Bữa cơm 'canh toàn quốc, thịt toàn da' và 4 câu thơ tiễn bạn ở bến xe Chợ Lớn

34 năm rời mái trường Cán bộ vật giá trung ương II (CBVGTW II), tôi vẫn nhớ như in những bữa cơm 'canh toàn quốc, thịt toàn da' thời bao cấp.

Ngôi trường “vật giá” nhỏ bé

Ngày đầu tiên đến trường CBVGTW II (29 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP.HCM) làm thủ tục nhập học, tôi khá ngỡ ngàng. Ngôi trường nhỏ bé hơn trong trí tưởng tượng của tôi và khá nhỏ so với các trường trung cấp chuyên nghiệp hay đại học thời bấy giờ.

Trường CBVGTW II trực thuộc Ủy ban Vật giá nhà nước. Từ khóa 6 trở về trước, trường được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ chuyên ngành Giá cả và Quản lý thị trường tại phía Nam. Vì vậy, học sinh sau khi được đào tạo sẽ quay về địa phương, làm việc trong ngành Vật giá ở các tỉnh.

Các bạn học sinh K8 chụp hình cùng cô Phạm Ngọc Mỹ (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính - Marketing), cô Nguyễn Thị Đào (giảng viên trường CBVGTW II) năm 1987

Từ khóa 7- 8 trở đi, học sinh sau khi tốt nghiệp ít được phân công công việc tại địa phương do nền kinh tế đã mở cửa và giá cả hàng hóa đã chuyển mình sang thị trường hóa. Đồng thời, Ủy ban Vật giá Nhà nước đã được sáp nhập vào Bộ Tài chính và Ủy ban Vật giá các tỉnh sáp nhập vào Sở Tài chính.

Tôi thuộc học sinh khóa 8 (K8) gồm lớp 8A và 8B (1987 - 1989). Khóa tôi học chỉ có khoảng 50 bạn. Chúng tôi học chung một phòng, chia thành hai dãy ngồi: dãy phía bên ngoài sát cửa ra vào là lớp 8B, do cô Nguyễn Thị Thoa làm chủ nhiệm (hiện nay cô sinh sống ở nước ngoài); dãy bên trong là lớp 8A do cô Ngô Thị Thu làm chủ nhiệm (sau này cô trở thành tiến sĩ, nguyên Trưởng khoa Marketing, trường Đại học Tài chính - Marketing).

Chương trình đào tạo của trường lúc đó chủ yếu là về xây dựng giá, định mức chi phí tiêu hao nguyên vật liệu trong sản xuất làm cơ sở tính giá thành trong kế toán và cộng với việc tính toán thêm những thông tin kinh tế khác để xác định giá bán hợp lý của sản phẩm.

Năm 1986, Đảng quyết định tiến hành công cuộc đổi mới nền kinh tế. Vì thế, trong chương trình đào tạo từ khóa 7 - 8 trở về sau, nhà trường đã đưa thêm vào chương trình các môn học lý thuyết về thị trường và kinh tế thị trường.

Để giúp học sinh dễ dàng tiếp cận được vấn đề này, thầy Lê Trung Cang (TS Lê Trung Cang, nguyên giảng viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM) đã đưa ra một câu đố: “Đố các em ở nước ta con gì có cái đầu ở trong nước, cái mình ở ngoài nước?”. Đó là câu đố dẫn nhập mở đầu cho chương Xuất nhập khẩu thủy hải sản mà thầy phụ trách giảng dạy khiến tôi nhớ mãi.

Canh toàn quốc, thịt toàn da

Thời ấy, chúng tôi không phải đóng học phí. Tất cả được Nhà nước bao cấp, đồng thời mỗi tháng chúng tôi còn được lãnh nhu yếu phẩm như: gạo, đường, sữa… quy ra thành học bổng được cấp từ ngân sách nhà nước.

Mỗi học sinh được cấp 1.800 đồng/tháng, tương ứng với 45kg gạo bấy giờ.

