Bù vênh mặt cầu 7.300 tỷ lún võng: Chuyên gia vẫn lo

Bù vênh mặt cầu Bạch Đằng sẽ làm tăng tải trọng. Hơn nữa, việc bù vênh sẽ chỉ giải quyết tình trạng lún võng trong thời gian ngắn.

Ngày 15/11/2018, GS.TS Nguyễn Đình Đức - Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Giám đốc Chương trình Kỹ thuật hạ tầng (ĐH Việt Nhật) bày tỏ sự quan ngại về việc chủ đầu tư cầu Bạch Đằng (nối TP. Hạ Long, Quảng Ninh với TP. Hải Phòng) sẽ tiến hành bù vênh trắc dọc để giải quyết tình trạng lún võng mặt cầu.

Vị chuyên gia này nhận xét, nguyên nhân dẫn đến tình trạng lún võng bề mặt cầu Bạch Đằng chắc chắn không phải do thời tiết, đặc thù thi công cầu dây văng như chủ đầu tư đưa ra mà là do yếu tố chênh cao độ các đốt cầu.

"Theo tôi, vấn đề ở khâu quản lý thi công. Công trình do doanh nghiệp trong nước làm, đã từng học hỏi và chuyển giao kỹ thuật công nghệ từ nước ngoài và qua vài lần thi công đâu đó, tuy nhiên vẫn chưa tích lũy, học hết được những kinh nghiệm của quốc tế.

Thực tế là khi đổ bê tông mặt cầu, phải đổ dư một chút, rồi trọng lực sẽ kéo cáp hạ xuống để vừa vặn với đường cong thiết kế. Dư bao nhiêu là vừa đủ phụ thuộc vào khả năng quản lý thi công, quản lý kém, thiếu kinh nghiệm thì sẽ xảy ra chênh cao độ" - GS.TS Nguyễn Đình Đức nói.

Cầu Bạch Đằng lún võng, chỗ chênh lệnh lớn nhất lên đến 20 cm.

Chính vì thế, việc bù vênh trắc dọc mặt cầu bằng lớp nhựa đường sẽ chỉ là giải pháp giải quyết tình thế, không mang tính lâu dài. Ông Đức phân tích: "Do chênh cao độ giữa các đốt cầu, lớp bê tông và lớp nhựa đường phía trên sẽ không đảm bảo độ kết dính nên sau một thời gian ngắn sẽ bị tách ra và tiếp tục dẫn tới tình trạng lún võng, hư hỏng".

Ngoài ra, ông Đức còn cho biết, việc bù vênh trắc dọc sẽ làm cho cầu tăng thêm tải trọng khoảng 400 tấn. "Việc gia tăng tải trọng này có ảnh hưởng đến kết cấu của cầu không thì còn phải xem lại thiết kế, các bản vẽ kỹ thuật và khảo sát thực tế nhưng chắc chắn là phải có gia tăng thêm, ảnh hưởng không nhỏ tới độ bền và tốc độ xe khi lưu thông qua cầu" - GS.TS Nguyễn Đình Đức nói.

Tuy nhiên, chủ đầu tư cầu Bạch Đằng lại có quan điểm ngược lại. Đơn vị này sẽ nghiên cứu xem xét phương án bù vênh các vị trí cục bộ dự kiến vào đầu tháng 12 tới đây để đảm bảo êm thuận và an toàn.

Về lý do dẫn đến hiện tượng lún võng, chủ đầu tư lý giải nguyên nhân là do đặc thù cầu dây văng Bạch Đằng với 4 nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực và 3 trụ tháp là một hệ chịu lực phức tạp kết hợp giữa hệ dầm, hệ dây văng và các trụ tháp. Kết cấu dầm mềm nên các yếu tố về biện pháp thi công, tải trọng thi công, nhiệt độ thi công... ảnh hưởng lớn đến độ vồng kết cấu nhịp trong quá trình thi công.

Ngoài ra, cầu dây văng thi công theo công nghệ đúc hẫng, trắc dọc cầu phụ thuộc vào độ vồng đặt trước, lực căng dây văng theo từng giai đoạn thi công.

Các yếu tố kỹ thuật của cầu chính dây văng gồm ổn định trụ tháp, ứng suất trong bê tông thân trụ, bê tông dầm chính, lực trong cáp văng,... hoàn toàn đảm bảo yêu cầu thiết kế, đảm bảo an toàn chịu lực.

Trước đó, khi nói về giải pháp bù vênh mặt cầu Bạch Đằng bằng cách trải thêm thảm bê tông nhựa phía trên bề mặt cầu, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhận xét, đó là "phương án dễ làm nhưng hạ sách nhất", nếu không giải quyết dứt điểm vấn đề cân bằng lại lực, độ vênh ở những cho hợp long, đầu neo thì trước sau gì cũng dẫn tới hiện tượng vỡ đường.

Ông Thám cho hay, để xử lý dứt điểm vấn đề lún võng mặt cầu Bạch Đằng tương đối khó. Thông thường người ta chỉnh sửa ngay từ lúc thi công, chỉnh từng nhịp, từng văng một. Cứ mỗi một văng người ta chỉnh dần để cho khi hợp long cho cân nhau. Chứ giờ đã thi công cả một cây cầu rồi thì điều chỉnh phải cần đến nhưng nhà chuyên gia có kinh nghiệm lắm và có thiết bị tương xứng mới có thể điều chỉnh lại được.

Vân Long

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bu-venh-mat-cau-7300-ty-lun-vong-chuyen-gia-van-lo-3369286/