Bù Gia Mập tìm lời giải cho bài toán giảm nghèo bền vững - Bài cuối

>> Giao ban công tác đối ngoại 3 huyện biên giới
>> Bù Gia Mập tìm lời giải cho bài toán giảm nghèo bền vững - Bài 1
>> Điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng

NHẬN DIỆN VÀ VƯỢT QUA THÁCH THỨC

BP - Ngày 8-4-2019, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Kế hoạch số 168 về thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế, xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, năm 2019 huyện Bù Gia Mập được chọn làm điểm thực hiện kế hoạch và đề ra mục tiêu xóa nghèo cho 150 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với chính quyền địa phương nhằm giúp Bù Gia Mập xóa dần khoảng cách về tỷ lệ hộ nghèo với các địa phương khác trong tỉnh.

Người DÂN cần gì để thoát nghèo?

Vợ chồng chị Điểu Thị Bắc ở thôn Bù Bưng, xã Đắk Ơ mở quán tạp hóa nhỏ trước nhà để làm kế sinh nhai cách đây nhiều năm. Dù hằng ngày bà con trong thôn thường xuyên tới mua hàng nhưng gần như tất cả đều mua thiếu, chờ đến mùa thu hoạch mới trả tiền. Trong khi đó, gia đình chị Bắc thuộc diện hộ nghèo nên không có vốn nhập nhiều hàng để phục vụ người dân và tăng thu nhập. May mắn, trong đợt khảo sát hộ nghèo DTTS vừa qua của xã Đắk Ơ, gia đình chị được chọn là một trong 150 hộ DTTS nghèo toàn huyện được xem xét hỗ trợ thoát nghèo bền vững.

Chị Bắc cho biết: Gia đình rất cần vốn làm ăn, cụ thể là tiền để nhập hàng làm phong phú sản phẩm tạp hóa, sửa lại nhà và mua bò về nuôi... tổng các khoản ước 100 triệu đồng. Gia đình bàn tính: Thời gian tới, tôi sẽ tập trung buôn bán để chủ động giờ giấc đưa đón các con đi học. Chồng tôi đi làm thuê, dành dụm tiền để trả nợ dần. Chỉ có cách này mới thoát nghèo bền vững, mới mong các con có tương lai tươi sáng, không phụ thuộc sự hỗ trợ của Nhà nước nữa.

Cán bộ Đồn biên phòng Đắk Ơ tìm hiểu hoàn cảnh hộ chị Lâm Thị Hồng ở thôn 10 nhằm giúp gia đình xây dựng phương án thoát nghèo bền vững

Thế nhưng trong số những hộ đồng bào DTTS được chọn hỗ trợ thoát nghèo trong năm nay của huyện Bù Gia Mập không phải ai cũng nhận thức được đầy đủ, chính xác nguyên nhân nghèo cũng như nhu cầu hỗ trợ như gia đình chị Bắc. Đây thực sự là khó khăn cho địa phương trong nỗ lực thực hiện kế hoạch giảm nghèo. Đơn cử như gia đình anh Lục Văn Lang và chị Lâm Thị Hồng ở thôn 10, xã Đắk Ơ. Suốt buổi trò chuyện với đoàn khảo sát, chị Hồng chỉ luôn miệng hỏi vay được bao nhiêu chứ không đả động gì đến phương án phát triển kinh tế để thoát nghèo. Khi được cán bộ giảm nghèo xã, cán bộ Đồn biên phòng Đắk Ơ giải thích cặn kẽ về chủ trương của các cấp chính quyền, chị Hồng vẫn không thể hiện quyết tâm thoát nghèo vì cho rằng, các phương án của đoàn gợi ý đều không chắc chắn. Vợ chồng chị Hồng còn trẻ (chị Hồng SN 1981), chồng chị làm nghề thợ xây, nuôi 1 con đang đi học, có 1 ha cà phê và tiêu... nhưng vẫn không muốn thoát nghèo vì lý do “có còn hơn không”, “muốn thêm, không muốn bớt”. Bởi vậy, chị Hồng muốn được hỗ trợ vay vốn chứ không muốn thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ cho biết: Càng về sau việc xóa nghèo ở xã Đắk Ơ nói chung, nhất là thôn 10 càng gặp khó. Muốn giúp hộ dân thoát nghèo, chúng tôi phải huy động lực lượng xây dựng phương án thoát nghèo phù hợp từng hộ, lên kế hoạch bám sát để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, thậm chí cùng làm với người dân. Chúng tôi xác định phải làm song song 2 việc, đó là hỗ trợ phát triển kinh tế phải đi đôi nâng cao nhận thức, văn hóa mới mong bà con thoát nghèo bền vững. Đây thực sự là cơ hội và cũng là thử thách rất lớn, vì vậy chính quyền xã rất cần sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, đoàn thể.

