BSR: Giải pháp kỹ thuật trị giá hơn 31 triệu USD

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Trong bối cảnh dịch bệnh, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là một trong những giải pháp được BSR đẩy mạnh triển khai để duy trì vận hành Nhà máy ổn định, linh động trong các chế độ vận hành, tạo ra các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao.

Một trong những giải pháp đã và đang được áp dụng là Giải pháp “Tăng nhiệt độ điểm chớp cháy cho sản phẩm dầu DCO, đáp ứng tiêu chuẩn nền dầu FO của BSR làm tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất nhiên liệu hàng hải (MFO)”. Giải pháp này cũng vừa đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 12 (2020 - 2021).

Từ khi phân xưởng RFCC - trái tim của NMLD Dung Quất đưa vào chạy thử tháng 4/2009 và vận hành thương mại, nhiệt độ điểm chớp cháy của dầu DCO không đạt được giá trị thiết kế 100 0C và có nhiều thời điểm xuống thấp hơn giá trị tiêu chuẩn 49 0C. Kỹ sư Nguyễn Hoàng Tri - chủ biên giải pháp cho biết: Có lúc chỉ tiêu này xuống dưới 46 0C, là ngưỡng an toàn tối thiểu cho phép tương ứng với điều kiện lưu chứa trên thực tế của sản phẩm này tại khu vực bể chứa sản phẩm. Để giải quyết vấn đề này, Nhà máy phải trộn thêm phân đoạn residue tại phân xưởng CDU (residue là nguyên liệu có giá trị kinh tế cao của phân xưởng RFCC) vào phân đoạn DCO.

Phân xưởng RFCC - Trái tim NMLD Dung Quất

Phân xưởng RFCC - Trái tim NMLD Dung Quất

Theo kỹ sư Nguyễn Hoàng Tri, việc phối trộn residue chất lượng cao vào dầu DCO và bán theo giá của dầu FO sẽ không hiệu quả kinh tế. Do đó, nhóm nghiên cứu đã làm việc với tinh thần hăng say, đầy trách nhiệm, “dám nghĩ - dám làm”, đưa ra giải pháp cải thiện thành công chỉ số nhiệt độ chớp cháy của phân đoạn DCO mà không cần phải phối trộn residue.

Ngày 7/7/2018, giải pháp đã được áp dụng triệt để với việc sục khí Nitơ vào đáy bình D-1515 chứa sản phẩm dầu Slurry (là dầu DCO chưa qua xử lý) nhằm tách loại các cấu tử hydrocarbon nhẹ lẫn trong dòng dầu này, qua đó cải thiện rõ rệt chỉ số nhiệt độ chớp cháy của dầu DCO, giải quyết triệt để vấn đề kỹ thuật tồn tại rất lâu với chi phí thấp.

Thực tế giải pháp này khi thực hiện thành công cũng đã giảm được chi phí đầu tư cải tiến góc quay và thay thế tầng đệm số 5 trong các đợt BDTT theo đề xuất của nhà cung cấp đệm và nhà bản quyền công nghệ để cải thiện điểm chớp cháy DCO; cũng như giải pháp cải hoán lắp đặt vòng hơi nước tại đáy tháp chưng cất T-1501 theo đề xuất của Nhà cung cấp bản quyền Axens nhưng không đảm bảo sẽ cải thiện được điểm chớp cháy của dầu DCO.

Vấn đề nhiệt độ điểm chớp cháy của dầu DCO thấp đã được BSR ưu tiên khắc phục từ những ngày đầu vận hành với việc thuê các chuyên gia hàng đầu đến từ Mỹ (Shell), Pháp (Axens), Hàn Quốc (SK), Nhật (Indemitsu), Ấn độ (O&M) để tư vấn và tìm nguyên nhân khắc phục. Nhưng đến đầu tháng 7/2018, nhóm tác giả của BSR đã tự giải quyết vấn đề kỹ thuật nan giải đã tồn tại gần 10 năm này.

Chủ biên đề tài - Kỹ sư Nguyễn Hoàng Tri

Ông Lê Hải Tuấn - Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển BSR cho biết: Giải pháp tăng nhiệt độ điểm chớp cháy cho sản phẩm dầu DCO đã được Nhà bản quyền công nghệ Axens công nhận là giải pháp mới lạ, chưa từng áp dụng trong chuỗi công nghệ của Axens trên thế giới. Đây là giải pháp kỹ thuật rất sáng tạo và có hiệu quả cao, ngoài ý nghĩa giảm giá thành sản xuất và nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm dầu FO, nó còn có ý nghĩa then chốt góp phần nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm mới là dầu MFO đáp ứng tiêu chuẩn IMO-2020.

Theo ông Lê Hải Tuấn, giải pháp này đã giúp BSR tiết kiệm khoảng 11,6 triệu USD từ việc ngừng phối trộn residue vào dầu DCO, đồng thời có thể đem lại cho BSR khoản lợi ích kinh tế xấp xỉ 19,5 triệu USD/năm từ việc bán sản phẩm dầu MFO so với sản phẩm dầu FO. Ngoài ra, giải pháp không cần cải hoán lắp đặt vòng hơi nước ở đáy tháp chưng cất và lắp đặt mới tháp stripper phần nhẹ, không tốn chi phí đầu tư ban đầu.

Các thành tích, giải thưởng về KHCN BSR đã đạt được: (tính đến tháng 10/2021)

+ 02 Sáng kiến đạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC).

+ 07 sáng kiến đạt giải tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 12 (2020 - 2021), gồm: 01 Giải nhất, 01 Giải nhì, 03 Giải ba và 02 Giải khuyến khích.

+ 08 sáng kiến cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, gồm: 01 hạng đặc biệt, 06 hạng A và 01 hạng B.

40 giải pháp đã được công nhận sáng kiến cấp Công ty.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bsr-giai-phap-ky-thuat-tri-gia-hon-31-trieu-usd-post1384785.tpo