Bức tranh sáng - tối hậu cổ phần hóa: Bài 1: Đằng sau con số 13% doanh nghiệp thua lỗ

Kể từ thời điểm Việt Nam bắt đầu thí điểm cổ phần hóa (CPH) từ năm 1992, đến nay công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước đã trải qua nhiều thăng trầm. Bức tranh hậu CPH bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại. Báo Hải quan khởi đăng loạt bài viết, như một vài 'lát cắt' về hậu CPH của một số doanh nghiệp - thành công có, thất bại có, bất ổn có - với mong muốn chặng đường tiếp theo có những chuyển động và sự kết nối nhịp nhàng giữa các chủ thể tham gia, đặc biệt là trong một hành lang pháp lý đầy đủ để đạt mục tiêu đề ra.

Hoạt động của các DNNN nói chung và doanh nghiệp sau CPH nói riêng vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định. Ảnh: ST

Hoạt động của các DNNN nói chung và doanh nghiệp sau CPH nói riêng vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định. Ảnh: ST

Hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có thể ví như một bức tranh đa sắc màu. Trên bức tranh ấy, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, tổng doanh thu, lãi trước thuế và số tiền nộp ngân sách đều tăng trưởng là mảng sáng minh chứng rõ ràng nhất cho việc các DNNN đang hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa (CPH), thoái vốn. Tuy vậy, tỷ lệ mảng tối với những con số thua lỗ, thất thoát, nợ nần cũng không hề nhỏ.

Có tăng trưởng

Kết thúc năm tài chính 2018 (được Bộ Tài chính công bố cuối năm 2019), cả nước có tổng cộng 855 DNNN, bao gồm 505 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 350 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Thống kê từ báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại 855 doanh nghiệp là 1,53 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm tài chính 2017. Trong đó, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 1,36 triệu tỷ đồng; doanh nghiệp có vốn nhà nước là 164,134 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đạt 3,71 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm trước đó. Trong khi đó, 505 DNNN nắm giữ 100% vốn có tổng tài sản đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 2%. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 39% tổng tài sản. Còn vốn chủ sở hữu của DNNN là trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 5%.

Cũng theo thống kê này, năm tài chính 2018, tổng doanh thu của các DNNN đạt 1,56 triệu tỷ đồng, tăng 9%. Lãi phát sinh trước thuế của các DNNN đạt 165,752 nghìn tỷ đồng, tăng 3%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế Thu nhập doanh nghiệp/vốn chủ sở hữu bình quân chung của các DNNN năm 2018 là 12%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế Thu nhập doanh nghiệp/tổng tài sản bình quân chung chung của các DNNN năm 2018 là 6%. Hai tỷ lệ này tương đương năm 2017.

Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết thêm: Năm 2018, DNNN đã nộp về ngân sách nhà nước gần 268 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2017, chủ yếu thu từ hoạt động kinh doanh nội địa, chiếm 76% tổng số phát sinh phải nộp ngân sách của các DNNN. Những số liệu đó chứng minh rằng: Hoạt động của các DNNN nói chung và doanh nghiệp sau CPH nói riêng vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định; tỷ lệ vốn nhà nước góp tại các công ty cổ phần có xu hướng dịch chuyển gắn liền với quá trình tái cơ cấu, CPH DNNN. Nhà nước chỉ còn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 180 doanh nghiệp cổ phần, chủ yếu tập trung tại các tập đoàn, tổng công ty lớn và các doanh nghiệp cung ứng, sản phẩm, dịch vụ công ích sau khi thực hiện cổ phần hóa.

Phân tích dữ liệu thu thập từ hoạt động của khoảng 60-70% tổng số doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước từ 2005 đến nay có thể thấy, sau khi Nhà nước rút vốn khỏi các doanh nghiệp, dù dưới hình thức thoái vốn hay cổ phần hóa để nhà đầu tư ngoài tham gia doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cải thiện lên khá nhiều. ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) trung bình 3 năm sau thoái vốn là 15,4% trong khi trước khi thoái vốn là 12,4%. Tương tự ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tài sản) trung bình trước thoái vốn là 1,5% trong khi sau thoái vốn ở mức 1,6%.

(Nguồn: Báo cáo của nhóm nghiên cứu Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá hiệu quả doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn)

Đồng tình với kết quả đề cập ở trên, ông Nguyễn Hồng Hiển - Vụ trưởng Vụ Công nghệ hạ tầng - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng: Mặc dù còn nhiều vướng mắc nhưng thực tế cho thấy việc tái cơ cấu đã giúp nhiều DNNN gần như được “thay máu” với những kết quả kinh doanh đáng ngạc nhiên.

