Brazil tiếp tục vượt Ấn Độ về số ca mắc mới và tử vong do Covid-19

Theo số liệu của Worldometers, tính đến 7 giờ ngày 17-6, trong 24 giờ qua, Brazil là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc mới và tử vong do Covid-19 nhất trên thế giới, với 85.861 ca mắc và 2.673 ca tử vong. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Brazil vượt Ấn Độ về hai số liệu này.

Brazil có số ca mắc Covid-19 cao thứ ba thế giới. (Ảnh: Getty Images)

Brazil có số ca mắc Covid-19 cao thứ ba thế giới. (Ảnh: Getty Images)

Ấn Độ xếp thứ hai với 67.294 ca mắc mới và 1.411 ca tử vong. Trong khi đó, Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, có thêm 12.876 ca mắc mới và 418 ca tử vong.

Đây là ngày thứ 10 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới dưới 100.000 trường hợp trên khắp đất nước. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được cải thiện, chính quyền thủ đô New Delhi đã cho phép tất cả các cửa hàng và nhà hàng được phép mở cửa nhưng chỉ hoạt động với 50% công suất. Các trường học, cao đẳng, cơ sở giáo dục khác, hồ bơi và phòng tập thể dục vẫn tiếp tục đóng cửa. Đền Taj Mahal - biểu tượng của ngành du lịch Ấn Độ, đã mở cửa đón khách trở lại.

Tại Đông Nam Á, Lào cho biết sẽ cấp chứng nhận tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 bằng tiếng Anh cho người có ý định xuất cảnh, nhưng khuyến cáo quy định về “hộ chiếu vaccine” ở mỗi quốc gia là không giống nhau. Lào đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng và coi đây là chìa khóa để có thể đẩy lùi dịch bệnh.

Đợt tiêm chủng mới nhất được bắt đầu từ ngày 15-6, sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech và Sinopharm. Mũi thứ hai sẽ được tiêm sau 21-28 ngày. Vaccine Pfizer/BioNTech sẽ được tiêm cho 50.300 người từ 60 tuổi trở lên và những người có bệnh lý nền. Các nhóm ưu tiên khác gồm quan chức chính phủ, nhân viên y tế, những người làm việc ở khu vực biên giới và những người thường xuyên qua lại biên giới.

Tại Campuchia, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng ở mức ba chữ số mỗi ngày. Chính phủ Campuchia lên kế hoạch tiêm phòng Covid-19 cho hơn 1,2 triệu người thuộc năm tỉnh là Preah Sihanouk, Kampong Speu, Takeo, Kampong Cham và Svay Rieng, sau khi hoàn thành chiến dịch tiêm phòng ở Phnom Penh và Kandal. Đến nay, Campuchia đã tiêm phòng cho hơn ba triệu người.

Thái Lan đặt mục tiêu mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại trong vòng 120 ngày tới sau một năm áp dụng các biện pháp hạn chế du lịch để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha khẳng định hiện Thái Lan đã bảo đảm đủ 105,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm nay và sẽ tiếp tục tìm thêm các nguồn cung vaccine mới cho năm tới.

Indonesia ghi nhận thêm 9.944 ca mắc Covid-19 trong ngày 16-6, mức cao nhất kể từ ngày 22-2, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 1,9 triệu. Chính quyền thủ đô Jakarta đã quyết định gia hạn áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ đến ngày 28-6 tới, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng vọt sau kỳ nghỉ lễ Eid el-Fitr hồi tháng 5 vừa qua.

Tại châu Âu, các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã nhất trí dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại đối với hành khách đến từ tám quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ.

Ngày 16-6, Bồ Đào Nha bắt đầu cấp chứng chỉ xanh kỹ thuật số về Covid-19 của châu Âu, cho phép người sở hữu được đi lại tự do giữa các nước thành viên EU cũng như các nước Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.

Theo giới chức Bồ Đào Nha, chứng chỉ này sẽ được cấp cho những người đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, người phục hồi sau khi mắc Covid-19 và người có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2.

Thủ tục đăng ký cấp phát chứng chỉ có thể được thực hiện trực tuyến miễn phí với công dân Bồ Đào Nha. Chứng chỉ này tồn tại dưới dạng ứng dụng điện thoại thông minh chung của các nước EU.

Trong chuyến thăm tới Bồ Đào Nha cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen là người đầu tiên công khai thử nghiệm hệ thống này. Bà cho biết: "Tôi sẽ bắt đầu công du 27 nước thành viên trong khuôn khổ kế hoạch phục hồi của EU. Tôi rất háo hức muốn thử xem chứng chỉ này sẽ hoạt động như thế nào". Theo bà, hệ thống chứng chỉ xanh kỹ thuật số về Covid-19 của châu Âu hiện đang được triển khai sử dụng tại 15 nước thành viên.

Theo các quy định của EU, chứng chỉ xanh kỹ thuật số về Covid-19 của châu Âu không phải là một giấy thông hành. Mục đích của chứng chỉ này là làm bằng chứng về tiêm chủng hoặc sàng lọc được cấp ở các quốc gia thành viên EU, có thể tương tác và đồng nhất với nhau.

Người nhập cảnh có chứng chỉ này khi tới quốc gia thành viên EU sẽ không phải trải qua thời gian cách ly hay xét nghiệm. Với chứng chỉ này, ngành du lịch trong khu vực được kỳ vọng sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 7 giờ ngày 17-6 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 177.781.878 ca mắc, 3.847.985 ca tử vong

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 34.365.215 ca mắc, 616.140 ca tử vong
2. Ấn Độ: 29.699.555 ca mắc, 381.931 ca tử vong
3. Brazil: 17.629.714 ca mắc, 493.837 ca tử vong
4. Pháp: 5.747.647 ca mắc, 110.578 ca tử vong
5. Thổ Nhĩ Kỳ: 5.348.249 ca mắc, 48.950 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.937.652 ca mắc, 53.476 ca tử vong
2. Philippines: 1.332.832 ca mắc, 23.121 ca tử vong
3. Malaysia: 673.026 ca mắc, 4.142 ca tử vong
4. Thái Lan: 204.595 ca mắc, 1.525 ca tử vong
5. Myanmar: 146.406 ca mắc, 3.250 ca tử vong
6. Singapore: 62.339 ca mắc, 34 ca tử vong
7. Campuchia: 40.157 ca mắc, 368 ca tử vong
8. Việt Nam: 11.635 ca mắc, 61 ca tử vong
9. Lào: 2.033 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Brunei: 250 ca mắc, 03 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 53.941.102 ca mắc, 756.094 ca tử vong
2. Châu Âu: 47.301.612 ca mắc, 1.089.148 ca tử vong
3. Bắc Mỹ: 40.248.246 ca mắc, 909.481 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 31.070.256 ca mắc, 955.777 ca tử vong
5. Châu Phi: 5.149.159 ca mắc, 136.214 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 70.782 ca mắc, 1.256 ca tử vong

H.H (Theo Worldometers, TTXVN, Guardian)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/brazil-tiep-tuc-vuot-an-do-ve-so-ca-mac-moi-va-tu-vong-do-covid-19-651026/