Bữa cơm riêng

Anh dọn đồ ra khỏi nhà khi tôi còn ở cơ quan, như thể anh vừa ghé nhà chơi rồi ra đi không cần báo trước.

Cơ quan tôi làm việc cách nhà tới 15 cây số, mỗi buổi sáng tôi phải theo xe đi tập thể, đón ở ngay ngã ba đường gần nhà. Công việc của tôi là may gia công áo quần xuất khẩu, buổi trưa được nghỉ một giờ tại chỗ, ăn cơm do công ty lo. Tôi không dự đoán được chuyện anh bỏ đi.

Anh bỏ tôi đi mà tôi không hề hay biết gì hết. Khi về tới nhà, mẹ tôi nói rất nhỏ nhẹ: “Thằng Duy đi rồi”. Mẹ cũng chẳng giải thích với tôi thêm một lời nào, mẹ cũng chẳng cho tôi biết là anh đi đâu và anh cũng chẳng hề để lại một dòng thư nào theo cách mọi người thường làm. Anh lại không dùng điện thoại di động, dẫu bây giờ chiếc điện thoại di động phổ biến đến mức độ một người đi móc rác dọc theo các đường phố vẫn dùng nó để liên lạc. Tôi mất liên lạc với anh.

Anh rời khỏi nhà, mẹ bảo: “Cái thằng chồng như thế mất nó thì đi tìm thằng khác, khối thằng hơn nó”. Tôi im lặng, ngồi nhặt từng hạt cơm như đang đếm. Tôi không thể nào ăn được.

Minh họa: MINH SƠN

Tôi phóng xe ra phố, đi tìm anh cầu may như người ta đi tìm theo dấu vết của một món đồ đã đánh rơi. Mà anh đâu có hay vào quán xá như người khác, quán anh thường nhậu là quán bán mấy con khô nằm ở vỉa hè, đôi khi anh ghé uống chai bia cho vui. Cô Hồng chủ quán lắc đầu: “Dạo này đâu có thấy anh Duy ghé quán”. Rồi cô lom lom nhìn tôi: “Cãi nhau, ảnh bỏ đi rồi phải không? Khổ thân cho mấy ông chồng ở nhờ nhà vợ”. Anh cũng không hề mèo mỡ để tôi lo sợ rằng anh đã phải lòng cô gái khác. Anh rất hiền, anh ít nói và anh chẳng bao giờ nói nặng lời với ai. Anh cũng chẳng có bà con thân thiết nào trong lòng thành phố này, vậy anh đi đâu, về đâu? Chắc chắn anh cũng chẳng có tiền để thuê nhà nghỉ, dẫu là một căn phòng giá bình dân nhất trong lòng thành phố này.

Nhà tôi không lớn, căn nhà trôi lênh đênh trên triền núi giống như những căn nhà ở nơi này. Chuyện kể từ thời ông nội tôi là ngư dân đánh cá từ Quảng Ngãi đến đây lập nghiệp cùng một số ngư dân khác. Khi ấy nơi đây là một ngọn núi nhỏ, những ngư dân không nhà cứ chịu khó mỗi ngày gỡ từng viên đá, khiêng từng gánh đất để có một mặt bằng xây dựng nhà. Do nhà dựa vào vách núi, nên lại phải xây một bức tường đá phía sau nhà chắn núi, bức tường đá ấy giúp cho những cơn mưa xói đất không ảnh hưởng đến ngôi nhà.

Tôi nhớ là để xây bức tường đá đó, tôi phải xin nghỉ việc cả tuần lễ, với nhiệm vụ là gánh mỗi lần hai viên đá lên trên, bởi con đường lên nhà là con đường bậc thang theo triền núi, khó đi cho nên ai cũng chê, chẳng nhận công việc này. Còn anh, vốn có nghề thợ hồ, anh đã xây lên bức tường đá ấy và nó vẫn vững chãi cho mãi đến hôm nay.

Hôm gặp nhau ở trên công trường bộn bề đá đất ấy. Anh bảo: “Quê anh ở một tỉnh miền Trung. Quê anh nghèo lắm, nhưng con người rất tốt với nhau”. Tôi đã có một hai lần dừng chân ở quê anh. Tỉnh lẻ nhỏ xíu ấy rất ít nhà cao tầng, không chộn rộn ngựa xe như ở đây. Thành phố giống như một khúc dân ca trải lòng có món kẹo Cu Đơ nổi danh, mà người ta bày bán suốt dọc con đường đi ngang thành phố. Tôi không ngờ là có một ngày tôi lại quen một người con trai tỉnh lẻ.

Anh không còn cha mẹ, anh sống một mình và đã bỏ quê đi đến thành phố của tôi từ năm anh 15 tuổi, anh làm đủ nghề để kiếm sống và ăn học. Không ai ngờ rằng một cử nhân kinh tế như anh lại có thể trở thành một người thợ hồ với những đường bay rất chuẩn. Tôi gặp anh lúc anh đang chờ xin việc, và trong thời gian chờ xin việc ấy, anh đi làm thợ hồ.

Cũng rất buồn cười là vào khoảng thời gian ấy tôi cũng vừa mới ra trường và đang đợi công việc. Thời gian rảnh, tôi hay ra bãi biển, đối diện là công trường như đang xây dựng ngôi nhà cao khoảng 30 tầng để sau này trở thành một trung tâm thương mại gì đó. Tôi chẳng quan tâm đến những ngôi nhà chọc trời đang liên tục xây dựng dọc theo con đường biển, tôi chỉ thích thú tận hưởng những thảm cỏ xanh chạy suốt con đường biển được chăm chút cẩn thận.

