Bức mật thư thay đổi cục diện chiến trường Điện Biên Phủ

Theo lời nhân chứng, trước khi chiến cục Đông Xuân 1953-1954 bước vào giai đoạn căng thẳng, một bức mật thư đã được gửi từ Điện Biên Phủ về an toàn khu.

Hình ảnh trên bìa cuốn Điện Biên Phủ. Ảnh được chụp ngày 6/2/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Nguồn: TTXVN

Chiều ngày 3/5 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức lễ giới thiệu sách Điện Biên Phủ của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kể từ năm 1969, đây là lần thứ 9 cuốn sách được chỉnh lý và bổ sung. Trong lần ra mắt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cuốn sách bổ sung thêm tư liệu do con trai đại tướng - ông Võ Hồng Nam sưu tầm và chọn lọc.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Công Dinh, nguyên sĩ quan Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã có mặt để chia sẻ về những ngày tháng kề vai sát cánh đại tướng Võ Nguyên Giáp trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Bước ngoặt tại Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là bước ngoặt quan trọng mở ra tiền đề cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Quyết định này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong một bức thư mật và giao ông Nguyễn Công Dinh mang từ sở chỉ huy Điện Biên về giao tận tay Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Công Dinh tại lễ ra mắt sách. Ảnh: Nhật Minh.

Trước khi nhận được nhiệm vụ, ông Nguyễn Công Dinh được biết rằng quân Pháp đang huy động quân lên củng cố tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ. Quân ta có ý định đánh nhanh thắng nhanh. Dựa trên những phân tích thực tế tình hình địch, ta cùng sự tài ba, mưu lược, đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu cân nhắc lại các bước đi. Ông mời các tư lệnh đại đoàn tới họp và đi đến quyết định thay đổi phương châm tác chiến.

Cuốn Điện Biên Phủ ấn bản 2024.

Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết một lá thư báo cáo với Bác và xin ý kiến về việc chuyển phương châm tác chiên. Ông Nguyễn Công Dinh nhận nhiệm vụ chuyển thư về an toàn khu Thái Nguyên.

Trong hơn 2 ngày di chuyển từ Điện Biên về an toàn khu, ông Dinh gặp không ít tình huống nguy hiểm, còi báo động máy bay thi thoảng lại kêu vang. Khi vừa mới từ phà lên đất liền, ông đã thoát chết trong gang tấc khi máy bay địch thả bom lệch vài trăm mét xuống lòng sông.

“Ngày đó, tôi giữ chặt lá thư trong người chứ không dám đeo ở túi vì sợ rằng nếu mình có hy sinh, đồng đội tìm xác mình sẽ thấy được lá thư”, ông Dinh kể lại.

Sau khi đưa lá thư cho Bác và đợi phản hồi, ông trở về Điện Biên. Vừa mới gặp lại Đại tướng, ông đã biết rằng Bác Hồ đã gửi điện báo đồng ý thay đổi phương châm tác chiến. Đây là một trong những khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc đời ông Dinh. Lúc đó, ông cũng không thể mường tượng ra viễn cảnh chỉ 4 tháng sau, chúng ta đã bắt sống được tướng de Castries.

Tích hợp mã QR để xem tư liệu sinh động

Tại lễ ra mắt ấn phẩm, quá trình viết sách, tái bản làm mới sách được kể lại.

Theo ông Võ Hồng Nam, con trai đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc sinh thời ông được dặn dò rằng phải sưu tầm lại các tư liệu lịch sử, thu thập các bài viết, bản đồ từ xưa. Chính vì vậy, ông Nam đã lăn lộn nhiều nơi, đặc biệt các chiến trường xưa, để tìm lại từng mảnh ghép lịch sử.

Ông Nam chia sẻ rằng quá trình này không hề dễ dàng nếu không có sự giúp sức của Viện Lịch sử quân sự, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật và các đơn vị liên quan.

Ông Võ Hồng Nam, con trai đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu tại lễ ra mắt sách.

Tại lễ ra mắt, ông Nam cũng chia sẻ: “Để ra được một trang sách, đại tướng có thể viết đi viết lại 15-20 lần. Cho đến khi sắp gửi đi rồi ông vẫn có thể ngồi viết lại. Sự tỉ mỉ của ông thể hiện trong từng chi tiết. Bởi ông hiểu rằng mình phải luôn luôn giữ sự khách quan với lịch sử, sự thật”.

Cuốn sách phiên bản năm 2024 gồm có ba phần. Phần thứ nhất là tập hợp sáu lá thư của Chủ tịch Hồ Chí minh gửi cán bộ chiến sĩ ở Điện Biên Phủ.

Phần thứ hai trình bày diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ và phân tích luận giải sâu sắc của tác giả về sự kiện lịch sử vĩ đại này.

Phần cuối bao gồm những bài viết, bài trả lời phỏng vấn… của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ở phiên bản mới, nhà xuất bản đã tích hợp mã QR vào sách để độc giả có thể nhìn bản đồ, tư liệu trực tuyến.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://znews.vn/buc-mat-thu-thay-doi-cuc-dien-chien-truong-dien-bien-phu-post1473638.html