PHƯƠNG PHÁP HỖ TRỢ PHÙ HỢP ĐIỀU KIỆN THỰC TẾ

Để nâng cao nhận thức cũng như nắm bắt chính xác nhu cầu cần hỗ trợ của người nghèo, bên cạnh sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể xã thì cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Đắk Ơ cũng tích cực vào cuộc hỗ trợ. Đây là lực lượng sát dân, gần dân, được nhân dân tin tưởng và yêu mến nên mỗi lời nói, hành động đều được bà con nghe theo.

Đại úy Nguyễn Trọng Vượng, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Đắk Ơ cho biết: Thực hiện Quy định tạm thời số 689-QĐ/TU ngày 3-12-2012 của Tỉnh ủy “Về trách nhiệm, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, ấp xã biên giới”, Đảng ủy đồn đã lựa chọn và giới thiệu 16 đảng viên là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ở các đội vận động quần chúng, đội trinh sát, đội phòng chống ma túy và tội phạm, tham gia sinh hoạt tại 7 chi bộ thôn (Bù Bưng, Bù Khơn, Bù Ca, thôn 10, thôn 7, thôn 4, thôn 6) và 1 cán bộ tăng cường về xã giữ chức danh phó bí thư, chủ tịch UBND nhiệm kỳ 2010-2015. Hiện nay, còn 8 đồng chí (8 người đã chuyển đơn vị). Đội ngũ đảng viên tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, ấp tích cực tham mưu, đề xuất cấp ủy, chi bộ củng cố kiện toàn các tổ, chi hội, đoàn thể của từng thôn, ấp đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Cụ thể, đã tham mưu xã củng cố 4 chi bộ, 8 tổ an ninh, 2 chi hội phụ nữ, 4 chi đoàn, hiện duy trì hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, đảng viên đồn biên phòng còn chủ động tham mưu, giúp bí thư chi bộ thôn, ấp xây dựng dự thảo nghị quyết lãnh đạo của chi bộ, xây dựng các quy định của chi ủy, chi bộ; chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt của chi ủy, chi bộ, duy trì chế độ nền nếp công tác hành chính đảng theo quy định. Bên cạnh tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đồn còn phối hợp tuyên truyền Luật Biên giới, Nghị định số 34; phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân được 12 lần với 964 lượt người tham gia; tặng 860kg gạo cho 43 gia đình khó khăn, đỡ đầu 2 học sinh, mỗi tháng 500.000 đồng/em; vận động đơn vị kết nghĩa, các nhà hảo tâm tặng 422 phần quà cho các hộ nghèo với tổng trị giá 126,6 triệu đồng. Lao động giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai (lợp lại mái nhà cho 3 hộ dân và dựng hơn 500 trụ tiêu bị đổ do lốc xoáy); thu hoạch tiêu, điều giúp 20 gia đình chính sách, hộ nghèo với 160 ngày công...

Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Nguyễn Văn Linh cho biết thêm: Từ khi có đảng viên Đồn biên phòng Đắk Ơ tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn thì công tác kiểm tra, giám sát và phát triển đảng viên được triển khai tích cực, có chất lượng, hiệu quả. Trong những năm qua, các đảng viên của đơn vị đã tham mưu cấp ủy phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp được 20 đảng viên; tham mưu các chi bộ thôn thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, từ đó chất lượng sinh hoạt của các chi bộ thôn được nâng cao.

Để thực hiện tốt kế hoạch của Tỉnh ủy, Huyện ủy Bù Gia Mập đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo, triển khai việc rà soát, phúc tra đến từng hộ dân, tập trung phân tích cụ thể nguồn lực, đánh giá chính xác nguyên nhân nghèo để có các giải pháp hiệu quả. Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Bù Gia Mập Phùng Hiệp Quốc cho rằng: Trong 150 hộ DTTS nghèo được chọn từ 8 xã của huyện cho thấy, nhu cầu cần hỗ trợ rất đa dạng, từ hỗ trợ nhà ở, vốn sản xuất, đào tạo nghề, tìm việc làm đến cây - con giống... Từ sự đa dạng này, đòi hỏi phải có những giải pháp đúng, trúng, kịp thời, bên cạnh đó là quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân mới hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/bu-gia-map-tim-loi-giai-cho-bai-toan-giam-ngheo-ben-vung---bai-cuoi-53114