Brexit và điểm nghẽn khó gỡ

Do bất đồng sâu sắc trong các vòng đàm phán về Brexit - Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - mà mới đây giới chức EU đã đề xuất kéo dài thời gian chuyển tiếp thêm 1 năm. Vậy tiến trình Brexit đang đi đến đâu, và nút thắt giữa hai bên đàm phán là gì?

Dù chưa hoàn tất, nền kinh tế Anh đã thấm dần tầm ảnh hưởng. (Nguồn: Reuters).

Brexit bắt đầu từ cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ở Anh, một cuộc bỏ phiếu được tổ chức vào ngày 23/6/2016 để quyết định xem Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) sẽ ở lại hay tách khỏi EU. Phe ủng hộ Brexit giành 51,9% lá phiếu so với 48,1% của phe phản đối. tỷ lệ đi bỏ phiếu là 71,8% - tương đương 30 triệu cử tri.

Anh ủng hộ Brexit với số phiếu 53,4%/46,6%. Xứ Wales cũng ủng hộ Brexit với tỷ lệ ủng hộ 52,5%. Scotland và Bắc Ireland lại ủng hộ việc ở lại EU.

Để rời khỏi EU, UK đã kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, cho phép 2 bên khoảng thời gian 2 năm để nhất trí về các điều khoản “ly hôn”. Thủ tướng Anh Theresa May đã kích hoạt Điều 50 vào ngày 29/3/2017, có nghĩa rằng UK sẽ chính thức rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019. Nhưng mốc thời gian này có thể được kéo dài nếu như tất cả 28 thành viên của EU nhất trí.

UK và EU tập trung vào 3 vấn đề “ly hôn”, bao gồm khoản tiền bồi thường mà UK phải chi cho EU, điều sẽ xảy ra với đường biên giới của Bắc Ireland và điều sẽ xảy ra với công dân UK hiện đang sống vào làm việc ở EU và công dân Eu hiện đang sống và làm việc ở UK.

Hiện nay, vấn đề gai góc nhất của các vòng đàm phán chính là đường biên Bắc Ireland, và mối quan hệ tương lai giữa UK và EU. Để có thêm thời gian giải quyết bất đồng, 2 bên đã nhất trí về khoảng thời gian chuyển tiếp 21 tháng để xoa dịu các mối quan hệ thời kỳ hậu Brexit. Tuy nhiên, kế hoạch thiết lập mối quan hệ tương lai giữa hai bên - gọi là Kế hoạch Chequers - mà Chính phủ Anh áp dụng hiện tại lại chịu sự phản đối từ những người chống Brexit, một số chính trị gia bảo thủ ủng hộ Brexit và cả EU.

Kế hoạch Chequers sụp đổ

Nội các của Thủ tướng May hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau về Brexit - từ những người phản đối Brexit cho tới những người cầm đầu chiến dịch Brexit. Bởi vậy mà việc thuyết phục họ nhất trí về một viễn cảnh Brexit duy nhất là một thách thức lớn. Để làm vậy, Thủ tướng May đã mời tất cả các thành viên nội các của mình tới Chequers - khu tư dinh của Thủ tướng ở Buckinghamchire - trong tháng 7 để xóa bỏ quan điểm khác biệt và đưa ra kế hoạch thống nhất.

Kế hoạch này bao gồm các đề xuất UK sẽ sao chép các quy định của EU đối với hàng hóa, thêm vào đó UK và EU sẽ được coi là “một vùng lãnh thổ hải quan phối hợp”, có nghĩa rằng UK sẽ áp dụng các hàng rào thuế quan nội địa và chính sách thương mại hàng hóa riêng, trong khi vẫn áp dụng thuế quan của EU và đánh thuế lượng hàng hóa tới EU.

Đề xuất cũng chỉ ra rằng UK sẽ được tự do ký kết thỏa thuận thương mại với các nước trên thế giới - điều mà họ không thể thực hiện khi còn là một thành viên của Liên minh Hải quan EU.

Thủ tướng May cho rằng kế hoạch này sẽ chấm dứt tình trạng tự do di chuyển của người dân, và cho phép Anh kiểm soát được lượng người nhập cư vào nước này. Tuy nhiên, họ cần một khung làm việc chung để cho phép công dân UK và EU di chuyển tự do tới các vùng lãnh thổ của nhau.

Phản ứng về kế hoạch này là một thảm họa - Ngoại trưởng Anh Boris johnson và Bộ trưởng Brexit David Davis tuyên bố từ chức chỉ vài ngày sau khi Chequers được thông qua. Kế hoạch này cũng nhận được nhiều sự ủng hộ kể từ đó. Cả những người phản đối và ủng hộ Brexit đều không vui vẻ với kế hoạch này. EU cũng nói rằng nhiều điều khoản thương mại của kế hoạch Chequers là không thể chấp nhận được.