Bạn Nguyễn Cao Cương chụp trước cổng trường vào năm học đầu tiên

Ngoại trừ tiền học bổng, học sinh - sinh viên còn được trợ cấp theo chính sách của từng tỉnh. Nếu là học sinh - sinh viên tiên tiến hoặc giỏi thì chúng tôi còn được Sở Giáo dục trao thêm học bổng.

Cụ thể, tôi xin lấy trường hợp bạn Nguyễn Cao Cương để minh họa bài viết. Cương là học sinh tiên tiến của trường nên được Sở Giáo dục tỉnh Long An trao tặng học bổng. Cương đã dùng phần học bổng này để mua 1 bộ quần áo, 1 bộ ấm trà và một ít đồ ăn cho phòng ký túc xá.

Nói chung, ngày xưa chúng tôi đi học được chính sách nhà nước ưu ái về nhiều mặt. Tuy nhiên, cuộc sống của học sinh - sinh viên ngày đó còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Thời ấy, nền kinh tế mới bắt đầu có chính sách mở cửa. Cho nên, chúng tôi chưa hiểu được thế nào là nền kinh tế thị trường và cũng chưa biết được thị trường lao động rộng mở như thế nào khi đất nước thật sự mở cửa.

Khi ấy, tâm lý chung của phần đông học sinh - sinh viên chỉ mong mỏi khi ra trường có được việc làm trong cơ quan nhà nước.

Trường CBVGTW II là trường của Trung ương đặt chi nhánh ở phía Nam. Thế nên, các bạn trong lớp K8 cũng như ở các khóa khác hầu hết là dân tỉnh lẻ, đều có cùng hoàn cảnh sống xa gia đình. Vì thế, chúng tôi nhanh chóng gắn kết thân thiết.

Trường tôi học có 3 tầng: dãy bên ngoài của tầng trệt được dùng làm văn phòng, dãy trong làm ký túc xá, khoảng cách giữa hai dãy là khoảng sân trống được dùng để xe; tầng 2 được dùng làm phòng học và thư viện; tầng 3, một phần được dùng làm hội trường, phần còn lại được dùng làm nhà bếp.

Nhìn qua khuôn viên trường có vẻ chật chội, nhưng không gian khép kín này đã giúp chúng tôi thuận lợi trong việc giao lưu, ăn, học tại trường. Ký túc xá ngay trong trường, thầy và trò gặp nhau thường xuyên hơn. Vì thế, tình cảm giữa thầy và trò cũng gắn kết chặt chẽ.

Bữa cơm của chúng tôi trong ký túc xá thường có tên gọi “canh toàn quốc, thịt toàn da”. Bởi, canh toàn nước, có thêm vài cọng rau muống lưa thưa trên miệng thau và da heo.

Giờ tan học, học sinh K8 tập họp chuẩn bị đi dạo chợ Tân Bình

Có lần, bạn Dương Hoàng Dũng học chung lớp 8B với tôi về quê ở tỉnh Vĩnh Long. Lúc trở lại TP.HCM, bạn mang theo một hộp thịt heo kho tàu khoảng 1kg. Khi vào đến cửa phòng ký túc xá, bạn Dũng bị vấp té. Thế là, cả hộp thịt heo đổ hết ra sàn, lũ chúng tôi tiếc ngẩn ngơ.

Trong học kỳ I, năm thứ nhất (1987), chúng tôi học quân sự 2 tháng tại công viên Chiến Thắng (công viên Hoàng Văn Thụ nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP.HCM hiện nay). Chúng tôi phải học cả ngày trong công viên nên hầu như mỗi đứa đều đem theo lon cơm để ăn trưa.

Buổi trưa hanh nắng, chúng tôi phải vào nhà quản lý của công viên tìm bóng mát. Tại đây, một số bảo vệ của công viên đã nhiệt tình giúp đỡ, ca hát cùng chúng tôi.

Sau giờ học căng thẳng, chúng tôi cùng nhau đạp xe ngắm phố phường, đón ngọn gió xuân len vào từng kẽ tóc.

