Bức tranh đan xen mảng màu sáng – tối, cơ hội nào cho tăng trưởng cuối năm?

Trong bối cảnh khủng hoảng, bức tranh xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm ghi nhận nhiều gam màu sáng. Song, vẫn tồn tại mảng tối, cần sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc việc tái cấu trúc hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới; đặc biệt, thực thi triệt để, tận dụng hiệu quả 'bệ đỡ' là các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.

Xu hướng khởi sắc trong tháng 5

Số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong tháng 5 có tín hiệu tích cực hơn tháng trước khi kim ngạch ước đạt 55,86 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng 4.

Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 5/2023, ước tính xuất siêu 2,24 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,24 tỷ USD).

Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng 4. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,79 tỷ USD, tăng 1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,26 tỷ USD, tăng 5,5%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm, có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,4%.

Trong bức tranh về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu thì gạo chính là điểm sáng. Ảnh: TL

Trong bức tranh về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu thì gạo chính là điểm sáng. Ảnh: TL

Trong bức tranh về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu thì gạo chính là điểm sáng khi tăng cả lượng và giá trị. Trong nhiều ngày qua, giá gạo xuất khẩu luôn ở mức cao, vượt cả giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ, đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8%. Lũy kế từ đầu năm, xuất khẩu gạo tăng gần 41% về lượng và 52% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tình hình xuất khẩu gạo quý II sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực. Do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên, nên giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao.

Bên cạnh gạo, nước ta còn ghi nhận nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng cao như: cà phê, rau quả, hạt điều, thịt phụ phẩm… Trong đó, điển hình là cà phê đạt 2.295 USD/tấn, tăng 2,4%.

Ở khía cạnh khác, đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, trong tháng 5, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại như. Đơn cử như Trung Quốc, Nhật Bản và khu vực châu Á… những thị trường tiềm năng lớn này đang chứng kiến dấu hiệu có đà tăng trở lại.

Bên cạnh đó, số liệu mới công bố cũng cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, một số thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta vẫn giữ được thứ hạng, cụ thể, đứng đầu là Hoa Kỳ với kim ngạch ước đạt 37,2 tỷ USD. Xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 31,2 tỷ USD; xuất siêu sang EU 12,6 tỷ USD; xuất siêu sang Nhật Bản 521 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 564 triệu USD)…

Mặt khác, mới đây, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) đã có dự báo triển vọng xuất khẩu tích cực từ nay đến cuối năm cho hàng Việt. Trong đó có nhấn mạnh thị trường tiềm năng Ấn Độ. Ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi chia sẻ, theo Chính sách ngoại thương 2023 của Ấn Độ, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu nhiều nhóm hàng chủ lực như nông sản (cà phê, hạt tiêu, hạt điều, quế, hồi, gừng, nghệ…), thủy sản nguyên liệu, phân bón, hóa chất, máy móc nông nghiệp, các sản phẩm hàng tiêu dùng…sang thị trường này.

Thực thi triệt để FTA - “bệ đỡ” cho xuất khẩu thời gian tới

Bên cạnh những gam màu sáng, bức tranh xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm vẫn tồn tại mảng tối khi kim ngạch sụt giảm 11,6% so với cùng kỳ, tương đương mức giảm gần 18 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 35,19 tỷ USD, giảm 13,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 100,98 tỷ USD, giảm 11,1%, chiếm 74,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong 5 tháng, có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,4%, song trong đó có tới 6 mặt hàng tăng trưởng âm.

6/7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD tăng trưởng âm

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu 5 tháng ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu đạt 43,95 tỷ USD, giảm 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 82,42 tỷ USD, giảm 17,5%. Theo các chuyên gia kinh tế, nhập khẩu giảm mạnh chủ yếu là do giảm nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất nên đây là điều cần phải quan tâm.

Đơn cử như với thị trường Hàn Quốc - là thị trường cung cấp máy móc thiết bị và nhiều nguyên liệu đầu vào cho các ngành xuất khẩu, như điện thoại, máy tính, hàng dệt may, sắt thép...,chủ yếu để phục vụ các doanh nghiệp FDI 100% vốn Hàn Quốc tại Việt Nam - trong 5 tháng, nhập khẩu từ nước này đạt 20,4 tỷ USD, giảm 26,8%; nhập siêu từ thị trường này giảm 38,3%, tương ứng 10,8 tỷ USD.

"Điều này có nghĩa là tốc độ nhập khẩu các nhóm hàng máy móc thiết bị và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đã giảm mạnh do doanh nghiệp thiếu đơn hàng xuất khẩu, sản xuất ngưng trệ" - ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định. Theo đó, biểu hiện rõ nhất là xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã sụt giảm 16%, còn 21,17 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện 20,3 tỷ USD, giảm 9,8%; máy móc thiết bị phụ tùng 16,5 tỷ USD, giảm 5,1%. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị...sẽ chỉ gia tăng khi đơn hàng quay trở lại nhờ nhu cầu thị trường hồi phục.

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất nhập khẩu. Bộ Công thương xác định sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ như đẩy mạnh đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng; Tạo thuận lợi hóa, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA...

Mặt khác, nhìn vào con số số xuất siêu và nhập siêu giữa 2 khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khá đối lập. Trong khi khu vực trong nước nhập siêu 8,76 tỷ USD thì khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,56 tỷ USD. Điều đó thể hiện khả năng tự chủ nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp nội còn yếu…

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng, mở rộng thị trường xuất khẩu diễn ra vừa qua, sự sụt giảm nhu cầu trên thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Do vậy, tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều thách thức, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới…

Trước những khó khăn, thách thức đó, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, sản xuất những mặt hàng thế giới có nhu cầu cao, chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới thì giải pháp thực thi triệt để, tận dụng hiệu quả các FTA sẽ là “bệ đỡ” đáng kể cho xuất khẩu trong thời gian tới. Hiện xuất khẩu nước ta có một hệ thống 15 FTA đang thực thi để tận dụng ưu đãi, đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu phải nỗ lực giữ các thị trường đang có và chú ý mở rộng sang các thị trường nhỏ nhưng có tiềm năng nhờ kinh tế ổn định hơn như khu vực Trung Đông, ASEAN. Mặt khác, doanh nghiệp cần tái cấu trúc, đánh giá lại điểm mạnh, điểm yếu của mình để chọn thị trường, phân khúc và sản phẩm phù hợp với thế mạnh của mình./.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/buc-tranh-dan-xen-mang-mau-sang-toi-co-hoi-nao-cho-tang-truong-cuoi-nam-129041.html