Brexit: Chặng đường còn lắm chông gai

Sau gần 6 giờ thảo luận căng thẳng, chiều muộn 14-11, chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May cuối cùng cũng thông qua được dự thảo thỏa thuận Brexit. Đây được coi là bước đột phá đầu tiên có tính quyết định đến tương lai của nước Anh. Tuy nhiên, theo nhật báo Pháp Libération, chặng đường Brexit còn nhiều chông gai.

Miễn cưỡng thông qua dự thảo thỏa thuận

Với vẻ mặt mệt mỏi xuất hiện trước dinh thự số 10 Phố Downing (trụ sở Phủ Thủ tướng Anh) ngay sau khi kết thúc buổi thảo luận, bà May tuyên bố rằng, dự thảo thỏa thuận Brexit đạt được hôm 13-11 tại Brussels (Bỉ) cuối cùng đã được các thành viên chính phủ của bà thông qua. Bản dự thảo dày 585 trang, qui định những nguyên tắc về vấn đề chia tách, trong đó có quy chế tài chính, tình hình công dân châu Âu ở Anh, công dân Anh trong Liên minh châu Âu (EU) cũng như vấn đề gai góc liên quan đến biên giới Bắc Ireland cũng đã được công bố tại Brussels ngay sau tuyên bố của bà May khoảng nửa giờ. Theo người đứng đầu Chính phủ Anh, dự thảo thỏa thuận Brexit lần này là văn bản đầy đủ nhất, đảm bảo chặt chẽ lợi ích của nước Anh.

Libération nhận định rằng mặc dù dự thảo thỏa thuận lần đầu tiên được thông qua hướng tới Brexit mà 52% người Anh mong muốn trong cuộc trưng cầu dân ý cách đây hơn 2 năm, thế nhưng với quyết định "miễn cưỡng" của các thành viên nội các của bà May, rõ ràng hiện ở Anh không ai còn chờ đợi điều này. Ngay cả những người lúc đầu ủng hộ Brexit nhất như Boris Johnson hay Jacob Rees-Mogg thì nay cũng chê bai cái gọi là thỏa thuận làm cho nước Anh phải lệ thuộc hoặc đặt nước Anh vào tình trạng "nô lệ" của Liên minh châu Âu (EU). Thậm chí, cựu Thủ tướng Tony Blair cũng đánh giá thỏa thuận này là một thỏa thuận tệ nhất từ trước đến nay bởi với lý do giành lại quyền kiểm soát thì chính nước Anh lại đang đánh mất tất cả quyền kiểm soát của mình trước đây.

Để chứng minh cho nhận định trên, tờ Libération cho biết, trong suốt ngày 14-11, cả Nghị viện và phủ Thủ tướng Anh đã bị những người phản đối và những người từng ủng hộ Brexit bao vây biểu tình phản đối dự thảo thỏa thuận. Người biểu tình cũng yêu cầu các bộ trưởng của Chính phủ Thủ tướng Theresa May từ chức. Cũng trong thời gian này, nhiều tin đồn về một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống bà May tại Nghị viện Anh cũng đã xuất hiện.

Bà May bị chỉ trích là đã cố gắng thuyết phục 21 bộ trưởng nội các về những nhượng bộ đối với EU, theo đó Anh sẽ vẫn ở trong liên minh hải quan với EU cho đến cuối giai đoạn chuyển tiếp (về nguyên tắc là cuối năm 2020) để được miễn thuế quan. Liên minh hải quan này sẽ kéo dài đến khi đạt được một hiệp định tự do thương mại hoặc một thỏa thuận tương tự. Giải pháp này sẽ cho phép giải quyết vấn đề biên giới Bắc Irlande vốn là trở ngại chính của thỏa thuận Brexit từ nhiều tháng qua. EU lúc đầu phản đối đề giải pháp này, nhưng cuối cũng cũng đã phải nhượng bộ để đổi lại những nhượng bộ lớn hớn của Anh.