Đến nay, Thủ tướng May vẫn bế tắc với kế hoạch Chequers, nói rằng nó là kế hoạch khả thi duy nhất khi đi trên “lằn ranh đỏ” của cả UK và EU, là kế hoạch duy nhất có lợi cho nền kinh tế Uk và EU, và giúp tránh khỏi vấn đề biên giới cứng trên đảo Ireland.

Điểm nghẽn

Đường biên giới đất liền kéo dài 310 dặm của UK với EU - giữa Bắc Ireland và cộng hòa Ireland (thành viên của EU) - vốn không phải là vấn đề lớn trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, nhưng giờ lại là vấn đề nút thắt trong các vòng đàm phán Brexit.

Cả Anh và EU đều không muốn thấy sự trở lại của các điểm chốt, tháp canh, trạm hải quan hay camera theo dõi lắp đặt ở khu vực biên giới này, bởi chúng sẽ sẽ gây ảnh hưởng tới tự do đi lại và thương mại. Thế nhưng họ lại không thể đạt thỏa thuận về vấn đề này.

Giải pháp của EU là thiết lập một “vùng quản lý chung” trên đảo Ireland sau Brexit - trong đó giữ Bắc Ireland trong liên minh hải quan EU - nếu không có giải pháp nào khác được đưa ra trong vòng đàm phán. Phía Anh cho rằng giải pháp này sẽ chia tách Bắc Ireland với phần còn lại của UK, điều mà họ không thể chấp nhận.

Giải pháp của Anh nằm trong kế hoạch Chequers, trong đó thiết lập một “bộ quy tắc chung” đối với hàng hóa di chuyển giữa UK và EU, mà không cần kiểm tra ở biên giới. Việc kiểm tra thuế VAT và thủ tục hải quan sẽ được thực hiện qua mạng, bởi vậy không cần đường biên giới cứng. Tuy nhiên EU cũng bác bỏ kế hoạch của UK.

Viễn cảnh Brexit cứng

Tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã thẳng thừng bác bỏ kế hoạch Chequers tại một Hội nghị thượng đỉnh EU tổ chức ở Salburg, Áo - điều làm dấy lên quan ngại rằng UK có thể rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận nào, gọi là Brexit “cứng”.

Đường biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland vẫn là điểm nghẽn trong đàm phán Brexit.

Chính phủ của Thủ tướng May sau đó tuyên bố rằng “thà không có thỏa thuận còn hơn là có một thỏa thuận tệ hại”. Kể từ đó, Anh bắt đầu lên kế hoạch cho viễn cảnh Brexit không có thỏa thuận này, trong khi vẫn khẳng định rằng có thể đạt được một thỏa thuận. Chính phủ Anh kể từ đó liên tục đưa ra các bản hướng đẫn cho các ngành công nghiệp, từ vấn đề nhập thú nuôi cho tới ảnh hưởng tới các bộ luật bảo vệ người tiêu dùng...

Lãnh đạo đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn nói rằng việc UK rời khỏi EU mà không thỏa thuận là một “thảm họa quốc gia”, trong khi giới chính trị gia bảo thủ vẫn bàn kế cho một cuộc “ly hôn” suôn sẻ với EU do lo sợ viễn cảnh đó xảy ra.

Kinh tế Anh khủng hoảng?

Cựu Thủ tướng Anh David Cameron, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh George Osbourne cùng nhiều chính trị gia kỳ cựu khác phản đối Brexit từng dự đoán về một cuộc khủng hoảng kinh tế tức thời nếu UK rời khỏi EU, và thực tế là điều này đang xảy ra. Đồng Bảng Anh ngày càng mất giá kể từ ngày trưng cầu dân ý - và đến nay đã giảm 10% so với đồng USD, giảm 15% so với đồng Euro.

Tuy nhiên, dường như cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra từ từ chứ không tức thời như dự đoán. Nền kinh tế UK đạt mức tăng trưởng 1,8% trong năm 2016, chỉ sau mức 1,9% của nước Đức trong số các quốc gia công nghiệp dẫn đầu G7. Nền kinh tế UK tiếp tục đà tăng trưởng tương tự trong năm 2017, nhưng trong nửa đầu năm 2018 lại chậm lại, chỉ đạt 0,6%.

Tỷ lệ lạm phát ở UK đã gia tăng từ tháng 6/2016, nhưng kể từ đó đừng lại ở mức 2,7%. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, ở mức 4%, mức thấp nhất trong vòng 43 năm qua. Mức tăng giá nhà ở giảm dần từ 9,4% (tháng 6/2016) xuống 3% (tháng 6/2018). Đây là mức tăng giá nhà ở thường niên thấp nhất trong vòng 5 năm.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/brexit-va-diem-nghen-kho-go-tintuc421090