“Các em thường xuyên ăn sáng như thế này sao?”

Trong những năm 1987-1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành nghị định số 118 và 217. Hai nghị định này rất quan trọng, liên quan đến chăn nuôi và trồng trọt của đất nước.

Từ năm 1987 trở đi, hai sản phẩm chủ lực (con heo và cây lúa) không còn được nhà nước phân phối bao cấp. Giá cả hai loại hàng hóa này được bán ra trên thị trường liên quan trực tiếp đến chi phí sản xuất, giá cả thị trường và mức tiêu thụ sản phẩm.

Nhóm bạn K8 chơi đánh trận giả trong công viên Chiến Thắng

Vì thế, đến học kỳ II năm 2, lớp chúng tôi bắt đầu đi thực tập chủ yếu về con heo và cây lúa căn cứ theo nội dung quan trọng của nghị định số 118 và 217.

Ngoại trừ các trường hợp thực tập về sản xuất, chi phí sản xuất ở Đồng Nai và một vài địa phương khác, số học sinh còn lại được chia làm 3 nhóm thực tập trong tỉnh Tiền Giang: nhóm 1 thực tập tại huyện Cái Bè, nhóm 2 tại Cai Lậy, nhóm 3 tại Gò Công.

Nhà trường chọn 3 địa điểm thực tập này nhằm giúp học sinh có thể tìm hiểu, nghiên cứu thực tiễn về chi phí sản xuất lúa và chi phí chăn nuôi heo ở Tiền Giang. Từ đó, chúng tôi có cơ sở xác định hợp lý về giá thành sản xuất và giá bán của các loại sản phẩm này trên thị trường. Việc tiếp cận thực tế cũng đã góp phần hỗ trợ nhà trường đánh giá hiệu quả triển khai 2 nghị định trên trong thực tiễn.

Tôi và bạn Nguyễn Cao Cương là nhóm trưởng của nhóm 2 thực tập tại huyện Cai Lậy. Mỗi điểm thực tập chia làm 2 nhóm nhỏ, tôi nhóm trưởng bên chăn nuôi, bạn Cương nhóm trưởng bên trồng trọt.

Thời gian thực tập của chúng tôi kéo dài 2 tháng. Trong đó, 3 tuần đầu tiên, chúng tôi thực tập tại xã Long Khánh, 3 tuần kế tiếp thực tập tại xã Tân Bình, 2 tuần sau cùng tại Ban quản lý thị trường thị xã Cai Lậy.

Do vị trí địa lý huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy tiếp giáp nên 2 nhóm Cai Lậy và Cái Bè thường xuyên đến thăm nhau.

Thầy Lê Trung Cang phụ trách nhóm Cái Bè, cô Ngô Thị Thu phụ trách nhóm Cai Lậy. Nếu cô Thu công tác giảng dạy bên Lào hay Campuchia thì thầy Cang phụ trách cả 2 nhóm. Thầy thường di chuyển 2 nơi để giám sát, hướng dẫn và chia sẻ những khó khăn trong quá trình chúng tôi thực tập.

Nhờ có thầy Cang và cô Thu sát sao hướng dẫn, chúng tôi thực tập tại địa phương rất nghiêm túc. Ngày ngày, chúng tôi đến các hộ dân để thu thập số liệu chi phí cho trồng trọt và chăn nuôi, xác định giá thành của sản phẩm nông nghiệp một cách hợp lý. Đây chính là kiến thức quan trọng, giúp chúng tôi xác định giá cả trên thị trường có căn cứ hơn.

Thỉnh thoảng, thầy Nguyễn Xuân Quế (nguyên Hiệu trưởng trường CBVGTW II) và thầy Nguyễn Văn Hiến (nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Tài chính - Marketing) về các điểm chúng tôi thực tập để nắm tình hình cụ thể.

