BQL rừng phòng hộ Kiến Vàng làm tốt công tác trồng và bảo vệ rừng

Những năm gần đây, Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng (BQLRPH Kiến Vàng – có trụ sở tại ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đã làm tốt vai trò quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương.

Trái đước mới trồng mọc lởm chởm trong vuông tôm

Theo đó, BQLRPH Kiến Vàng hiện quản lý khoảng 5.200 ha, đơn vị có 13 tiểu khu. Trong đó, hiện đã được ghép thành 2 tiểu khu và 6 liên tiểu khu. Trung bình, mỗi tiểu khu quản lý khoảng 400 ha đất rừng, liên tiểu khu quản lý khoảng 800 – 1.000 ha (tùy theo địa bàn mà đơn vị giao cho các tiểu khu, liên tiểu khu).

“Đối với những tiểu khu nằm gần khu vực dễ quản lý thì chúng tôi phân công giao cho quản lý nhiều hơn. Riêng những nơi, có địa bàn phức tạp, điểm nóng, thường xuyên xảy ra nạn chặt phá cây rừng thì chúng tôi giao cho các đơn vị này ít hơn để thuận tiện trong công tác tuần tra, kiểm soát”, ông Huỳnh Văn Xê, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng cho biết.

Nhờ có cách phân công, giao việc cho từng tiểu khu, liên tiểu khu một cách hợp lý. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về vai trò của rừng, cũng như những tác hại do việc chặt phá cây rừng cho người dân địa phương nắm bắt. Song song đó, đơn vị thường xuyên tạo việc làm cho người dân ở địa phương, nên trong những năm gần đây, BQLRPH Kiến Vàng đã đẩy lùi được nạn chặt phá cây rừng.

Ông Lê Vũ Phong, Tiểu khu trưởng (liên tiểu khu 168 – 171) cho biết: Trong những năm gần đây, chúng tôi đã đến từng hộ dân để vận động tuyên truyền việc trồng và bảo vệ rừng, để giúp cho người dân địa phương nâng cao nhận thức. Vì vậy, hầu hết các hộ dân địa phương đã ý thức được giá trị của rừng mang lại nên họ rất nhiệt tình trong công tác trồng rừng và bảo vệ rừng”.

Theo ông Phong, nhờ nhận thức theo hướng tích cực nên người dân địa phương đã chủ động trong việc thành quả lao động của mình. “Nhờ ý thức tốt như vậy, nên những năm gần đây, nạn chặt phát cây rừng đã giảm đáng kể, chiếm trên 95%”, ông Phong đánh giá.

Việc san lắp, cây giống, công trồng rừng đều được nhà nước hỗ trợ 100%

Được biết, tùy theo lập địa của từng nơi, mà thời gian khai thác cây rừng có thể ngắn lại, hoặc dài ra, nhưng trung bình khoảng 15 – 17 năm là rừng đến tuổi khai thác. “Nếu đất tốt, màu mở thì cây trồng lớn nhanh và ngược lại. Tuy nhiên, để cây đước đạt chất lượng tốt nhất thì phải có độ tuổi từ 15 năm trở lên”, ông Phong nói và cho biết thêm, việc trồng rừng chủ yếu lấy ngắn, nuôi dài, không hao tốn công chăm sóc, mà chỉ cần quản lý tốt thì đến khi thu hoạch, khai thác sẽ mang lại giá trị kinh tế cao.

Từ việc, cây rừng mang giá trị kinh tế cao. Cùng với sự hỗ trợ 100% của nhà nước về việc ban bờ, cải tạo đất rừng, cây giống, công trồng…nên hiện nay dân rất nhiệt tình trong công tác trồng và bảo vệ rừng.

Ông Tô Trí Dũng, ngụ ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, cho biết: “Bản thân tôi đã thực hiện trồng rừng trên phần đất nuôi tôm của gia đình khoảng 3 ha. Đúng theo chủ trương của nhà nước và đảm bảo độ che phủ của rừng. Vì vậy, ngoài việc cây rừng phát triển tốt, thì việc nuôi tôm dưới tán rừng của tôi cũng mang lại hiệu quả không kém”.

Theo ông Huỳnh Văn Xê, Trưởng BQLPH Kiến Vàng, năm 2018 UBND tỉnh Cà Mau đã giao cho đơn vị trồng 20 ha rừng theo chủ trương ứng phó với biến đổi khí hậu (trồng mới) và khoảng 120 ha (trồng rừng sau khai thác).

Ông Xê cho rằng, công tác bảo vệ rừng luôn được đơn vị chủ động phân công lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên toàn lâm phần. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị như, Hạt kiểm lâm Ngọc Hiển, Đồn Biên phòng Rạch Gốc, Công an xã Tân Ân…tiến hành tuần tra, kiểm soát định kỳ và đột xuất theo kế hoạch đã vạch ra.

“Tình trạng chặt phá cây rừng hiện nay rất hạn chế. Đa phần là hoàn cảnh khó khăn, không công ăn việc làm, hộ nghèo”, ông Xê nói và cho biết thêm, có được thành công đó là nhờ sự quan tâm thường xuyên của các cấp lãnh đạo, từ tỉnh đến huyện, cho công tác trồng rừng và bảo vệ rừng.

Phân loại trái đước giống trước khi trồng

Theo nhận định của ông Xê, trước những vấn đề về biến đổi khí hậu, tình hính xâm thực, xói lở bờ biển diễn biến phức tạp nên các hộ được đơn vị giao khoán đất rừng, đã có ý thức rất tốt trong công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng. Tình trạng chặt phá cây rừng cũng không còn, có chăng, chỉ vài vụ nhỏ lẻ, không thường xuyên. Chủ yếu là những cây, đổ ngã tại các khu vực ven biển vì xói lở.

Tình hình xâm thực, xói lở bờ biển xuất hiện khi trời chở gió chướng. Khi đó, tuyến rừng phòng hộ ven biển bị sóng biển đánh trực diện, đã gây ra tình trạng xói lở, xâm thực rất nghiêm trọng. Theo ông Xê, mỗi năm xói lở khoảng 20m bờ biển. Trước vấn đề xói lở đặc biệt nghiêm trọng như hiện nay, với đơn vị này sẽ cố gắng giữ rừng cho tốt.

“Việc xây kè, đơn vị cũng đã đề xuất cho cấp trên. Tuy nhiên, nguồn vốn hiện rất lớn, nên chưa thể triển khai xây dựng được”, ông Xê cho biết thêm.

Ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch UBND xã Tân Ân, đánh giá, “BQLRPH Kiến Vàng là điểm sáng trong công tác trồng và bảo vệ rừng. Những năm qua, đơn vị này thường xuyên quan tâm, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Rừng đước tại BQLRPH Kiến Vàng hiện phát triển rất xanh tốt

“Nhờ sự quan tâm đó, dần dân, tình trạng chặt phá cây rừng giảm đáng kể. Hiện nay, theo thống kê của đơn vị, ý thức của người dân rất tốt, tình trạng chặt phá cây rừng hầu như là không còn, lâu lâu chỉ xảy ra một vài vụ nhỏ lẻ”, ông Nam thông tin thêm.

TRẦN DUY

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bql-rung-phong-ho-kien-vang-lam-tot-cong-tac-trong-va-bao-ve-rung-post228078.html