Bức điện cuối cùng của đoàn cứu hộ Rào Trăng

Chiếc máy vô tuyến sóng ngắn vùi trong đất, 3 người lính thông tin hy sinh. Họ gửi mệnh lệnh cuối cùng của thiếu tướng Man về sở chỉ huy tiền phương chỉ một giờ trước thảm họa.

Rạng sáng 13/10, 8 người sống sót sau vụ sạt lở đất tại tiểu khu 67 dìu đỡ nhau đi ngược về phía sở chỉ huy tiền phương trong mưa. Nơi họ rời đi không còn dấu hiệu của sự sống, cũng không còn thiết bị nào để báo tin về.

Ba sĩ quan thông tin cùng hai chiếc máy vô tuyến liên lạc sóng ngắn đều nằm lại dưới lớp bùn đất.

Gần 4 ngày sau, chiều 16/10, đoàn xe cứu thương chở thi thể 13 đồng đội của họ tại tiểu khu 67 về đến Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268.

Mưa lất phất rơi trên vành mũ kê-pi của đội kiểm soát quân sự đứng chờ. Người dân TP Huế cũng đội mưa đợi trước cổng bệnh viện. Họ đứng đó và đón nhận một thực tế đau buồn không thể đảo ngược: Toàn bộ 13 cán bộ chiến sĩ bị mất tích đều đã hy sinh.

"Anh ấy chỉ kịp ăn ổ bánh mì"

14h ngày 12/10, thượng tá Hoàng Đình Thắng, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn thông tin 80, có cuộc điện thoại cuối cùng với trung tá Lê Tất Thắng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn, khi cả đoàn cứu hộ 21 người đang vượt lũ tiến vào Rào Trăng 3.

- Tình hình trong đó thế nào?

- Đường vào đây sạt lở rất nhiều.

- Sức khỏe anh em vẫn ổn chứ?

- Anh em sức khỏe tốt. Chỉ có điều mới cơ động vào sở chỉ huy nên ăn uống bữa trưa không được đầy đủ lắm. Chút nữa tâm sự nhé, đang đi với thủ trưởng Man.

Trung tá Lê Tất Thắng đáp và tắt máy.

Thượng tá Thắng kể bản thân vị tham mưu trưởng cũng chưa kịp ăn trưa. Ông cầm vội một ổ bánh mỳ và ăn trong lúc di chuyển.

 Bức ảnh cuối cùng của trung tá Lê Tất Thắng và 2 cán bộ, chiến sĩ thông tin trước giờ hành quân vào thủy điện Rào Trăng 3. Đại úy Cường và thượng úy Trung mang theo 2 máy vô tuyến sóng ngắn để đảm bảo liên lạc. Ảnh: Lữ đoàn 80.

Bức ảnh cuối cùng của trung tá Lê Tất Thắng và 2 cán bộ, chiến sĩ thông tin trước giờ hành quân vào thủy điện Rào Trăng 3. Đại úy Cường và thượng úy Trung mang theo 2 máy vô tuyến sóng ngắn để đảm bảo liên lạc. Ảnh: Lữ đoàn 80.

Trước đó một ngày, từ TP Vinh, đại úy Nguyễn Cảnh Cường nhận lệnh điều động khẩn cấp từ Lữ đoàn thông tin 80. Người vợ đang trọ học tại Hà Nội hẹn anh sẽ về thăm nhà vào ngày hôm sau. Ngậm ngùi vì quân lệnh, anh hẹn vợ sau khi xong nhiệm vụ sẽ gặp nhau.

Đích thân Tham mưu trưởng Lê Tất Thắng dẫn theo hơn 10 cán bộ, chiến sĩ thông tin từ Vinh hành quân cấp tốc đến Thừa Thiên - Huế.

Khi đến sở chỉ huy tiền phương tại UBND xã Phong Xuân, Tham mưu trưởng Lê Tất Thắng cùng 2 sĩ quan dày dạn kinh nghiệm nhất tham gia đoàn cứu hộ 21 người do thiếu tướng Nguyễn Văn Man dẫn đầu.

Đoàn khởi hành lúc 13h ngày 12/10, lộ trình vượt 30 km từ sở chỉ huy tiền phương vào thủy điện Rào Trăng 3 - nơi có thông tin hàng chục công nhân đang bị vùi lấp. Họ phải vượt qua nhiều điểm ngập sâu, sạt lở, sóng điện thoại mất hoàn toàn.

Tham mưu trưởng Lê Tất Thắng giữ vai trò trinh sát địa hình, lựa chọn các vị trí đặt trạm thông tin liên lạc trung gian. Đại úy Nguyễn Cảnh Cường và thượng úy Đinh Văn Trung mỗi người đeo một máy liên lạc vô tuyến sóng ngắn. Họ luôn đi sát thiếu tướng Nguyễn Văn Man để sẵn sàng truyền tải chỉ đạo của ông về sở chỉ huy.

Đoàn đến Trạm kiểm lâm số 7 (tiểu khu 67) lúc 22h. Một giờ sau, các sĩ quan thông tin khởi động máy vô tuyến để thiếu tướng Man truyền đạt mệnh lệnh về sở chỉ huy.