Tôi nhớ, có lần thầy Nguyễn Văn Hiến đến điểm thực tập của chúng tôi khi trời khá tối. Xe cộ đi lại rất khó khăn nên đêm đó thầy ngủ lại cùng nhóm chúng tôi. Sáng dậy, chúng tôi mời thầy ăn sáng bằng cơm cháy còn lại của ngày hôm trước chấm với chao đã được đánh nhuyễn trộn với chanh và đường. Đây là món ăn thường xuyên của chúng tôi khi đó.

Học xong, chúng tôi tập trung tại cổng trường, chuẩn bị đạp xe ngắm phố phường

Biết học trò ăn sáng như thế, thầy hỏi: “Các em thường xuyên ăn sáng như thế này sao?”. Đôi mắt thầy lúc ấy ánh lên vẻ đau lòng, thương cho sự khó khăn của chúng tôi. Thế nhưng, chúng tôi vẫn vô tư cười đáp: “Ngon mà thầy”.

Thi thoảng, khi chúng tôi xuống hộ nông dân khảo sát, một số người dân tốt bụng mời chúng tôi ở lại dùng bữa trưa. Đó là bữa cơm với đặc sản vùng quê miền Tây Nam bộ, có canh chua cá rô đồng nấu với bông súng và xoài non. Hôm nào được mời ăn là hôm đó, chúng tôi được một bữa cải thiện chất đạm.

Hoàn thành 2 tháng thực tập tại Tiền Giang, chúng tôi về lại TP.HCM viết báo cáo và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp ra trường.

Thế hệ 5X - 8X thật đẹp

Thành viên K8 họp mặt tại nhà Đoàn Anh Việt ở Vĩnh Long năm 2019

Ngày làm lễ ra trường, chúng tôi không nén được xúc động, chia tay nhau trong nước mắt.

Ngày trở về quê, các bạn Trần Hữu Nam, Đoàn Anh Việt, Nguyễn Cao Cương, Đỗ Thời Đại đã tiễn tôi ra bến xe Chợ Lớn. Bầu trời hôm đó thật u ám, thật buồn như nỗi lòng của những người tiễn biệt. Ngẫu hứng, bạn Cương viết tặng tôi 4 câu thơ:

“Trời hôm nay không nắng, cũng không mưa

Như nỗi buồn của giờ phút chia tay

Lũ chúng tôi 5 người trường Giá

Tiễn người bạn về lại đất quê nhà”

Sau khi ra trường, tập thể K8 chia thành nhiều ngã rẽ, người làm ở các cơ quan nhà nước, người chuyển qua kinh doanh, người trở lại với ruộng vườn. Nhưng nhìn chung, đa số thành viên K8 khá thành công trong sự nghiệp. Có bạn là Phó chánh thanh tra - Sở Tài chính, có bạn là Phó cục trưởng Cục Thuế...

Chụp ảnh ở chùa Vĩnh Nghiêm

Dù ra trường hơn 34 năm nhưng chúng tôi vẫn như một gia đình, thường chia sẻ thăm hỏi nhau những lúc vui cũng như khó khăn trong cuộc sống.

Chúng tôi rất quý và biết ơn thầy cô trường CBVGTW II. Nhờ có ngôi trường này, những con người xa lạ có duyên được gặp nhau, kết nối tình bạn. Quan trọng hơn, nhà trường đã trao cho chúng tôi những kiến thức cần thiết để thành công trong sự nghiệp và có cuộc sống tốt đẹp của ngày hôm nay.

Hôm nay, tôi viết những dòng này, trước là để tri ân những thầy cô đã dạy chúng tôi nên người, sau là để tưởng nhớ những người bạn chung lớp như bạn Trần Hữu Nam, bạn Nguyễn Thị Ngà đã đi xa mãi mãi.

Các bạn ơi, dù thành viên lớp không còn đầy đủ nhưng chúng tôi, những người còn sống sẽ sống sao cho xứng đáng với thế hệ vàng của thời 5X - 8X. Các bạn an nghỉ nhé!

Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X.

VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet.

Trân trọng cảm ơn!

TS Trần Thị Diện

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bua-com-canh-toan-quoc-thit-toan-da-va-4-cau-tho-tien-ban-o-ben-xe-cho-lon-2209731.html