Bục bệ, cầu dẫn cản trở hệ thống thoát nước: Đến hẹn lại lo

Từ lâu, bục bệ, cầu dẫn – phần nối từ lòng đường lên vỉa hè do người dân tự ý lắp đặt đã được coi là một trong những nguyên nhân gây cản trở, tắc nghẽn hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, dù đã tuyên truyền, xử lý nhiều nhưng cứ đến mùa mưa, thực trạng này vẫn trở thành mối lo lớn.

Muôn kiểu vi phạm

Để đảm bảo việc tiêu thoát nước trong mùa mưa, từ đầu năm đến nay, ngoài việc bảo dưỡng hệ thống máy bơm, trạm bơm, nạo vét cống, mương, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức ra quân xử lý bục bệ, cầu dẫn lắp đặt sai quy định gây cản trở hệ thống thoát nước.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại một số tuyến phố như Thái Thịnh (Đống Đa), Mai Hắc Đế (Hai Bà Trưng)… tình trạng người dân tự ý dựng bục bệ, cầu dẫn sai quy định diễn ra khá phổ biến. Đơn cử, tại phố Thái Thịnh, đoạn giáp với phố Tây Sơn, phần lớn diện tích rãnh thoát nước nằm sát lòng đường và vỉa hè đã bị các hộ kinh doanh mặt phố lấn chiếm dựng bục bệ, cầu dẫn phục vụ việc đưa xe lên vỉa hè. Tại đây, bục bệ, cầu dẫn được thiết kế bằng đủ chất liệu, từ sắt thép, xi măng cát, thậm chí là bê công cốt thép… khiến tuyến đường trở nên nhếch nhác.

 Lực lượng chức năng xử lý bục bệ, cầu dẫn sai quy định trên phố Thái Thịnh, quận Đống Đa.

Lực lượng chức năng xử lý bục bệ, cầu dẫn sai quy định trên phố Thái Thịnh, quận Đống Đa.

Ông Nguyễn Hồng Lân – Tổ trưởng Tổ quản lý số 2, Xí nghiệp Thoát nước số 4 chia sẻ, tình trạng người dân tự ý lắp đặt bục bệ, cầu dẫn đè lên rãnh thoát nước, gây cản trở hệ thống thoát nước đã diễn ra từ lâu. Cũng theo ông Lân, mặc dù đơn vị đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ra quân xử lý vi phạm, song chỉ được một vài hôm đâu lại vào đó.

Quy trách nhiệm cho các địa phương

Ông Bùi Ngọc Uyên – Phó Trưởng phòng Đối ngoại Truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, mọi người vẫn cho rằng việc dựng bục bệ, cầu dẫn là chuyện bình thường, nhỏ nhặt… song thực tế hành vi này làm thu hẹp hệ thống tiêu thoát nước, tăng nguy cơ ngập úng trên các tuyến đường.

Cũng theo ông Uyên, để đảm bảo việc tiêu thoát nước, hạn chế ngập úng tại Thủ đô, đặc biệt vào mùa mưa bão, đơn vị đã thường xuyên rà soát, phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Song, sau khi phá dỡ, chỉ được một vài hôm đâu lại vào đó. Thậm chí, sau những lần bị xử lý, bục bệ, cầu dẫn lại được làm chắc chắn hơn. Đơn cử, trên phố Thái Thịnh, ban đầu bục bệ, cầu dẫn chỉ là xi măng cát, sau này người dân đã thiết kế bằng bê tông cốt thép gây khó khăn cho việc tháo dỡ của các lực lượng chức năng.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử lý bục bệ, cầu dẫn, những trường hợp cố tình vi phạm là hết sức cần thiết để đảm bảo trật tự đô thị, hệ thống thoát nước. Để làm được điều này, cần phải quy trách nhiệm cho chính quyền phường sở tại, đặc biệt là lực lượng thanh tra xây dựng, đô thị và công an phường – những lực lượng chuyên ngành, quản lý, phụ trách địa bàn.

Bài, ảnh: Công Trình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/buc-be-cau-dan-can-tro-he-thong-thoat-nuoc-den-hen-lai-lo-388703.html