Bức tranh KT - XH miền Tây Nghệ An hôm nay

Sáng 13/8, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Quốc hội Đỗ Văn Chiến đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung tập trung vào các vấn đề thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao… Báo Nghệ An cung cấp một số thông tin phản ánh bức tranh miền núi Nghệ An - nơi tập trung đồng bào nghèo thiểu số.

Đường vào bản Phà Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: Đào Tuấn

Đường vào bản Phà Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: Đào Tuấn

Đặc điểm tự nhiên, địa hình:

Miền Tây Nghệ An có diện tích tự nhiên 13.747,69 km2, chiếm 83,36% diện tích toàn tỉnh. Có 11 huyện, thị xã khu vực miền núi, trong đó có 5 huyện miền núi cao và 6 huyện, thị xã miền núi thấp.

Thành phần dân tộc: Có 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có các cộng đồng thiểu số: Thái, Mông, Khơ mú, Thổ, Ơ đu và tộc người Đan Lai.

Miền Tây Nghệ An có 217 xã, phường, thị trấn, 27 xã biên giới với 419 km đường biên giáp với nước CHDCND Lào.

Khu vực miền Tây Nghệ An có 3 huyện nghèo được hưởng chính sách đầu tư theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và huyện Quỳ Châu là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hưởng cơ chế đầu tư theo Quyết định số 293 của Thủ tướng Chính phủ (nay là Quyết định số 275/QĐ-TTg).

Có 99 xã đặc biệt khó khăn và 184 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình 135.

Bản làng người Khơ mú. Ảnh: Hồ Phương

Những chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh đối với miền Tây Nghệ An:

+ Một số chính sách của Trung ương:

- Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

- Chương trình 134/CP.

- Chương trình 135/CP.

- Chương trình 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Chương trình xây dựng nông thôn mới...

Làm đường giao thông nông thôn mới ở xóm Minh Sơn, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ. Ảnh tư liệu

+ Một số chính sách của Nghệ An:

- Quyết định số 56/2016/QĐ-UBND ngày 29/9/2016 về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với 44 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết 30a.

- Quyết định số 3550/QĐ-UBND ngày 04/8/2017 của UBND tỉnh phân công 113 cơ quan, đơn vị giúp đỡ 108 xã nghèo miền Tây.

- Các chính sách hỗ trợ đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư,...

Sở GTVT hỗ trợ hàng trăm áo ấm cho học sinh xã nghèo Keng Đu, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Tư liệu

Những hạn chế về kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An:

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các huyện, thị miền Tây đang chiếm tỷ lệ cao so với bình quân chung toàn tỉnh. Hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 70% so với số hộ nghèo của vùng.

+ Thu nhập bình quân đầu người bằng 63,3% bình quân chung cả tỉnh.

+ Các vấn đề thiết yếu như: Nhà ở, đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng, nước sinh hoạt chưa được giải quyết căn bản.

+ Trình độ dân trí thấp, điều kiện phát triển văn hóa, giáo dục, y tế khó khăn. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao.

+Tập quán sản xuất, sinh hoạt của một số đồng bào dân tộc thiểu số lạc hậu.

+ Tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm ma túy, hoạt động truyền đạo, di dịch cư trái pháp luật qua biên giới, ...

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.

Cuộc sống của người dân miền Tây Nghệ An. Ảnh tư liệu

Một số nguyên nhân chủ yếu:

- Điều kiện phát triển kinh tế – xã hội vùng miền Tây Nghệ An nguồn thu nhập của nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lâm nghiệp; chịu nhiều ảnh hưởng về điều kiện sản xuất canh tác khó khăn, tưới tiêu không chủ động, diện tích đất sản xuất nông nghiệp thấp.

- Miền Tây địa hình phức tạp, đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, quen với tập quán sản xuất tự cung tự cấp, trình độ dân trí còn hạn chế.

- Cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng đã có nhiều bước phát triển, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt đời sống của nhân dân.

- Nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, một số chính sách hỗ trợ trực tiếp không khuyến khích được sự nỗ lực vươn lên của người nghèo.

Các em nhỏ thuộc tộc người Đan Lai ở bản Búng, xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: Đào Tuấn

- Người dân còn thiếu kiến thức, thiếu chuyên môn kỹ thuật, sản xuất còn hạn chế, năng suất lao động thấp.

- Phần lớn hộ nghèo không biết tính toán cách làm ăn và chi tiêu nên việc tích lũy cho tái đầu tư sản xuất không thực hiện được, thiếu vốn cho sản xuất và kinh doanh.

- Số hộ nghèo đông con, đông người ăn theo, thiếu việc làm. Còn có một bộ phận người trong hộ gia đình lười lao động, mắc các tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, nghiện rượu, cờ bạc.

- Bố trí lồng ghép nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, nhỏ lẻ, dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm và chưa đồng bộ dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao hoặc chậm phát huy tác dụng, thậm chí gây lãng phí.

- Các hộ nghèo đang còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước.

Bản Ca Da (xã Bảo Thắng - Kỳ Sơn) nằm bên dòng khe Com được xem là một trong những bản đặc biệt khó khăn nhất với 103 hộ, 490 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo chiếm 66%. Đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào nương rẫy, tự cung, tự cấp là chính. Ảnh: Đào Thọ

(Nguồn thông tin: Sở LĐTB&XH Nghệ An)

P.V

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/buc-tranh-kt-xh-mien-tay-nghe-an-hom-nay-209834.html