'Bữa ăn cô đơn' dần quen thuộc với giới trẻ châu Á

Nhiều cặp tình nhân hoặc nhóm bạn đi chung nhưng chỉ chúi mũi vào điện thoại. Vậy thì cần gì phải đi ăn cùng nhau trong khi hoàn toàn có thể tận hưởng cảm giác ngon miệng một mình?

Trước đây, tại nhiều nước châu Á, chuyện ăn cơm cùng gia đình không chỉ được xem là văn hóa sum vầy mà còn tạo cơ hội gắn kết tình cảm, thể hiện sự quan tâm nhau giữa các thành viên trong gia đình.

Vì vậy, hình ảnh thực khách ngồi “thui thủi” một mình một bàn tại quán ăn từng được xem là những kẻ “lập dị” hoặc có vấn đề, thường nhận được ánh nhìn tò mò từ người khác.

Thậm chí, nhiều nhà hàng từng từ chối phục vụ khách đi một mình vì cho rằng khách lẻ sẽ “chiếm chỗ” và không dùng hết thức ăn được phục vụ như khách nhóm.

Xu hướng đi ăn một mình tại nhiều nước châu Á ngày càng được xã hội đón nhận. Ảnh: Alamy.

Xu hướng đi ăn một mình tại nhiều nước châu Á ngày càng được xã hội đón nhận. Ảnh: Alamy.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, xu hướng ăn cơm một mình, nhất là ở những người trẻ bận rộn với công việc ngày càng xuất hiện nhiều và trở thành hình ảnh quen thuộc.

Không chỉ là bữa ăn qua loa ở nhà với thức ăn cũ hay gọi đồ giao tới nhà, nhiều người chọn cách ra ngoài ăn một bữa chỉnh tề tại nhà hàng, quán ăn như một cách tự thưởng cho bản thân sau một ngày làm việc mệt mỏi hay đơn giản là tận hưởng thời gian riêng tư.

Tại Hàn Quốc, xu hướng có tên "honbap" (kết hợp giữa từ "honja" nghĩa là một mình và "bap" nghĩa là ăn trong tiếng Hàn) - ám chỉ những người chỉ luôn ăn tối một mình - hiện rất phổ biến.

Theo khảo sát của Tập đoàn Thương mại Nông nghiệp và Thực phẩm Hàn Quốc đầu năm 2019 với 3.014 người trưởng thành, trung bình một người ở độ tuổi 20 ăn tối một mình hơn 5 lần/tháng.

Nhiều người trẻ hiện đại thích đi ăn một mình để tận hưởng cảm giác riêng tư. Ảnh: Dickson Lee.

Cuộc khảo sát vào cuối năm 2017 với gần 2.000 người trên 20 tuổi của chính phủ Nhật Bản cũng cho thấy 11% người trẻ xứ Phù Tang ăn một mình hầu như tất cả các ngày trong tuần. 4,3% có từ 4-5 bữa mỗi tuần không ăn cùng người thân.

Những con số này cao hơn rất nhiều so với kết quả của khảo sát tương tự được thực hiện vào năm 2011.

Tại Hong Kong (Trung Quốc) thậm chí nhiều dân “sành ăn” thích ăn tối một mình để tập trung hoàn toàn vào việc trải nghiệm thực phẩm. Từ những quán ăn bình dân đến các nhà hàng được gắn sao Michelin, không khó để bắt gặp những bàn ăn chỉ có một bộ bát đũa và người dùng thoải mái tận hưởng.

Đi cùng với việc ăn một mình không còn phải nhận những ánh nhìn tò mò, “kỳ thị” từ người khác trong xã hội hiện đại, nhiều nhà hàng tại một số nước châu Á cũng nhanh chóng đưa ra các dịch vụ hướng đến nhóm khách hàng này.

Thay vì đi ăn nhưng chẳng nói chuyện, tương tác với đối phương, nhiều người chọn đi ăn một mình để tập trung tận hưởng thức ăn. Ảnh: Yonhap.

Tại xứ kim chi, các quán "karaoke một mình" mọc lên ngày càng nhiều. Điển hình là "Coin Noraebang" - quán karaoke 24/7 trả tiền tự động chỉ đủ chỗ cho một người. Chi phí hát mỗi bài hát chỉ vào khoảng 250 won (chưa đến 5.000 đồng), theo Today.

Hãng điện tử và đồ gia dụng Dongbu Daewoo Electronics cũng cho ra nhiều mẫu sản phẩm gia dụng phục vụ người sống một mình như nồi cơm, máy giặt, lò vi sóng cỡ nhỏ.

Trang web đặt chỗ OpenTable báo cáo nhu cầu đặt chỗ bữa ăn cho một người ở các nhà hàng đã tăng 160% trên toàn nước Anh kể từ năm 2014. Các nhà hàng, quầy bar với chỗ ngồi được thiết kế cho một thực khách cũng ngày càng trở nên phổ biến tại xứ sở sương mù.

“Ngày nay, nhiều cặp tình nhân hoặc nhóm bạn đi ăn với nhau nhưng chẳng ai nói chuyện, chỉ chúi mũi vào màn hình điện thoại của mình. Vậy thì cần gì phải đi ăn cùng nhau trong khi ta hoàn toàn có thể tận hưởng cảm giác ngon miệng một mình?”, trang South China Morning Post nhận xét.

Mai An

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bua-an-co-don-dan-quen-thuoc-voi-gioi-tre-chau-a-post992395.html