Thọ

Ngay tại chân ruộng, xe của Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh chờ sẵn, thu mua lúa tươi với giá cao càng làm người nông dân thêm phấn khởi. Anh Hoàng Đại Cát (thôn Đồng Vịnh) cho hay: “Năng suất mỗi sào giống lúa BQ cao hơn nhiều các giống khác. Chưa có giống lúa thuần nào có năng suất cao như vậy. Điều phấn khởi là, chỉ phun thuốc phòng đạo ôn một lần giúp giống BQ thoát hoàn toàn loại dịch bệnh nguy hiểm này”.

Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh thu mua lúa tươi tại chân ruộng, mở ra hướng sản xuất liên kết bền vững.

Vài ngày nữa, cánh đồng BQ rộng 5,5 ha ở thôn 1, Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) bước vào thu hoạch. Đây là một trong 22 điểm sản xuất thử mà Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh thực hiện trong vụ xuân 2018. Ông Nguyễn Hữu Thắng - Thôn trưởng thôn 1 cho biết: “Lúa sinh trưởng khỏe, thoát được sâu bệnh, vì thế mà giá thành sản xuất thấp hơn các giống khác. Chắc chắn, năng suất lúa BQ đạt trên 3,5 tạ/sào. Ít ngày nữa, sau thu hoạch, bà con quyết định tiếp tục liên kết với công ty sản xuất giống BQ ở vụ hè thu này” - ông Thắng phấn khởi.

Với chủ đích thử nghiệm độ thích ứng của giống trên các vùng sinh thái, sau khi được Bộ NN&PTNT công nhận đưa vào sản xuất thử, giống lúa BQ được mở rộng diện tích khảo nghiệm đến gần 200 ha trên toàn tỉnh. Từ đồng bằng đến miền núi, miền biển và cả những nơi khó khăn nhất về điều kiện như ở bản Rào Tre, Hương Liên (Hương Khê), BQ cũng đã vươn tới.

BQ về trên đồng ruộng của đồng bào dân tộc Chứt

Nghĩ lại những khó khăn ngày đầu nhận giống, ông Hồ Phượng đứng trên cánh đồng của mình vẫn không thể ngờ rằng ngày được thu hoạch, những bông lúa trĩu hạt. “Năm nay thắng lợi lớn. Được doanh nghiệp hỗ trợ giống, cùng với chính quyền hướng dẫn cách làm, nên dân bản chúng tôi đã biết kỹ thuật canh tác. Trước đây năm nào cũng lo đói, bây giờ có thể sản xuất được lúa để ăn rồi. Dân bản mừng lắm!”.

Năm thứ 3 trên đồng đất Hà Tĩnh, BQ do Viện nghiên cứu hợp tác KHKT Châu Á Thái Bình Dương lai tạo đã thực sự “cắm rễ” trong lòng người nông dân về một giống lúa cho năng suất tốt, chống chịu nhiều loại sâu bệnh mẫn cảm của địa bàn Hà Tĩnh và triển vọng trở thành giống chủ lực của tỉnh.

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/bq-trien-vong-tro-thanh-giong-lua-chu-luc/155226.htm