Từ những phân tích trên, nhật báo Pháp kết luận rằng, sau khi thông qua được dự thảo thỏa thuận Brexit, Thủ tướng Theresa May sẽ trình lên Nghị viện thỏa thuận này để tiếp tục thảo luận và bỏ phiếu. Tuy nhiên, cho đến nay, trong số 650 nghị sỹ của Nghị viện Anh thì đa số đều chống lại Brexit. Hiện chưa có gì chắc chắn để bà May thuyết phục được đa số nghị sỹ ủng hộ thỏa thuận.

Tiến trình Brexit còn rất nhiều chông gai. Ảnh tư liệu

Cơ hội cho Thủ tướng May

Trong bối cảnh trên, khi các cuộc đàm phán Brexit bước vào giai đoạn cuối cùng, sự bế tắc là kết quả dễ thấy nhất. Quốc hội Anh có thể sẽ từ chối bất kỳ sự sắp đặt nào mà Thủ tướng May cố gắng thương lượng với các lãnh đạo châu Âu, và biện pháp có vẻ thích hợp để chấm dứt sự bế tắc này sẽ là tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới để xem xét lại quyết định của Anh rời khỏi EU. Cho đến gần đây, ý tưởng này vẫn bị gạt bỏ. Nhưng cơ chế chính trị hiện nay có thể dẫn tới một cuộc trưng cầu dân ý mới và khả năng hủy bỏ Brexit trở nên rõ ràng.

Dù bất kỳ phiên bản Brexit nào mà bà May đề nghị nhiều khả năng sẽ bị phủ quyết. Một “Brexit mềm” theo kiểu Na Uy nhằm giữ Anh ở trong các cấu trúc thương mại của EU sẽ bị ngăn chặn bởi những người chỉ trích hội nhập EU trong đảng bảo thủ của bà May. Một “Brexit cứng”, đòi hỏi kiểm soát biên giới với Cộng hòa Ireland, là không thể chấp nhận được đối với Chính phủ Ireland và EU. Và một thỏa thuận lai ghép đưa Anh ra khỏi thị trường chung EU nhưng vẫn giữ Bắc Ireland ở lại sẽ làm tổn thương đến Đảng dân chủ hợp nhất Bắc Ireland mà bà May rất cần sự ủng hộ của họ để duy trì quyền lực.

Những yếu tố trên giải thích cho chiến lược duy nhất “phân phát Brexit” của bà May. Do đó, các nghị sỹ và các nhà lãnh đạo EU phải lựa chọn một kịch bản ít tệ hại hơn. Họ vừa phải chấp nhận đề nghị thỏa thuận Brexit của bà May, vừa phải đối mặt với một Brexit hỗn loạn “không thỏa hiệp” - điều sẽ là thảm họa không chỉ cho Vương quốc Anh mà cho toàn bộ EU.

Mối đe dọa “không thỏa hiệp” trở nên rõ ràng hơn khi bà May gửi hàng chục “thông báo kỹ thuật” tới DN, BV và các cơ quan công lập để họ chuẩn bị “kế hoạch ứng phó khẩn cấp”. Kết quả cuối cùng là thậm chí nếu bà May thực sự muốn theo đuổi một Brexit “không thỏa hiệp”, đa số nghị sỹ trong quốc hội sẽ đoàn kết để ngăn chặn nó. Trong khi có nhiều hoài nghi về các thủ tục phê chuẩn của quốc hội, rối loạn chính trị là điều rõ ràng. Việc theo đuổi một trò chơi mạo hiểm như vậy chống lại mong muốn của đa số thành viên quốc hội sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng hiến pháp mà chỉ có thể được giải quyết bằng cách cầu viện cử tri thông qua một cuộc tổng tuyển cử hoặc một cuộc trưng cầu dân ý mới.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/brexit-chang-duong-con-lam-chong-gai-127680.html