Bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 có những mảng sáng

Theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra sáng 28/10, cử tri thành phố Cần Thơ bày tỏ sự quan tâm và đóng góp ý kiến nhiều vấn đề liên quan đến sự phát triển của đất nước.

Cử tri Dương Văn Bé (quận Cái Răng) theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội sáng 28/10. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Cử tri Dương Văn Bé (quận Cái Răng) theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội sáng 28/10. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Theo cử tri Dương Văn Bé (quận Cái Răng), qua các báo cáo được trình bày tại Quốc hội, ông nhận thấy có những điểm sáng như tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022 đạt trên 8,3%. Đây là việc rất đáng mừng khi Việt Nam vừa chống dịch thành công, kinh tế ổn định và phát triển. Điều này cho thấy các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội cùng sự điều hành của Chính phủ về các kế hoạch, biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế đã được thực hiện rất tốt.

Cùng với đó là sự nỗ lực của 63 tỉnh, thành phố, các bộ, ngành đã mang lại những kết quả tích cực, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phòng, chống tham nhũng. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đây là những thành tựu nổi bật cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Cử tri Dương Văn Bé cũng nhận xét các đại biểu Quốc hội đã có sự đầu tư, suy nghĩ đối với những vấn đề đưa ra thảo luận; việc hỏi, trả lời đi vào trọng tâm, tập trung vào những vấn đề được đại biểu nêu ra. Phiên thảo luận được chủ tọa kỳ họp điều hành với các chương trình, kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ.

Góp ý cho công tác điều hành thảo luận, ông Bé đề nghị chủ tọa cần điều hành nhanh gọn và súc tích hơn. Các đại biểu khi phát biểu không nên dàn trải mà cần đi ngay vào trọng tâm vấn đề. Qua theo dõi các ý kiến tại hội trường, cử tri cho rằng nhiều ý kiến còn mang tính tham luận thay vì thảo luận, những vấn đề này nên được trình bày khi thảo luận tổ còn khi phát biểu trực tiếp trên sóng truyền hình cần đi ngay vào những vấn đề trọng tâm, tránh mất thời gian và cũng để Quốc hội có thể ghi nhận được nhiều ý kiến hơn.

Bày tỏ tâm đắc với phần phát biểu của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) về đề xuất cần có giải pháp kịp thời và quyết liệt hơn trong giải quyết việc thiếu thuốc, thiết bị y tế, cử tri Dương Văn Bé cho rằng đại biểu đã chọn lọc, chỉ tập trung vào các vấn đề bức xúc đang được cử tri cả nước quan tâm.

Tiến sĩ Kinh tế Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long góp ý nhiều vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: TTXVN phát

Theo cử tri Trần Hữu Hiệp, Tiến sĩ Kinh tế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 có những mảng sáng, tạo được niềm tin của đông đảo người dân. Đó là sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế qua số lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động, thành lập mới cũng như thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều này không chỉ chúng ta mà thế giới cũng đánh giá tốt sự tăng trưởng kinh tế trở lại sau đại dịch của Việt Nam. So với chỉ tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% của cả năm thì đến thời điểm này chúng ta đã thực hiện vượt kế hoạch.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế như Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương chiếm 1/4 nguồn thu ngân sách của cả nước hay tại Đồng bằng sông Cửu Long - vùng trọng điểm về nông nghiệp và thủy sản, tuy các chỉ số tăng trưởng trong hai lĩnh vực trên dù còn những khó khăn nhưng đã gặt hái những kết quả tốt qua gần 10 tháng, tác động rất lớn đến nền kinh tế của quốc gia.

Một số lĩnh vực cũng đạt khá như xuất nhập khẩu với giá trị nhiều mặt hàng chủ lực như gạo đã tăng lên so với nhiều năm trước, thể hiện sự chuyển dịch trong xuất khẩu của Việt Nam. Nếu như trước đây chúng ta chỉ tập trung ở giá rẻ thì hiện nay phân khúc hàng hóa xuất khẩu đã được nâng lên. Ngành Du lịch cũng phục hồi tốt, tuy lượng khách quốc tế còn hạn chế nhưng du lịch nội địa có sự tăng trưởng mạnh.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho rằng, dù Chính phủ đã năng động trong công tác điều hành nhằm kềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như giảm bớt những tác động tiêu cực từ lạm phát, tăng giá nhưng việc tăng lãi suất luôn có hai mặt. Khi lãi suất tăng lên sẽ tác động ngay đến doanh nghiệp, đặc biệt là thời điểm này các doanh nghiệp đang có nhu cầu vốn rất lớn để phục vụ sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm. Dù góp phần kềm chế lạm phát nhưng việc tăng lãi suất cũng ảnh hưởng đến thu nhập thực tế, sinh kế của đại đa số người lao động.

Cử tri Trần Hữu Hiệp kiến nghị Quốc hội cần đưa ra các quyết sách để cụ thể hóa các định hướng lớn được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua. Những chủ trương, định hướng của Trung ương có trở thành hiện thực trong đời sống hay không thể hiện qua những quyết sách của Quốc hội và tổ chức thực hiện của Chính phủ. Khi các quyết sách được ban hành, rất cần sự điều hành năng động, sáng tạo, nhạy bén, dám chịu trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như chính quyền các địa phương. Đó là những gì cử tri chờ đợi ở kỳ họp này.

Thêm vào đó, cử tri cũng kiến nghị cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân nhiều hơn nữa; tập trung cho giải pháp hỗ trợ vốn tín dụng cho doanh nghiệp cũng như các công cụ thuế để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sau thời gian dài khó khăn do dịch bệnh. “Theo tôi, Nhà nước nên cân nhắc giữa hụt thu ngân sách và miễn giảm thuế, xem công cụ thuế là liều thuốc để giúp doanh nghiệp phục hồi. Đơn vị nào có “sức khỏe” tốt để đóng góp cho đất nước nhiều hơn thì cần được ưu tiên”, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp nói.

Thanh Liêm (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/buc-tranh-kinh-te-cua-viet-nam-trong-nam-2022-co-nhung-mang-sang-20221028160141506.htm