Một ví dụ dễ thấy chính là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), sau 5 năm tái cơ cấu, đã chuyển đổi từ doanh nghiệp thuần viễn thông sang kinh doanh viễn thông - công nghệ. Trong thời gian qua, VNPT liên tục duy trì tốc độ tăng lợi nhuận bình quân trên 20%/năm, tổng doanh thu đạt hơn 265,8 tỷ đồng.

Hay như Vinamilk, năm 2003 tiến hành CPH, năm 2006 niêm yết trên thị trường chứng khoán, từ một doanh nghiệp với số vốn 1.590 tỷ đồng, sau 18 năm vốn hóa của doanh nghiệp đã lên tới 202.907 tỷ đồng, tăng tới 200 lần. Kết quả kinh doanh năm 2019 của Vinamilk ghi nhận 56.400 tỷ đồng tổng doanh thu với 12.796 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Công ty Cổ phần (Hapro) cũng là một điển hình của “điểm sáng” sau CPH. Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này đạt 141 tỷ đồng, gấp 6,5 lần so với năm 2018 và gấp 10 lần so với năm 2017 (năm trước CPH). Tổng kim ngạch XK của Hapro đạt gần 60 triệu USD với trên 40.000 tấn hàng hóa các loại.

Một góc nhìn khác

Đánh giá chung là khá tích cực song cũng cần thẳng thắn thừa nhận vẫn còn tồn tại nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án có tình hình kinh doanh không tốt, gây thua lỗ và thất thoát lãng phí. Chẳng hạn như Tổng công ty Sông Đà – Công ty Cổ phần. Doanh nghiệp này chính thức chuyển thành công ty cổ phần từ 6/4/2018. Đến hết năm 2019, số nợ phải trả của Sông Đà lên tới 20.148 tỷ đồng. So sánh với năm 2018, các chỉ tiêu cả về doanh thu, lợi nhuận đều ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 612 tỷ đồng; lợi nhuận gộp giảm 329 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 33 tỷ đồng,…

Nhắc đến tiêu cực thì không thể quên câu chuyện đắt giá của Cảng Quy Nhơn. Việc CPH doanh nghiệp này được bắt đầu từ tháng 7/2013. Những tưởng với việc nằm trong quy hoạch hệ thống cảng biển để thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam” đến năm 2020; với khối tài sản “vàng” đồ sộ, việc CPH Cảng Quy Nhơn sẽ là một thương vụ lớn, mang về nhiều lợi ích cho Nhà nước. Tuy nhiên, có lẽ do lợi ích quá lớn dẫn đến quá trình CPH doanh nghiệp này xảy ra nhiều sai phạm, chỉ trong một thời gian ngắn, một cảng biến vốn thuộc sở hữu Nhà nước nhanh chóng trở thành 100% vốn tư nhân với giá “rẻ như cho”. Tại Thông báo Kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, ngày 17/9/2018 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ: Trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn, Bộ Giao thông vận tải , Vinaline, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, Tổ giúp việc, Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.

Tính từ năm 2016 đến tháng 2/2020, đã có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là 443,126 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206,748 nghìn tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến tháng 2/2020, thoái vốn nhà nước tại 96 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4,783 nghìn tỷ đồng, thu về 9,185 nghìn tỷ đồng.

(Nguồn: Bộ Tài chính)

Xung quanh vấn đề này, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính chia sẻ một vài con số: Trong năm 2018 có đến 110/855 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, chiếm 13% tổng số DNNN. Khối tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con cổ phần có tổng số nợ phải trả theo số liệu báo cáo hợp nhất là 351,733 nghìn tỷ đồng, chiếm 88,6% tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp cổ phần. Theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần thì có 59 doanh nghiệp với tổng số lỗ phát sinh là 3,2 nghìn tỷ đồng. Tính riêng công ty mẹ, có 3 công ty mẹ có lỗ phát sinh với giá trị gần 2,4 nghìn tỷ đồng.

Việc báo cáo giám sát của các chủ sở hữu với doanh nghiệp cũng còn chưa nghiêm. Còn tình trạng chậm trễ gửi Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước; Báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp.

Một số tồn tại khác là sau CPH còn nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán đã làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường. Đồng thời, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau CPH theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này - ông Đặng Quyết Tiến đề cập thêm.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 (tháng 10/2019), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2018. Trong đó đề nghị làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng DNNN, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/buc-tranh-sang-toi-hau-co-phan-hoa-bai-1-dang-sau-con-so-13-doanh-nghiep-thua-lo-126796.html