Bức tranh toàn cảnh về địa chất, khoáng sản của tổ quốc

Công trình Bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản Việt Nam tỉ lệ 1:200.000 là một công trình khoa học đồ sộ của các nhà địa chất Việt Nam tiến hành từ năm 1964 đến năm 1994.

Công sức của hàng trăm nhà khoa học qua nhiều thế hệ đã làm nên Công trình Bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản Việt Nam tỉ lệ 1:200.000.

Sau đó, công trình này tiếp tục được hiệu đính, biên tập, xuất bản vào các năm 2001, 2005 để cung cấp cho các ngành kinh tế - xã hội, các địa phương thông tin cơ bản, tin cậy về địa chất và khoáng sản trên toàn lãnh thổ phần đất liền và môt số đảo.

Việc tiến hành đo đạc, khảo sát vắt qua chiến tranh rồi hoàn thành trong hòa bình với đóng góp công sức hàng trăm nhà khoa học, họ đã đi qua 150.000km lộ trình khảo sát trên khắp mọi miền của tổ quốc.

Công sức của hàng trăm nhà khoa học

Bộ Bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản Việt Nam tỉ lệ 1:200.000 (công trình) được thành lập bởi hàng trăm nhà địa chất thuộc nhiều thế hệ trong cả nước. Cụm công trình này là tập hợp từ 28 công trình lập bản đồ địa chất (56 tờ bản đồ) tỉ lệ 1:200.000. Mỗi công trình được thực hiện trên một khu vực khác nhau, diện tích từ khoảng 5.000km2 đến vài chục nghìn kilomet vuông, lần lượt phủ kín toàn bộ diện tích phần đất liền của Việt Nam.

Trên mỗi diện tích của từng công trình đều được khảo sát thực địa, lấy mẫu phân tích để thành lập các bản đồ địa chất khoáng sản, bản đồ trọng sa - kim lượng, bản đồ địa chất thủy văn, bản đồ địa mạo,… và tìm kiếm, phát hiện các điểm khoáng sản. Ước tính, đôi chân các nhà địa chất đã tiến hành khoảng hơn 150.000km lộ trình khảo sát trên khắp mọi miền của tổ quốc.

Công trình đồ sộ này hiện đầy đủ và cơ bản nhất về đặc điểm địa chất, kiến tạo, các cấu trúc thuận lợi cho thành tạo khoáng sản. Đến nay, toàn bộ 56 tờ bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:200.000 phủ kín diện tích phần đất liền Việt Nam đã được xuất bản và được chia ra 6 loạt tờ để thuận lợi cho việc tra cứu, tham khảo, thu thập tài liệu. Mỗi tờ bản đồ đều có thuyết minh về địa chất và khoáng sản bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Trò chuyện với PV Báo Lao Động, ông Trần Văn Miến - Vụ trưởng Vụ Địa chất (Tổng cục Địa chất, Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường) - kể lại, để làm nên công trình đồ sộ kéo dài hàng chục năm đi qua cả thời chiến, thời bình là công sức của hàng trăm nhà khoa học và cả các chuyên gia Liên Xô cũ.

“Có hơn 10 nhà khoa học chủ biên các công trình cùng hàng trăm nhà khoa học góp công sức để hoàn thành công trình này. Các nhà khoa học chủ biên đều là những cánh chim đầu đàn của nền địa chất, khoáng sản Việt Nam” - ông Miến nói.

Cơ sở quy hoạch, định hướng phát triển đất nước

Theo Vụ trưởng Vụ Địa chất, công trình đã phản ánh bức tranh toàn cảnh về cấu trúc, lịch sử phát sinh, phát triển địa chất của toàn lãnh thổ Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc các kết quả nghiên cứu địa chất của khu vực và thế giới. Công trình còn xác định được quy luật phân bố, nguồn gốc thành tạo của các loại khoáng sản, làm cơ sở cho việc điều tra, tìm kiếm về sau.

Công trình là cơ sở khoa học quan trọng cho việc hình thành và triển khai nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học để làm rõ các vấn đề địa chất, khoáng sản; lịch sử phát sinh, phát triển của vỏ trái đất trên lãnh thổ Việt Nam.

Nói về các giá trị mới của công trình, ông Miến cho rằng, về giá trị địa chất, so với các tài liệu địa chất trước đó, bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:200.000 đã xác nhận và mô tả chi tiết hàng trăm phân vị địa chất, khoanh định diện phân bố, đặc điểm đặc trưng và tuổi; hoàn chỉnh hơn cấu trúc địa chất, đặc điểm kiến tạo, sinh khoáng khu vực. Trên cơ sở đó xác lập các tiền đề tìm kiếm khoáng sản, định hướng hiệu quả cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản và đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản ở các tỉ lệ lớn hơn.

Còn về khoáng sản, công trình đã phát hiện hàng trăm điểm quặng, các vành phân tán khoáng vật và nguyên tố chỉ thị cho tìm kiếm khoáng sản, khoanh định các vùng triển vọng về khoáng sản. Đặc biệt, đã phát hiện và khoanh định các vùng quặng, đới quặng, cấu trúc thuận lợi cho thành tạo các loại khoáng sản, làm cơ sở để tìm kiếm, đánh giá, xác định tài nguyên, trữ lượng ở các khu mỏ.

Theo ông Miến, giá trị nổi bật nhất của công trình là cơ sở quan trọng để quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản như hiện nay. “Kết quả của công trình là cơ sở quan trọng góp phần định hướng quy hoạch các ngành giao thông, xây dựng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước..., Vụ trưởng Vụ Địa chất đúc kết.

THÔNG CHÍ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/buc-tranh-toan-canh-ve-dia-chat-khoang-san-cua-to-quoc-621405.ldo