Bức tranh tương phản

Tờ The New York Times mới đây công bố kết quả một cuộc điều tra cho thấy, Mỹ đã phạm phải 'sai lầm tình báo nghiêm trọng' trong các cuộc không kích tại Trung Đông, khiến hàng nghìn thường dân vô tội thiệt mạng.

Tờ The New York Times đã tiếp cận được các tài liệu mật của Lầu Năm Góc, gồm những đánh giá của chính quân đội Mỹ đối với hơn 1.300 báo cáo về thương vong của thường dân trong chiến dịch không kích của Mỹ chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria trong giai đoạn 2014-2018.

Quân đội Mỹ bắt đầu gia tăng các cuộc không kích nhằm vào IS tại Trung Đông vào những năm cuối của chính quyền Tổng thống Barack Obama với tuyên bố đây là “chiến dịch không kích chính xác nhất trong lịch sử”.

 Khói bốc lên sau một cuộc không kích của Mỹ tại TP Ramadi ở Iraq hồi tháng 12-2015. Ảnh: AP

Khói bốc lên sau một cuộc không kích của Mỹ tại TP Ramadi ở Iraq hồi tháng 12-2015. Ảnh: AP

Mỹ hứa hẹn “công nghệ ưu việt” sẽ cho phép quân đội nước này tiêu diệt đúng mục tiêu, đồng thời “quan tâm tối đa” để không gây thương vong nhầm, ví dụ như có thể phá hủy một phần ngôi nhà-nơi ẩn nấp của các tay súng khủng bố mà vẫn bảo đảm sao cho phần còn lại của ngôi nhà được trụ vững.

Thế nhưng, các tài liệu mật lại cho thấy một bức tranh tương phản hoàn toàn với những gì mà Mỹ vẫn mô tả về chiến dịch không kích được tiến hành bằng các máy bay không người lái “có thể nhìn thấy mọi thứ” cùng các loại bom chính xác. Theo The New York Times, trong giai đoạn 2014-2018, quân đội Mỹ đã tiến hành hàng chục nghìn cuộc không kích tại Iraq và Syria “với độ chính xác thấp hơn nhiều so với quảng cáo”.

Một ví dụ được kể đến là vụ không kích của lực lượng đặc nhiệm Mỹ nhằm vào nơi được cho là sào huyệt của IS ở miền Bắc Syria vào ngày 19-7-2016. Các báo cáo ban đầu cho biết có 85 tay súng IS đã bị tiêu diệt. Thế nhưng, trên thực tế, những người thiệt mạng lại là 120 nông dân và những dân làng khác.

Các hình ảnh do thám chất lượng kém hoặc không đầy đủ thường là yếu tố góp phần để xảy ra các vụ không kích nhầm của Mỹ tại Trung Đông. Ví dụ điển hình là cuộc không kích nhằm vào một tòa nhà tại TP Ramadi ở miền Trung Iraq vào ngày 13-11-2015, sau khi một người đàn ông bị phát hiện đang kéo “một vật thể nặng không xác định” vào một “vị trí phòng thủ của IS”.

“Vật thể” đó về sau được xác định là một đứa trẻ, cũng đã thiệt mạng trong vụ tấn công. “Những đoạn video được quay từ trên không thường không thể ghi lại rõ hình ảnh con người trong các tòa nhà, dưới tán cây hay dưới bạt che.

Các dữ liệu có thể bị hiểu sai khi có người chạy tới một địa điểm xảy ra đánh bom lại bị cho là các tay súng IS chứ không phải là những người cứu hộ. Những người đàn ông đi xe máy di chuyển “theo đội hình”, vốn là “dấu hiệu cho thấy chuẩn bị xảy ra một cuộc tấn công”, thực tế lại chỉ là những người dân lái xe máy thông thường. Nỗ lực nhằm xác định nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sai sót hay rút ra bài học kinh nghiệm là rất hiếm. Vì thế mà những sai sót tình báo này cứ lặp đi lặp lại”, The New York Times nêu rõ.

The New York Times cho biết, Lầu Năm Góc thường công bố những tóm tắt sơ lược về thương vong đối với thường dân, song số liệu đã “bị đếm thiếu đáng kể”. Theo số liệu của quân đội Mỹ, 1.417 thường dân đã thiệt mạng trong chiến dịch không kích của Mỹ tại Iraq và Syria.

“Không có cách nào xác định được con số thương vong đầy đủ, nhưng có một điều chắc chắn là nó nhiều hơn những gì mà Lầu Năm Góc thừa nhận. Các tài liệu cho thấy, có nhiều cáo buộc về thương vong với thường dân hầu như không được kiểm chứng và bị bỏ qua”, The New York Times nhấn mạnh.

Nhiều thường dân cho dù có may mắn sống sót sau các cuộc không kích của Mỹ thì cũng phải chịu cảnh tàn tật, cần điều trị y tế tốn kém. Tuy nhiên, The New York Times phát hiện ra rằng, số người được đền bù chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Trong khi đó, những cam kết của Mỹ về sự minh bạch và trách nhiệm giải trình không được bảo đảm. Trong một vài trường hợp hiếm hoi mà Lầu Năm Góc công khai thừa nhận, các cuộc không kích nhầm lại thường được mô tả là “do không may, không thể tránh khỏi và không phổ biến”. “Không có tài liệu nào xác định hành vi sai phạm hay biện pháp kỷ luật”, The New York Times khẳng định.

Bình luận về kết quả cuộc điều tra của The New York Times, Đại úy Bill Urban, phát ngôn viên Bộ chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) của quân đội Mỹ-cơ quan giám sát các chiến dịch quân sự của nước này tại Trung Đông-cho rằng: “Ngay cả với công nghệ tốt nhất trên thế giới, sai sót vẫn xảy ra do thiếu thông tin hoặc hiểu sai thông tin”. Quá trình xác định mục tiêu tấn công “trở nên phức tạp hơn” khi kẻ thù “trà trộn vào trong dân chúng”.

“Trong một vài trường hợp, số liệu của chúng tôi về thương vong đối với thường dân không phải lúc nào cũng khớp với số liệu của các tổ chức bên ngoài. Chúng tôi thừa nhận số liệu có thể thay đổi theo thời gian. Chúng tôi cố gắng học hỏi từ những sai lầm để tránh những thương vong như vậy. Chúng tôi luôn điều tra từng trường hợp. Chúng tôi lấy làm tiếc về mỗi trường hợp thường dân vô tội thiệt mạng. Giảm thiểu thương vong đối với thường dân là vấn đề mang tính cấp bách xét cả về phương diện pháp lý lẫn đạo đức”, Đại úy Bill Urban khẳng định.

Trước đó, hồi giữa tháng 11-2021, The New York Times cũng công bố kết quả một cuộc điều tra cho thấy, quân đội Mỹ đã tìm cách ém nhẹm thảm kịch không kích nhầm tại thị trấn Baghuz của Syria vào ngày 18-3-2019. Đây được xem là một trong những vụ tấn công gây nhiều thương vong nhất cho thường dân trong cuộc chiến chống IS của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã chỉ đạo tiến hành một cuộc điều tra kéo dài 90 ngày để làm sáng tỏ vụ việc này.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/buc-tranh-tuong-phan-681510