BQL các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Những năm qua, BQL các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều bước tiến quan trọng, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh. Nhiệm vụ trọng tâm hơn cả là phát triển kinh tế, đi đôi với bảo vệ môi trường đã được thực hiện nghiêm túc, đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững của tỉnh.

Phát triển kinh tế bền vững.

Năm 2018 được xem là một năm với nhiều bước ngoặt lớn cho nền kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung, BQL các khu công nghiệp đã đạt được những kết quả lớn trong quá trình quản lý cũng như xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội. Những năm qua, công tác thu hút đầu tư vào các KCN được đẩy mạnh, nhiều nhà đầu tư nước ngoài là các tập đoàn lớn đã quan tâm đến môi trường đầu tư của tỉnh, ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư thông qua việc tiếp xúc, trao đổi, tìm hiểu môi trường đầu tư.

KCN Bình Xuyên, một trong các KCN lớn, hiện đại của tỉnh Vĩnh Phúc đã đi vào hoạt động rất hiệu quả nhiều năm nay.

Xây dựng được các ấn phẩm, tài liệu phục vụ hoạt động XTĐT, tích cực học tập, mở rộng kiến thức cho cán bộ. Tổ chức đưa các NĐT, DN tham quan thực địa, hạ tầng một số KCN của tỉnh để tìm địa điểm đầu tư phù hợp. Cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện cơ chế một cửa để tổ chức, DN dễ tiếp cận, nghiên cứu.

Năm 2018, BQL các KCN của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng: Thu hút đầu tư các DA DDI là 684,21 tỷ đồng, tăng 21% vốn đầu tư so với năm 2107, đạt 46% số vốn đăng ký so với kế hoạch; các DA FDI có tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 388,64 triệu USD, bằng 144% so với kế hoạch. Tốc độ giải ngân của các DA ổn định, đúng tiến độ đăng ký. Doanh thu đạt 4.040,65 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ 2017, giá trị kim ngạch XK 3.102,36 triệu USD, nộp NSNN 2.661,98 tỷ đồng. Tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.744 người.

Bên cạnh việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế, BQL các KCN tỉnh đã làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Làm tốt công tác tham mưu, bảo vệ môi trường, đạt được nhiều thành tựu trong năm.

Phối hợp với Đoàn Thanh tra của Bộ Công an thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC tại Trụ sở của Ban và thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC tại các KCN, theo Kế hoạch số 36/KH-ĐTT ngày 7.3.2018 của Bộ công an và đã có biên bản ghi nhận kết quả thanh tra ngày 3.4.2018.

Chú trọng công tác bảo vệ môi trường

Phối cảnh KCN Chấn Hưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), đây là KCN mới đang trong quá trình lấp đầy.

Bên cạnh công tác chuyên môn, công tác BVMT luôn được BQL các KCN Vĩnh Phúc chú trọng. Cụ thể, Ban đã giao cho Phòng Quản lý Tài nguyên Môi trường phối hợp với Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh về việc Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT trong các KCN, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Tham mưu một số văn bản về quản lý tài nguyên và môi trường để trả lời cử tri và trả lời chất vấn về lĩnh vực bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp tại kỳ họp giữa năm 2018 của HĐND tỉnh.

Giải quyết việc dừng cung cấp dịch vụ xử lý nước thải của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Khai Quang. Phối hợp cùng Phòng Thanh tra, kiểm tra về công tác BVMT đối với 25 Doanh nghiệp trong các KCN Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc Xả nước thải của các công ty trên địa bàn.

Ngoài ra, Phòng đã tham mưu đề xuất với Lãnh đạo Ban và có văn bản tham gia ý kiến về việc lấy ý kiến dự thảo quy định quản lý hoạt động thoát nước, xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo văn bản số 904/SXD&HTKT, ngày 4.4.2018 của Sở Xây dựng.

Tham dự Hội nghị đối thoại trực tiếp việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức về môi trường trong Khu công nghiệp. Tham gia đóng góp ý kiến về việc chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo phiếu lấy ý kiến Phòng Cảnh sát môi trường.

Trong tháng 12 năm 2018, Phòng Quản lý Tài nguyên Môi trường cũng đã tham mưu trình Lãnh đạo Ban xác nhận Kế hoạch BVMT cho 04 dự án bao gồm: Dự án Dây truyền gia công sơn tĩnh điện (KCN Bình Xuyên), Dự án nhà máy Kwang Seong Pungryuk Vina (KCN Bình Xuyên), Dự án sản xuất và lắp ráp đèn Led (KCN Bình Xuyên), Dự án nhà máy Simon Tech (KCN Bình Xuyên II).

Từ chối các DN có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao

Những chính sách và chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh cũng rất rõ ràng, tỉnh sẵn sàng từ chối các dự án không nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp và các dự án có nguy cơ rủi ro cao, mặc dù triển vọng nguồn thu ngân sách từ các dự án không phải là nhỏ. Những việc làm trên đã minh chứng rõ ràng nhất, cho quyết tâm của hệ thống chính trị của tỉnh về việc phát triển kinh tế bền vững, đi liền với bảo vệ môi trường.

KCN Bá Thiện 2 (Bình Xuyên – Vĩnh Phúc) là nơi đã và đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn.

Mới đây tỉnh đã có văn bản lần thứ 4 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp nhận Dự án dệt - nhuộm có tổng vốn đầu tư 350 triệu USD của Tập đoàn TAL (Hồng Kông, Trung Quốc) đặt tại Khu công nghiệp Bá Thiện, do lo ngại nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ Dự án, mặc dù trước đó tỉnh đã chấp thuận cho Tập đoàn TAL đầu tư dự án may mặc tại khu công nghiệp này, với sản lượng hàng triệu quần, áo xuất khẩu mỗi năm và tạo việc làm hơn 2.200 lao động.

Tuy nhiên, vì lo lắng về sự phát triển bền vững cũng như những tác động môi trường, đáp ứng chính sách và chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh đã rất rõ ràng, tỉnh sẵn sàng từ chối các dự án không nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp và các dự án có nguy cơ rủi ro cao, mặc dù triển vọng nguồn thu ngân sách từ các dự án không phải là nhỏ.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, trong quá trình thực hiện, BQL các KCN còn gặp những khó khăn như: Chưa được ủy quyền về thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 của Chính Phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường và Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29.5.2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, nên trong công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập, thiếu tính đồng bộ, không tập trung vào một đầu mối.

UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc chưa phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho Ban quản lý các KCN để thực hiện nhiệm vụ trong công tác bảo vệ môi trường.

Chính vì vậy, để làm tốt nhiệm vụ, ban đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các DN thứ cấp, chủ đầu tư hạ tầng KCN. Giám sát chặt chẽ, việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn, khí thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động, vận hành ổn định và ký hợp đồng xử lý nước thải sản xuất với các doanh nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức, bộ máy làm công tác bảo vệ môi trường trong KCN.

Việt Tùng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/doanh-nghiep/bql-cac-khu-cong-nghiep-tinh-vinh-phuc-phat-trien-kinh-te-gan-voi-bao-ve-moi-truong-962158.html