Khoảng 0h ngày 13/10, ngọn đồi phía sau trạm kiểm lâm bất ngờ sạt xuống. 8 người may mắn chạy thoát khỏi căn nhà. 13 người mất tích dưới lớp bùn đất.

Bức điện cuối cùng

"Sở chỉ huy tiền phương nắm lại tình hình mưa lũ, sạt lở, chuẩn bị phương tiện, lực lượng, sẵn sàng triển khai cứu nạn trong ngày mai khi có lệnh của đồng chí Man", thượng tá Hoàng Đình Thắng kể lại nội dung bức điện được đoàn cứu hộ gửi về sở chỉ huy tiền phương lúc 23h ngày 12/10.

Đó cũng là phiên liên lạc cuối cùng trong ngày. Sở chỉ huy được lệnh tạm dừng liên lạc. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man hẹn chiến sĩ thông tin nối máy vào 5h sáng hôm sau.

Hình ảnh cuối cùng của thiếu tướng Nguyễn Văn Man và đoàn cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh cắt từ clip.

"Đoàn đã vào nhà nghỉ ngơi, đốt lửa sưởi ấm. Mình tin tưởng vào sự bình an của họ", thượng tá Hoàng Đình Thắng chia sẻ. Ông không ngờ rằng đó là bức điện cuối cùng được gửi.

Trên đường tìm về sở chỉ huy, 8 cán bộ chiến sĩ thoát nạn gặp được 2 chiến sĩ của Bộ CHQS Thừa Thiên - Huế đang đi ngược ra từ Rào Trăng 4. Hai chiến sĩ tiếp tục dìu các đồng đội về.

"Đồng chí tham mưu trưởng ít hơn tôi 5 tuổi. Phẩm chất đạo đức của anh ấy rất tốt. Trình độ chuyên môn cao. Trung thực, tình cảm, sống rất tốt với anh em đồng đội", thượng tá Hoàng Đình Thắng ngậm ngùi kể về người đồng đội.

Theo thượng tá Thắng, 3 người lính của lữ đoàn ra đi để lại cú sốc lớn cho các thân nhân. Tham mưu trưởng Lê Tất Thắng có bố mẹ già và 2 con nhỏ đang học lớp 10 và lớp 2. Vợ ông làm giáo viên dạy hóa ở trường cấp 3 Kim Liên, Nam Đàn. Đại úy Nguyễn Cảnh Cường cũng hy sinh khi chỉ còn một ngày nữa là được đoàn tụ với vợ.

"Thượng úy Trung cũng rất hoàn cảnh. Bố cậu ấy đã 73 tuổi, bị bệnh tim. Hai con nhỏ, một cháu mới hơn 3 tuổi, cháu út chưa tròn 1 tuổi. Trong 3 cán bộ hy sinh thì Trung là người duy nhất nhận nhiệm vụ khi đang nghỉ phép ở nhà. Anh ấy còn được gặp vợ con trước khi ra đi", thượng tá Hoàng Đình Thắng chia sẻ.

Sau khi tin dữ báo về sở chỉ huy Lữ đoàn 80, thượng tá Hoàng Đình Thắng cùng 17 cán bộ, chiến sĩ lập tức tăng cường đến hiện trường. Những người lính mang theo đài sóng ngắn lại băng rừng tiến vào nơi đồng đội mất tích.

Đến 10h ngày 14/10, mạch liên lạc được thông suốt từ sở chỉ huy đến tiểu khu 67. Các chiến sĩ Lữ đoàn 80 làm xong một phần nhiệm vụ. Họ tiếp tục túc trực tại hiện trường, chờ thời tiết tốt hơn để đưa thiết bị liên lạc đến Rào Trăng 3.

Nói như đại úy Nguyễn Công Vinh, cựu chiến binh Lữ đoàn 80, lính thông tin luôn phải "đi trước, về sau". "Khi bắt đầu một trận đánh thì họ phải đi lên tuyến đầu cùng cấp chỉ huy, trinh sát. Khi kết thúc trận đánh, họ cũng là người rút khỏi trận địa cuối cùng", ông chia sẻ.

Trong giờ phút nghe tin những người lính trẻ hy sinh trong bão lũ, đại úy Vinh đã viết nên những dòng thơ khắc họa chân dung 3 người đồng chí quả cảm của mình:

"Tất Thắng ơi ! Mới chỉ gặp lần đầu

Đôi mắt em sáng lên màu dũng khí

Cái hồn nhiên với nụ cười dung dị

Tạm biệt nhau rồi , anh lại nghĩ về em

Đinh Văn Trung - Một chức vụ trưởng đài

Tín hiệu đi về, miệt mài cùng nhiệm vụ

Cứu nạn đồng bào trong cơn bão lũ

Sóng ngắn, sóng dài - giấc ngủ giữa rừng sâu

Cao Lĩnh quê tôi, nhớ Nguyễn Cảnh Cường

Chàng trai trẻ trên chặng đường binh nghiệp

Nối gót ông, cha ngày nay bước tiếp

Rạng rỡ giống nòi bằng nghĩa hiệp nhà binh".

Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buc-dien-cuoi-cung-cua-doan-cuu-ho-rao-trang-post1142897.html