Nhưng hôm ấy suýt nữa thì tôi bị một chiếc xe máy của một tên say rượu đâm vào nếu không có anh xuất hiện. Lúc ấy tôi đang đi sát lề, ngắm nhìn ngôi nhà cao tầng ấy thì chiếc xe máy lao từ phía sau tới nhắm vào tôi. Tôi chưa kịp phản ứng thì anh từ đâu đã ôm chầm lấy tôi kéo vào lề. Còn tên say rượu thì phóng xe thêm một đoạn nữa, rồi vì đi quá nhanh không kiểm soát được tốc độ nên té lăn ra mặt đường.

Thật lòng thì tôi không thể yêu một anh chàng thợ hồ. Chỉ có điều là khi anh chở tôi đến bệnh viện băng bó, nói chuyện tôi mới biết rằng anh là một chàng thợ hồ bất đắc dĩ. Cho đến chuyện sau đó khoảng mười ngày, anh đã tình nguyện tới nhà tôi trám lại cái sân xi măng bị bong tróc nhiều nơi, tôi đã phải lòng anh.

Lấy nhau, anh về nhà tôi ở rể. Tôi bảo với anh: “Nhà chỉ có mình em và bà chị gái, còn anh thì ở nhà thuê. Vậy về nhà em há”. Thôi thì về, để cùng sống trong căn nhà lưng chừng trên vách núi. Nhưng cuộc sống không chỉ có tình yêu của hai người, mà còn có những dạt xô khuất động bên ngoài mà ta không lường trước. Căn nhà nhỏ không có phòng riêng, chỉ chia ranh giới những chiếc giường ngủ là tấm ri đô ngăn cách. Căn nhà chui ra chui vô là đụng mặt nhau ấy có chiếc tivi để ở phòng khách, nơi đó cũng là phòng ăn. Thôi thì thương nhau đành chấp nhận cái nhỏ nhoi đời thường ấy, nhưng quả thật là cả hai vợ chồng chẳng hề có một chút riêng tư.

Nhiều lần anh bảo: “Hay là mình ra ngoài thuê một căn phòng ở riêng đi em”. Tôi cứ ầm ừ với anh. Tôi không biết rằng giông tố đã nổi lên trong đời sống vợ chồng. Đối với ba mẹ thì đã già, không hề có một điều gì làm cho anh phải khó chịu. Nhưng từ ngày chị Linh có bạn trai, anh chàng nghe nói hiện đang là thủ kho của một cây xăng nào đó tên Nhân. Nhân hay lui tới nhà chơi, lúc mang thứ này, lúc mang thứ nọ, có khi mang cả con gà quay đến để cả nhà liên hoan một bữa. Nhưng lúc đó là những lúc khó xử của anh khi trong buổi tiệc nhỏ chen chúc trong căn nhà bên vách núi ấy anh không biết trốn vào đâu, cũng phải ngồi vào bàn chung vui.

Khi ấy anh Nhân dệt lên giấc mơ cho chị Linh là sau khi lấy nhau hai người sẽ về ở tại một ngôi nhà mặt phố. Ở ngôi nhà mặt phố ấy chị Linh sẽ mở một tiệm làm tóc nữ. Nhân còn hứa hẹn là ba mẹ có thể về ở chung vì căn nhà rất rộng chứ không nhỏ xíu như căn nhà lưng chừng núi này. Nhân buông câu nói làm như vô tình mà xoáy vào trái tim anh: “Con rể phải lo nhà cửa cho ba mẹ vợ, con không hình dung là con phải ở nhà vợ. Là đàn ông đã có vợ là phải tự lập, phải có giang sơn riêng”.

Cũng từ khi có sự xuất hiện của anh Nhân, mẹ bắt đầu bóng gió về chuyện ở rể. Cũng từ đó, mỗi khi Nhân tới nhà chơi là anh tìm cách ra đường. Anh né những bữa cơm gia đình, và có nhiều ngày anh tìm cách về trễ. Khổ cho tôi là trong căn nhà nhỏ bé ấy, tôi chẳng có một chỗ riêng tư để nghe anh trút lòng.

* * *

Tôi dọn nhà ra riêng sau một cơn mưa. Mưa như trút cứ trôi trên vách đá chắn núi sau nhà tôi trôi theo con đường dốc bậc thang mà xuống đường. Mẹ không nhìn tôi, giống như tôi không hiện hữu ở trong căn nhà. Bà giả vờ lui cui sửa lại thế của mấy chậu cây kiểng trước sân. Tôi nói: “Thưa mẹ, con đi”. Mẹ ầm ừ.

Tôi bước xuống đường, tôi kêu chiếc taxi đến nơi anh ở. Đó là một căn nhà thuê, căn nhà nhỏ nằm trong một con hẻm hun hút sâu. Căn nhà ấy không đẹp, căn nhà ấy chật chội. Nhưng tôi tin là anh vui vì giờ đây tôi và anh đã có thật sự một không gian riêng. Một không gian mà anh có thể tự mình làm điều anh thích, anh có thể nói cười thỏa thích, tôi có thể nấu cho anh món ăn anh thích.

Anh đón tôi từ đầu ngõ. Anh để tóc thật dài, bộ râu lâu ngày chưa tỉa tót. Anh leo lên chiếc taxi dẫu chỉ còn một đoạn ngắn nữa là tới chỗ của chúng tôi. Anh cười tươi như chưa bao giờ cười tươi: “Lát anh với em đi chợ nấu cơm em nhé. Trời ơi, bốn năm nay em chưa nấu cơm cho anh ăn”.

Chắc chắn tôi sẽ nấu một bữa cơm cho hai vợ chồng.

Truyện ngắn của KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202210/bua-com-rieng-962703/